Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phóng sự ảnh: Tháng tư, về thăm nhà ông Thiệu

Mai Anh

 

(VNTB) – 47 năm sau sự kiện ngày 16 tháng tư ‘giải phóng’ Phan Rang, ngôi nhà gốc tích thuở thơ ấu của tổng thống nền đệ nhị Cộng Hòa, giờ hoang phế…

 

Làng Tri Thủy ở xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận ngày nay vẫn lưu giữ một ngôi nhà mang dấu ấn lịch sử đặc biệt, đó là ngôi nhà gốc tích nơi Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã sinh ra và lớn lên.

Sau năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (5 tháng 4 năm 1923 – 29 tháng 9 năm 2001) và gia đình định cư ở Mỹ, căn nhà đã được chính quyền mới sung công, và đến năm 1998 thì cấp cho bà Trương Thị Thìn, một người có công với cách mạng.

Quân sử Việt Nam Cộng Hòa ghi, tháng 9 năm 1949, ông Nguyễn Văn Thiệu rời ngành hàng hải với tư cách một sĩ quan, và ông ghi danh khóa sĩ quan võ bị đầu tiên của Quân đội Quốc gia Việt Nam khai giảng ngày 1 tháng 10 năm 1948 tại Trường Võ bị Huế, tiền thân của Trường Võ bị Đà Lạt.

Ngày 1 tháng 6 năm 1949, ông tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy, ra trường phục vụ trong một đơn vị Bộ binh của Quân đội Quốc gia nằm trong Liên hiệp Pháp. Chức vụ đầu tiên của ông Nguyễn Văn Thiệu đảm nhiệm là Trung đội trưởng đồn trú tại Mỏ Cày, Bến Tre. Cùng năm đó, ông được cử sang Pháp học tại Trường Bộ binh Coëtquidan thuộc Trường Võ bị Liên quân Saint-Cyr.

Tháng 1 năm 1954, sau khi được thăng cấp thiếu tá, ông Nguyễn Văn Thiệu lên nắm quyền chỉ huy Liên đoàn Bộ binh số 11.

Năm 1955, chuyển sang thời Đệ Nhất Cộng hòa, ông Nguyễn Văn Thiệu được thăng cấp trung tá và được bổ nhiệm chức vụ chỉ huy trưởng Trường Võ bị Đà Lạt.

Tháng 7 năm 1957, ông được cử đi học khóa Chỉ huy & Tham mưu cao cấp tại Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ. Năm 1958, ông tốt nghiệp về nước và tái nhiệm chức chỉ huy trưởng trường võ bị.

Năm 1959, ông tiếp tục được cử đi học khóa Tình báo Tác chiến tại Okinawa, Nhật Bản. Kết thúc khóa học, ông được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Hành quân tại Bộ Tổng tham mưu. Ngày Quốc khánh Đệ nhất Cộng hòa 26 tháng 10 cùng năm, ông được thăng cấp đại tá, ngay sau đó được cử đi du học lớp Phòng không tại Trường Fort Bliss, Texas, Hoa Kỳ…

Một lát cắt nhỏ về đường bình nghiệp kể trên cho thấy ông Nguyễn Văn Thiệu thừa sức cất xây dựng lại căn nhà thời thơ ấu của mình tại Tri Thủy ngay khi chưa bước lên đỉnh quyền lực tối cao của một quốc gia.

Tuy nhiên ngay cả lúc là một nguyên thủ, người cố cựu ở Tri Thủy hôm nay nhớ lại rằng ông vẫn giản dị về lại quê nhà bằng chiếc xe Jeep, và khác chăng so với trước, là ông cho xây dựng một cây cầu mà dân làng sau đó gọi luôn là cầu ông Thiệu.

Vật đổi sao dời. Lịch sử đã sang một chương khác cũng 47 năm rồi. Thế nhưng căn nhà gốc tích thuở thơ ấu, thời còn là cậu học trò của làng chài Tri Thủy vẫn còn đó với những hoang phế theo số phận của vị tổng thống nền đệ nhị Cộng Hòa.

Không dám lạm bàn so sánh, nhưng quả tình có đến đây mới thấy nhà của tổng thống cũng bình dị như bao nhà khác ở xứ này…

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức vào ngày 21 tháng 4 năm 1975.

Sau khi đột quỵ và hôn mê từ ngày 27 tháng 9 năm 2001, ông Nguyễn Văn Thiệu qua đời ngày 29 tháng 9 tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess, Boston, Massachusetts, thọ 78 tuổi.

Tang lễ của ông được cử hành tại Nhà tang lễ Eaton & Mackay ở Newton, Massachusetts vào ngày 6 tháng 10 năm 2001. Thi thể của ông được hỏa táng nhưng không rõ nơi đặt tro cốt. Tin cho biết, trước lúc qua đời, ông bày tỏ mong muốn được an táng ở quê nhà Phan Rang, nếu không “thì hỏa táng rải một nửa xuống biển, một nửa trên núi”.

Sinh thời, ông Nguyễn Văn Thiệu là một Phật tử.

Ghi nhận loạt ảnh này, theo lời kể của người làng chài Tri Thủy, thì năm 1954 ngôi nhà thuở thơ ấu của ông Nguyễn Văn Thiệu đã bị người bên Việt Minh chiếm giữ và sau đó bị hủy hoại. Ngôi nhà được xây lại năm 1973, thời điểm ông Nguyễn Văn Thiệu đang là đương kim Tổng thống.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đêm nay, Phan Rang đợi sáng

Phan Thanh Hung

VNTB – Virus Corona sẽ không khiến Tập Cận Bình lung lay?

Phan Thanh Hung

VNTB – “Một đồng minh vô nhân đạo” (*)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.