VNTB – Phò mã Tống Viết Hòa

VNTB – Phò mã Tống Viết Hòa

Thới Bình

(VNTB) – Tống Viết Hòa, nhân vật cung cấp súng, xe hơi để sát thủ Hải “bánh” đi thanh toán Dung Hà … trắng án.

 

Ngày 25-12-2023, tại nhà lưu niệm bên bờ kênh Đông (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM), buổi gặp mặt do gia đình cố Thủ tướng Phan Văn Khải tổ chức diễn ra ấm cúng, thân mật nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông (25-12-1933 – 25-12-2023).

Chục năm trước, làng báo bất ngờ nhận tin ông Tống Viết Hòa được đề cử bầu bổ sung vào hội đồng quản trị tại đại hội cổ đông thường niên năm 2013 của ngân hàng TMCP Phương Nam. Tuy nhiên khi ấy phía Ngân hàng Nhà nước không phê chuẩn đề cử này.

Thời điểm đó, bản tóm tắt lý lịch cổ đông Tống Viết Hòa được công khai như sau: Ngày sinh: 26-10-1959, nơi sinh: Bến Tre. Trình độ: Tốt nghiệp Đại học – Ngành Quản trị Kinh doanh (Đại học Kinh tế TP.HCM). Quá trình công tác: Từ 1975 -1976: Cán bộ Khu ủy Khu 8; Từ 8-1976: Cán bộ Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM; Từ 9-1976 – 1979: Được cử đi học tại trường Bổ túc công nông Thủ Đức; Từ 1980 – 1982: Học trường đại học Hàng Hải TP.Hải Phòng; Từ 1983 – 1989: Cán bộ Công ty Vận tải Biển Sài Gòn; Từ 1990 – 1995: Phó Giám đốc thường trực Công ty Vận tải biển Vũng Tàu và học đại học tại trường đại học Kinh tế TP.HCM

Từ 1996 đến nay: Làm kinh tế tư nhân (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Chánh Nghiệp, DNTN Cánh Buồm, CTCP Hải Duy, Công ty Tập đoàn Đầu tư và phát triển Tân Hưng Thịnh).

Khi đọc bảng tóm lược này, giới phóng viên pháp đình đoan chắc đây là gương mặt đầy bí ẩn vào loại bậc nhất đến tận hôm nay vẫn chưa được ‘giải mật’ trong vụ án đình đám nhất giới giang hồ một thời: vụ án Trương Văn Cam. Đây là vụ án dọn đường thăng quan tiến chức của tướng công an Bùi Quốc Huy. Nhiều sĩ quan công an khác vốn rất nổi tiếng ở Sài Gòn như Dương Minh Ngọc, Nguyễn Mạnh Trung cũng vướng lao lý. Một số nhà báo chuyên mảng nội chính cũng bị cáo buộc tù tội trong vụ án này. Thế nhưng với cá nhân Tống Viết Hòa, nhân vật cung cấp súng, xe hơi để sát thủ Hải “bánh” đi thanh toán Dung Hà thì… trắng án.

Hai mươi năm về trước, trong phần thẩm vấn hôm 17-9-2003 của hội đồng xét xử đối với Trương Văn Cam, Nguyễn Tuấn Hải và Tống Viết Hòa (nhân chứng và là người liên quan) đã xuất hiện nhiều tình tiết mới về mối quan hệ giữa Tống Viết Hòa (chủ vũ trường Phi Thuyền) với Năm Cam và Hải “bánh” trong vụ giết Dung Hà, gây chú ý đặc biệt so với phiên tòa sơ thẩm và các buổi thẩm vấn trước đây – trích tường thuật:

* Hải “bánh”: Sau khi giết Dung Hà có được Hòa cho khoảng ba lần tiền, tổng cộng khoảng 30 triệu đồng

* Tống Viết Hòa: Ngay sau khi nhận được tin báo Dung Hà bị giết, tôi đã nghĩ do Hải “bánh” thực hiện.

Mặc dù trước đó chỉ một giờ đồng hồ, trong phần trả lời thẩm vấn của luật sư Lưu Văn Tám (bào chữa cho Năm Cam), Tống Viết Hòa vẫn khăng khăng: không hề biết việc Năm Cam hay Hải “bánh” làm bảo kê cho vũ trường của mình, chỉ quen Hải “bánh” như một người khách bình thường, không cho tiền Hải bao giờ…, nhưng đến phần thẩm vấn của hội đồng xét xử thì câu trả lời của Tống Viết Hòa hoàn toàn ngược lại!

