Kiều Phong
(VNTB) – Khu đô thị đại học quốc gia TP.HCM ở Thủ Đức được giới chức chính phủ Hà Nội kỳ vọng là đô thị đại học đầu tiên của Việt Nam. Trên lý thuyết, đây sẽ là mô hình tiêu biểu để ảnh hưởng ra toàn cả nước, nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại. Làng đại học là nơi tập trung những điều bất toàn của xã hội. Ô nhiễm môi trường ở khu đô thị đã nằm ở mức đáng lo ngại.
Khu đô thị ngập rác
Bức ảnh này làm nhiều người nghĩ đến một khu công nghiệp hay một thị trấn mới mở. Khó ai có thể tin nổi rằng đây là khu đô thị đại học văn minh như nỗ lực tuyên truyền của giới chức.
Một bãi rác khổng lồ, bên cạnh một quán ăn ở gần nhà điều hành đại học quốc gia TP.HCM. Ảnh VNTB
Điều đáng nói, những hố rác tự phát như thế này lại đặt ngay bên cạnh những quán ăn. Nghĩa là không ít sinh viên phải ăn trong những quán ăn mất vệ sinh như thế. Nhưng dù sao họ cũng không thể ăn trong căng-tin các trường vì thức ăn trong đó đắt đỏ hoặc không hợp khẩu vị sinh viên.
Có thể nói rằng những hộ buôn bán nhỏ lẻ ở làng đại học quốc gia TP.HCM là thành phần sống ngoài văn minh. Đợi lúc nửa đêm không có ai, họ đổ vô số tàn than tổ ong ra các bãi đất. Làng đại học trở thành những gò phế phẩm.
Các hộ dân lén đổ xác than tổ ong ra vệ đường . Ảnh Kiều Phong- Việt Nam Thời Báo.
Lực lượng an ninh trong làng đại học thì bất lực trước sự lộng hành của các tiểu thương. Cũng xin nhắc lại rằng không hề tồn tại một hiệp hội các chủ quán ăn tại khu đô thị đại học quốc gia TP.HCM. Không hề tồn tại một thùng rác công cộng đặt ở các con đường chính. Không hề có một nhà máy xả thải chất thải, thậm chí còn không hề tồn tại dù chỉ một đường ống dẫn nước thải.
Cơ quan quản lý môi trường ở đâu?
Việt Nam được biết đến là một quốc gia quản lý công dở vào bậc nhất thế giới. Từ quản lý thư viện cho đến quản lý thị trường, đâu đâu cũng thấy bất cập. Nhưng nghiêm trọng nhất là quản lý môi trường. Cơ quan quản lý môi trường của đô thị đại học quốc gia TP.HCM đang cho thấy một mối bất ổn. Rác thải nhiều đến mức ở những vũng đất trũng bị những bao rác thải ny-lon làm tắc nghẽn, nước từ con kênh bốc mùi nồng nặc. Đoàn cải tạo môi trường liên ngành lâu lâu tổ chức nạo vét một lần, khi đi họ mang theo nhiều nhân viên quay phim chụp ảnh bên cạnh .
Một lần đoàn liên ngành đi nạo vét một con kênh nhân tạo. Ảnh Kiều Phong- VNTB
Đợt ra quân có sự tham gia của đại diện công an ( áo xanh lá cây trong ảnh), ban bảo vệ trật tự đại học quốc gia ( áo xanh lam ), các đoàn viên ( áo xanh lam), đại diện tổ dân phố ( mặc thường phục). Cũng như mọi lần, đi theo đoàn có đến bảy, tám phóng viên cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đưa tin rầm rộ trên website của đại học quốc gia TP.HCM và các trường thành viên.
Các hộ dân trong khu đô thị cho biết đến cả mười mấy tháng con kênh mới được nạo vét một lần. Xong xuôi đâu lại vào đó, các tiểu thương lại ngang nhiên vứt rác xuống con kênh, chẳng mấy chốc tình hình ô nhiễm lại tồi tệ hơn trước.
Vậy, cơ quan bảo vệ môi trường thật tình không đủ quân số và tài chính, hay là do tư duy sai lầm? Thực tế chứng minh tất cả. Không hề tồn tại một thùng rác công cộng đặt ở các con đường chính. Không hề có một nhà máy xả thải chất thải, thậm chí còn không hề tồn tại dù chỉ một đường ống dẫn nước thải. Sinh viên các trường thuộc đại học quốc gia TP.HCM cũng là thủ phạm vứt rác và xả thải. Trong một nền giáo dục thiếu nhân bản, những thanh niên không cảm thấy áy náy khi vứt rác ra đường, kể cả rác thải ni-lon là thứ hàng trăm năm không phân hủy.
Tư duy bảo vệ môi trường đối phó của lãnh đạo đại học quốc gia TP.HCM ngày càng lộ rõ. Đại học quốc gia thuê những người dân không có chuyên môn cũng như đạo đức tối thiểu để đi xử lý môi trường. Ở lô đất trên đường chính đi vào ký túc xá khu A, những công nhân thời vụ xử lý rác thải bằng một cách… đốt bằng lửa.
Xin lưu ý, dù là rác tự nhiên hay nhân tạo, vô cơ hay hữu cơ, việc đốt bằng lửa thủ công ngoài trời làm phát sinh lượng lớn khí thải CO2 và các khí độc khác. Đây là hành động làm phản khoa học và phản văn minh, không giống bất kỳ nước nào trên thế giới.
Cũng có những ý kiến cho rằng, những ngổn ngang của khu đô thị là tạm thời và khi giải tỏa (muộn nhất là năm 2019) thì mọi thứ sẽ tốt đẹp. Nhưng ai cũng biết rằng chất độc ngấm vào lòng đất thì chẳng có gì cải tạo được cả. Chưa thấy một đo lường những chất độc và chất thải ngấm vào lòng đất, cũng chưa thấy một giải pháp đưa ra để cứu vãn tình hình.
Không giống như thể chế chính trị có thể thay đổi rõ rệt, môi trường một khi đã bị ô nhiễm thì ngàn năm mới có thể khắc phục.