VNTB – Phiên toà bất công: trách ai bây giờ?

VNTB – Phiên toà bất công: trách ai bây giờ?

Hà Huy Thao

(VNTB) – “Tòa án là nơi biểu hiện tập trung tính chất dân chủ và công khai trong hoạt động bảo vệ pháp luật. Ở đó, con người tìm thấy lẽ công bằng, tính nhân đạo, thiện và ác một cách trực tiếp và cụ thể…”.


Quan điểm của ai về ngành tư pháp mà chan chứa quyền con người, lại vừa khoa học, hiện đại, dân chủ đến thế? Khá bất ngờ khi ông Chủ tịch nước – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ nhân câu nói trên.

Để phân giải đúng quan điểm của người đứng đầu nhà nước, đảng và tránh làm sai lệch khuôn vàng thước ngọc trong lời nói, chúng ta sẽ nắm tinh thần câu nói đó dựa vào hai quan điểm của triết gia Montesquieu.

1, – “Tòa án không thể là công cụ trong tay chủ thể quyền lực khi chính chủ thể đó không là đối tượng của cơ quan tư pháp”.

Khi toà án là công cụ của của quyền lực thì công cụ đó sẽ không thể xét xử chính mình, thay vào đó nó sẽ phục vụ cho sự đàn áp hơn là công lý dựa trên phán xét.

2, – “Công lý không thể có được trong một xã hội mà cơ quan tư pháp phải phục tùng sự chuyên quyền, lạm quyền của bộ máy quyền lực nhà nước”.

Không thể có một phiên toà công lý ngay trong các vụ án về an ninh quốc gia mà thẩm phán, công tố là đảng viên đảng cầm quyền, đồng nghĩa với những phiên toà mà sự chuyên quyền, lạm quyền can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ dẫn đến án oan.

Thực tế tại các phiên toà liên quan đến chính trị hoặc dân sự như vụ án cô Huệ Như (TAND Sóc Sơn – Hà Nội xử vào ngày 8/5/2020), các yếu tố thuộc “biểu hiện tập trung” mà ông Nguyễn Phú Trọng nêu ra không tồn tại, ngay cả yếu tố “công khai”.

Theo Luật sư Lê Đình Việt, người bào chữa cho Huệ Như nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do sau khi kết thúc phiên toà:

“Họ không lắng nghe cũng không đối đáp, không làm rõ những quan điểm của luật sư đưa ra.

Nó đã không làm rõ được các cái tình tiết, các cái chứng cứ mà chính cáo trạng đã quy kết cho các bị cáo.”

Cùng ngày tại Hà Nội, 17 vị thẩm phán toà án nhân dân cấp cao trong 3 ngày giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải cũng không đảm bảo 1% quan điểm của ông Nguyễn Phú Trọng nêu ra.

Gốc gác là bởi các thẩm phán ở Việt Nam không có sự tự do, vì sự độc lập của quyền lực tư pháp không được bảo đảm trong Hiến pháp và trong thực tế một nhà nước, một đảng cầm quyền. Ông Nguyễn Phú Trọng lưu tâm đến lẽ công bằng, tính nhân đạo, thiện và ác một cách trực tiếp và cụ thể, nhưng ông ta lại là người nhiệt thành củng cố cho thực tế đó khi trấn áp kịch liệt tam quyền phân lập trong hệ thống chính trị, theo đuổi tập trung quyền lực tập trung ngay trong xét xử.

Quyền tư pháp khi không còn là quyền lực độc lập để quản lý, duy trì luật pháp và công lý thì các quyết định bên trong toà án sẽ bị ảnh hưởng bởi hành pháp hoặc các quyền lực khác trong và ngoài nhà nước. Các phán xét đưa ra từ các bên, là kết quả của ép buộc, chỉ thị hoặc khuyến nghị đi ngược lại tinh thần suy đoán vô tội trong luật. Và một thẩm phán xét xử một vụ án cụ thể vẫn khăng khăng áp dụng một quy tắc không tương thích với công lý nhưng phù hợp với quyền lực cầm quyền, sẽ có sự bất công vì một luật được áp dụng một cách cứng nhắc sẽ gây ra sự bất công.

Đã trách thẩm phán đưa ra bản án bất công một phần thì cần trách những người khởi tạo, xây dựng, củng cố cấu trúc tư pháp, lập pháp, hành pháp đó mười phần khi gốc lõi của những bất công, phi lý, vô nhân đạo từ đó mà ra.

 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)