Thẩm phán Huỳnh Lập Thành lần lượt đưa ra những tài liệu cho thấy từ tháng 7 đến tháng 9-2000 Tống Viết Hòa có đưa cho Năm Cam ba lần tiền, mỗi lần 30 triệu, tổng cộng là 90 triệu đồng. Theo Năm Cam trình bày thì đó là khoản tiền Tống Viết Hòa trả nợ cho Năm Cam, vì Hòa mượn của Năm Cam 20 lượng vàng từ năm 1998.

Còn Tống Viết Hòa lại cho rằng đó là khoản tiền trích từ chi phí tiếp khách (3% trên tổng doanh thu) của nhà hàng Ra Khơi để đưa cho Năm Cam, vì Năm Cam và Tống Viết Hòa cùng hùn hạp để mở nhà hàng này…

Ngày 7-3-2003, trong khi đang trả lời tòa về một chuyện khác, Nguyễn Xuân Trường đã đột ngột khai “chủ mưu vụ án giết Dung Hà không phải Trương Văn Cam mà chính là Tống Viết Hòa”.

Ngày 18-4-2003, tòa đã phải cho xét hỏi bổ sung Nguyễn Xuân Trường. Trường khai: Vào đêm 30-9, bị cáo và Nguyễn Tuấn Hải đi gặp Tống Viết Hòa tại nhà riêng. Trước khi đi, Hải đút cho Trường khẩu súng. Đến nơi đã có người đứng chờ sẵn, Tống Viết Hòa bảo vào uống nước, hỏi Hải sao lại để Dung Hà đến vũ trường quậy phá. Hải nói yên tâm đi, rồi rút khẩu súng trong người Trường ra để lên bàn. Nguyễn Xuân Trường còn khẳng định: “Trương Văn Cam chủ mưu hay không bị cáo không biết, nhưng Tống Viết Hòa là chủ mưu”.

Trong khi đó, theo Nguyễn Tuấn Hải thì Trường ngồi xa 5 – 7m nên không thể nghe được cuộc trò chuyện. Hải chỉ nhận có dúi súng cho Trường và Tống Viết Hòa chỉ nói Hải “dàn xếp sao chớ để Dung Hà quậy phá hoài”.

Còn Tống Viết Hòa thì khẳng định không bao giờ gặp Nguyễn Tuấn Hải mà có mặt người thứ ba, không có chuyện Hải bảo kê vì vũ trường có bảo vệ riêng, không có việc trả lương cho Hải, Hải chỉ là một người khách bình thường.

Hải “bánh” đã thừa nhận chiếc xe Toyota mà nhóm Hải sử dụng để đi tìm giết Dung Hà là xe mượn của vũ trường Phi Thuyền. Sau khi bị truy Hải “bánh” cũng thừa nhận có được Tống Viết Hòa cho mấy lần tiền, khoảng 20-30 triệu đồng (sau khi giết Dung Hà).

Nguyễn Mạnh Trung khai lúc là phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, Nguyễn Mạnh Trung đã biết Tống Viết Hòa không có đồng bạc nào nhưng dựa uy thế Trương Văn Cam để kêu gọi một số phần tử xã hội đen Đài Loan bỏ vốn vào vũ trường Phi Thuyền. Đặc biệt, Nguyễn Mạnh Trung xác định đêm xảy ra vụ án giết Dung Hà, điện thoại liên lạc liên tục giữa Nguyễn Tuấn Hải và Tống Viết Hòa. Nguyễn Mạnh Trung còn xác định được Nguyễn Tuấn Hải và Tống Viết Hòa, Lưu Tấn Nhơn, Lê Duy Long… lúc ấy đang đứng tại đâu.

… Chung cuộc vụ án này là ông Tống Viết Hòa được cho là ‘vô can’ với vô số đồn đoán nhờ ông đang mang thân phận là “phò mã” của ông Sáu Khải. Có lẽ đây cũng chính là vết nhơ rất đáng tiếc của một chính khách miền Nam như ông Sáu Khải vì quá thương con gái tật nguyền bên khiến gã con rể lộng quyền…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)