Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sợ “cùn, lãng phí” bác sĩ trạm y tế xã

Mai Lan

 

(VNTB) – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng “không nhất thiết bác sĩ ở trạm y tế xã” vì “bác sĩ không khám bệnh lâu ngày thì cùn đi, lãng phí”.

 

“Ngành y tế đưa chỉ tiêu các trạm y tế xã phải có bác sĩ lạc hậu rồi, không nhất thiết bác sĩ ở trạm y tế xã. Bác sĩ không khám bệnh lâu ngày thì cùn đi, lãng phí” – ông Vũ Đức Đam nhận định. Đồng thời, ông đặt vấn đề luân chuyển y, bác sĩ giữa trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện để nâng cao trình độ đội ngũ này.

Ý kiến trên nếu mang tính chỉ đạo thì xem ra đây là một nội dung hoàn toàn đi ngược lại với những gì mà ngành y tế của TP.HCM đang thực hiện.

Cần thiết củng cố y tế cơ sở

Sáng 13-2-2022, Hội đồng nhân dân TP.HCM phối hợp với Đài truyền hình, Sở Thông tin và truyền thông tổ chức chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” với chủ đề “Y tế cơ sở – sức khỏe cộng đồng”. Theo đó, ông Lâm Hùng Tấn – phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM – cho biết theo quy định hiện nay, mỗi trạm y tế chỉ có 5-10 nhân viên y tế. Do đó, trong đợt dịch vừa qua, y tế cơ sở đã không thể đáp ứng hết việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Theo ông Tấn, với số lượng nhân viên y tế ít ỏi theo quy định thì chỉ phù hợp với địa bàn phường, xã có 6.000 – 20.000 dân. Tuy nhiên, với dân số tại TP.HCM rất đông, hầu hết các phường, xã có trên 50.000 dân, thậm chí có nơi trên 100.000 dân. “Từ thực tế đó, thành phố đã nghiên cứu và đề xuất các bộ ngành liên quan theo hướng mỗi trạm y tế có ít nhất 10 nhân viên y tế/ 20.000 dân. Khi thêm 2.000 – 3.000 dân thì cần 1 nhân viên y tế để phù hợp với cơ cấu dân số của từng địa phương”, ông Tấn nói.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho hay TP.HCM đã đưa 300 bác sĩ trẻ mới ra trường về cơ sở thực hành là nét mới trong nỗ lực nâng chất trạm y tế, vốn là điểm yếu phát sinh nhiều hệ lụy của hệ thống y tế bấy lâu nay.

“Đại dịch Covid-19 cho thấy vai trò của y tế cơ sở rất quan trọng. Với sự chi viện của các lực lượng, các bác sĩ quân y đã giúp TP.HCM triển khai mô hình trạm y tế lưu động. Mô hình này kết hợp với tổ phản ứng nhanh, tổ chăm sóc Covid-19 dựa vào cộng đồng, các tổ chức tình nguyện và thiện nguyện đã giúp cho các trạm y tế cơ bản chăm sóc cho số lượng F0 tăng khổng lồ. Từ kinh nghiệm này đặt ra yêu cầu làm sao để trạm y tế trở thành nơi tin cậy, chăm sóc sức khỏe cơ bản của người dân với chi phí thấp nhất.

Như vậy, việc TP.HCM đưa bác sĩ trẻ mới ra trường về cơ sở thực hành chính là đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn chống dịch. Thay vì dành trọn 18 tháng thực hành tại bệnh viện, các bác sĩ mới ra trường sẽ thực hành 12 tháng tại các trạm y tế, nếu muốn được cấp chứng chỉ hành nghề điều dưỡng, hộ sinh thực hành tối đa 9 tháng” – ông Nguyễn Anh Dũng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Thiếu thì… bỏ luôn (!?)

Hiện ngành y tế của TP.HCM đang khẩn trương hoàn thiện tờ trình nghị quyết mang tính chất đặc thù về chính sách hỗ trợ từ 30 – 60 triệu đồng cho bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh thực hành tại trạm y tế; đề xuất tăng thu nhập tối đa 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ với viên chức làm việc tại trạm y tế hoặc được luân phiên, biệt phái…

“Như thế vẫn chưa đủ, để y tế cơ sở hấp dẫn, đủ sức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cần có thêm nhiều cơ chế đáp ứng nhu cầu chính đáng về thu nhập, cơ hội được học tập phát triển nghề nghiệp của các bác sĩ. Đưa bác sĩ về phường xã, trước là lợi cho dân, sau là giúp giảm tải hệ thống điều trị, chuyện không mới nhưng là bước đột phá cần phải kiên trì thực hiện để cho trái ngọt” – một bác sĩ góp ý kiến.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện ở trên của ngành y tế TP.HCM. Không rõ vì sao khi làm việc với tỉnh Đồng Nai, người từng là quyền bộ trưởng Y tế lại đưa ra chính kiến tróe ngoe kiểu đã “lỡ thiếu thì giờ cứ bỏ luôn” đến như vậy, khi ông nói rằng trạm y tế phường, xã không nhất thiết cần đến bác sĩ.

Sở dĩ gọi là tróe ngoe, vì theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, tỉnh có 170 trạm y tế xã, phường; trong đó nhiều trạm không có bác sĩ làm việc tại chỗ mà phải điều bác sĩ từ các trung tâm y tế xuống hỗ trợ, làm việc cơ động. Đơn cử như Trạm y tế xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đã xây dựng được 22 năm, cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng. Trạm hiện có 8 biên chế phục vụ hơn 17.000 dân.

Trước dịch Covid-19, mỗi ngày trạm khám, điều trị cho hơn 10 bệnh nhân và thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia như tiêm ngừa, phòng, chống dịch bệnh. Từ giữa năm 2021 đến nay, bác sĩ duy nhất của trạm nghỉ việc vì lý do sức khỏe, cũng từ đó, trạm không còn khám, chữa bệnh mà chỉ thực hiện công tác y tế dự phòng…

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, các địa phương cần nâng cao năng lực của y tế cơ sở không chỉ cơ sở vật chất mà còn là nguồn nhân lực. Phải làm sao để cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế tuyến cơ sở đủ sức chăm sóc sức khỏe cho người dân, giảm tải cho tuyến trên.


Tin bài liên quan:

VNTB – Chính phủ tái khẳng định sức khỏe của Bộ Chính trị là “tối mật”

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Độ trễ chính sách – thật vậy không?

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam nên xoá bỏ khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo