Hiền Vương
(VNTB) – Cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chịu trách nhiệm chính trong các quyết định hành chính của cựu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Nhiều người bênh vực cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chủ trương cho phép công ty FLC xây sân golf ở Gia Lai, và nói cựu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là người cho phép trong một văn bản ký ngày 01/4/2021.
Xem ra công luận đã ít nhiều phò thịnh, không phò suy, khi việc phê duyệt dự án sân golf Đak Đoa là chủ trương của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như của chính phủ, còn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là người ký. Và một quyết định nhân danh chính phủ thì không thể là hành vi của một cá nhân lúc giao thời tranh tối tranh sáng được.
Ông Trịnh Đình Dũng ‘không trúng’ vào “Trung ương” nên ông đã phải rời chính trường. Ông Nguyễn Xuân Phúc chuyển sang làm Chủ tịch nước, và ông được Đảng phân công về thành phố Hồ Chí Minh để lấy lá phiếu cử tri Sài Gòn cho bầu cử Quốc hội khóa 15 cận kề.
Vào chiều ngày 8/4, tại Trụ sở Chính phủ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ bàn giao công việc của Thủ tướng Chính phủ và công bố Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm một số Phó thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất nhanh trong việc ‘trám’ lỗ hổng quản trị ấy trong nội các Chính phủ, khi ông ký ban hành Quyết định số 593 về việc phân công công tác của Thủ tướng và 5 Phó thủ tướng, vào ngày 22/4/2021.
Theo đó, các nguyên tắc phân công và quan hệ công tác giữa Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ về cơ bản đã kế thừa các quy định tại nhiệm kỳ trước như Quyết định 1527/QĐ-TTg năm 2016, hay Quyết định số 476/QĐ-TTg ở tháng 8/2011 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, ở nhiệm kỳ này, nguyên tắc phân công có bổ sung một số điểm mới sau đây:
Một, Thủ tướng Chính phủ không xử lý những nhiệm vụ, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, công việc đã phân công cho Phó Thủ tướng.
Hai, Phó thủ tướng sẽ thay mặt Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện, mọi mặt trước Thủ tướng Chính phủ, trước Chính phủ và trước pháp luật về nhiệm vụ, lĩnh vực, cơ quan được phân công theo dõi, chỉ đạo, bảo đảm tiến độ và chất lượng công việc.
Ở nhiệm kỳ trước, Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ những vấn đề quan trọng. Và quy định đó cho thấy tất cả những gì được cho là dấu hiệu ‘lem nhem’ lúc ‘tranh tối, tranh sáng’ của quyền lực mà ông Trịnh Đình Dũng đã ‘vận dụng’, phần trách nhiệm cuối cùng ở những quyết định đó đều thuộc về cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ba, Phó Thủ tướng có trách nhiệm và quyền hạn thay mặt Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, xây dựng cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách… của địa phương.
Ở nhiệm kỳ trước, nguyên tắc là Phó thủ tướng có trách nhiệm và quyền hạn thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng chiến lược, quy hoạch…
Ngoài một số điểm mới trong nguyên tắc phân công và quan hệ công tác nêu trên, nhiệm vụ của Thủ tướng và các Phó thủ tướng tại quy định lần này cơ bản kế thừa văn bản trước đây.
Với trình tự pháp lý nêu trên, cho thấy Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chịu trách nhiệm cuối cùng trong các quyết định hành chính của cựu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ở nhiệm kỳ mà ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng Chính phủ.