Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phố núi chìm trong lũ sau một cơn mưa

Dân Trần

 

(VNTB) – Những con đường lớn giữa phố núi Sơn La trở thành dòng sông cuồn cuộn sau một cơn mưa lớn kéo dài

 

Sáng ngày 24/7, thành phố Sơn La hứng một cơn mưa lớn kéo dài từ lúc nửa đêm rồi tạo ra dòng lũ ào ạt đổ vào trung tâm, biến những con đường lớn giữa phố núi trở thành dòng sông cuồn cuộn chảy. Nước tràn vào nhà dân gây thiệt hại nặng nề. Tới khi hết mưa thì nhiều tuyến đường vẫn bị ngập sâu tới hơn 1m.

Nước mưa chưa đủ, hồ Bản Mòng (hồ chứa nước lớn nhất thành phố Sơn La) lại mở cửa xả lũ thêm vào, khiến nhiều bản làng bị cô lập hoàn toàn bởi dòng nước lũ. Có 12 căn nhà bị sập, 3 cây cầu treo ở xã Chiêng Nơi (huyện Mai Sơn, Sơn La) bị cuốn trôi, 6 người trong xã này bị mất tích, tới trưa ngày 24/7 chỉ mới tìm được 2 thi thể của mẹ con trong bản Hua Pư, bị cuốn theo dòng lũ.

Phố núi lũ lụt là chuyện hi hữu, chắc có lẽ chỉ có trong thời đại cộng sản. Và cũng ngày 24/7 ngay tại thủ đô Hà Nội, nơi hiện đại bậc nhất đất nước, tình hình cũng nghiêm trọng không kém. Cơn mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến nước sông Bùi dâng cao, tràn qua đê, nhiều người dân đang ngủ phải hối hả chạy lũ, di tản gấp vì nước dâng lên quá nhanh, trở tay không kịp.

Sông Bùi là vùng thoát lũ của Hà Nội, khi có lũ về thì bên hữu sông Bùi được dùng để phân lũ, chứa nước. Nhưng trong 15 năm trở lại đây thì đê bên hữu sông đã 3 lần bị lũ tràn qua khiến người dân khổ sở trăm bề.

Trong nội thành Hà Nội, nhiều tuyến đường cũng ngập sâu, nước thoát không kịp, tràn qua nhà dân ở hai bên đường. Nhiều hầm của các căn hộ hai bên đường Hoàng Tùng bị ngập tới gần 2m so với mặt đường. Mọi phương tiện, xe cô, thiết bị bên trong coi như bị hư hại toàn bộ. Một căn biệt thự tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) cũng bất ngờ bị đổ sâp do mưa lớn kéo dài khiến nền đất sụt lún, sạt lở.

Nếu đổ lỗi cho biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết khắc nghiệt thì có lẽ quá bất công với ông Trời. Phải nhìn thẳng vào những quyết định quy hoạch thiếu khoa học và tầm nhìn dài hạn của nhà cầm quyền Việt Nam.

Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là việc xây dựng các công trình hạ tầng và khu dân cư tại những vùng núi mà không có kế hoạch thoát nước hợp lý. Khi một khu vực được quy hoạch và xây dựng, lớp phủ thực vật tự nhiên bị thay thế bởi các công trình bê tông hóa, làm giảm khả năng thấm nước của đất. Kết quả là nước mưa không thể ngấm vào lòng đất, thay vào đó, nó chảy tràn ra bề mặt, tạo thành những dòng lũ quét qua các khu dân cư và đồng ruộng.

Ngoài ra, việc xây dựng các đập thủy điện tại các vùng núi mà không tính toán đến tác động môi trường cũng góp phần làm tăng nguy cơ lũ lụt. Các hoạt động này thường làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông suối, phá vỡ cấu trúc địa chất và làm suy yếu khả năng chống đỡ của đất đối với nước mưa.

Khi mưa bão xảy ra thì lũ lụt, kết hợp xả lũ vô tội vạ thì nhà cầm quyền lại đỗ lỗi cho ông Trời rồi lại huề cả làng. Mỗi năm hàng trăm hàng ngàn người chết do những quy hoạch như vậy, nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm. Tính mạng, tài sản người dân coi như rác thải ven đường. Hình ảnh những gia đình mất nhà cửa, mất người thân, và sống trong cảnh màn trời chiếu đất sau những trận ngập lụt và sạt lở đất là lời tố cáo mạnh mẽ nhất về sự vô trách nhiệm này.

Thực tế cho thấy, khi các lãnh đạo không dám chịu trách nhiệm, không chỉ làm mất lòng tin của người dân mà còn gây ra những hậu quả lâu dài về mặt kinh tế và xã hội. Việc không có một cơ chế rõ ràng để xác định trách nhiệm và xử lý các sai phạm đã tạo ra một vòng luẩn quẩn, nơi mà những sai lầm tiếp tục tái diễn và người dân là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đại biểu quốc hội muốn ra luật giúp quan chức chạy án

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Chợ Phiên Không Rác: Sáng kiến bảo vệ môi trường của người trẻ

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Chữa cháy rừng bằng can nước, còn trực thăng thì để biểu diễn

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.