Việt Nam Thời Báo

VNTB- Phóng sự: Một thoáng Hạ Long và sự khắc nghiệt của xã hội hiện đại

Kiều Phong (VNTB) Chúng tôi ngồi trên xe Kumho của Hàn Quốc đi đến Hạ Long tuyến Hà Nội- Cẩm Phả. Bạn tôi sống ở Hà Nội đã lâu, đi về giữa Hà Nội và Hạ Long như bóng bàn cho hay rằng tập đoàn Kumho đã chiếm hầu như sạch sành sanh khách đi tuyến đường từ Hà Nội đến Hạ Long. Họ đầu tư rất nhiều xe buýt hạng sang, mở cả trạm dừng chân Kumho to như nhà thi đấu có nhà vệ sinh gạch men sáng bóng thơm nức như khách sạn bốn sao năm sao. Trạm dừng chân của Kumho bán thức ăn, nước uống, đồ dùng sinh hoạt, văn hóa phẩm… cho khách hàng không thiếu thứ gì, kể cả sạp báo. Với sự đầu tư tỉ mỉ như vậy, hãng xe Kumho dễ dàng chiếm được cảm tình của khách. Những nhà xe lẻ tẻ manh mún không cạnh tranh nổi nên buộc phải lụi dần, nhường chỗ cho tập đoàn kia. Đúng là thị trường tự do thì guồng quay đào thải thực ghê gớm, thị phần của tư nhân Việt bị doanh nghiệp Hàn và doanh nghiệp Tàu hốt hết cũng chẳng ngăn nổi.
Người phụ nữ bán kem trên đường Bãi Cháy- Hạ Long- Quảng Ninh- Ảnh: Kiều PhongDescription: 525.JPG
Hạ Long là nơi du lịch, nghỉ dưỡng và thụ hưởng. Thanh niên và sinh viên phía Bắc học ở Hà Nội cuối tuần đổ xuống Hạ Long ăn chơi rất nhiều. Những dịch vụ nhà hàng, khách sạn, quán bar mọc lên như nấm, thu lãi rất nhiều và nhanh. Anh bạn tôi kể ở trên mở một cái pub, tức là một quán rượu, kiểu Mỹ. Trong lúc hai anh em cậu bạn này đang đưa người thiết kế quán pub lên xem xét ki-ốt ba tầng đã thuê, tôi đứng ngoài và quan sát một Hạ Long buổi chạng vạng. Có những dãy ki-ốt liền nhau, mái ngói và hoa văn thể hiện văn hóa kiến trúc Trung Quốc. Các bảng hiệu đề của những ki-ốt này đề song ngữ Việt- Trung, tôi thấy làm lạ khi du khách phương Tây tóc vàng đi lại rất nhiều mà tại sao biển hiệu lại không đề bằng tiếng Anh. Chỉ thấy các khách sạn, nhà hàng lớn bên kia đường (bên dựa vào núi) là treo biển tiếng Anh, còn bên này đường (bên bờ biển) lại đa số đề tiếng Trung, rất nhiều ki-ốt mới mở đều như vậy, lại còn treo lồng đèn sắc đỏ làm cho khách vãng lai cứ ngỡ như đang ở bên Tàu.
Ngay trước quán pub sắp sửa khai trương của bạn tôi là một chị bán kem dạo. Chị này bán kem ốc quế, có kem độn vào cái phễu và phủ sữa lên trên. Chị chở thùng kem trên chiếc xe số Honda cũ kỹ, dựng vào bên vệ đường. Bên kia đường là những nhà hàng- khách sạn lớn nhìn ra biển. Bên này đường là bờ biển, những người vừa tắm dưới biển đi lên đang lững thững đi về phòng khách sạn. Chị cất tiếng rao mời mọi người đi qua mua kem. Đầu tiên, tôi hỏi xin chụp ảnh chị để làm ảnh tư liệu về sau, chị bán kem bảo là tại sao không chụp những nhà hàng, khách sạn, những người đi ô tô giàu có mà lại chụp người nghèo như chị? Rồi chị lại quay trở lại thùng kem rao bán. Tôi đứng nép một bên, đứng chờ thì không biết bao giờ người bạn tiếp chuyện với người thiết kế quán pub mới trở ra nên trong thời gian đó tôi cũng rao bán kem với chị này. Từng tốp khách, gồm bố mẹ và con cái tới là phải rao liền miệng, rồi họ lại đi. Cứ tầm ba mươi giây một phút là lại có một tốp khác. Giữa lúc đứng chị kể cho tôi, rằng gia đình chị làm nông dân đã nhiều đời ở Hạ Long- Quảng Ninh ( đến bây giờ tôi mới biết ở Hạ Long người dân cũng trồng lúa). Tôi lấy làm ngạc nhiên hỏi chị:
– – Sao gia đình chị có đất ruộng mà không làm nữa, lại đi bán kem?
– – Làm ruộng giờ không đủ sống đâu em – chị đáp bằng giọng Bắc, khẩu âm địa phương – làm ruộng khổ lắm. Gì cũng thuê, tiền thuề người cày, người bừa, người cấy… là hết tiền rồi.
Tôi lại hỏi:
– Thế sao chị không xin lái xe điện ?
Vừa nói tôi vừa nhìn ra những cái xe điện đang chạy. Ở đường Bãi Cháy – Hạ Long này, không có xe buýt nào mà chỉ toàn xe điện mà thôi, loại xe nhỏ gọn không có kính để cho gió lùa vào. Cứ chốc chốc, độ một hai phút, lại có một xe điện chạy qua. Rất nhiều tài xế lái xe điện ở vùng này là nữ, trẻ trung khỏe mạnh. Qua giới thiệu, chị cho hay tên là Vân. Chị Vân thở dài một cái rồi đáp như thể đang trả lời cho một thanh niên trên trời rớt xuống không hay biết gì về xã hội Hạ Long này cả:
– Khó lắm em ơi. Phải có ô dù mới xin được vào làm. Như chị không quen biết ai thì ai nhận vào lái?
Xin lái xe điện mà cũng phải quen biết, hóa ra đây là bộ mặt thật của “thiên đường” nghỉ dưỡng, bộ mặt thật của đô thị hóa. Những quan chức địa phương, trùm nhà đất đã cơ cấu con em họ hàng vào các vị trí cả rồi. Con em nông dân thì khó lòng xin được một việc làm giữa đô thị, cũng không còn sống dựa vào nông nghiệp một cách thong dong như xưa được nữa. Con em của các gia đình nông dân bỗng dưng thất nghiệp, như chị này phải đi tìm một việc khác.
Năm 2014, Hội nhà báo độc lập Việt Nam có cho tôi đi sang Thái họp về bình đẳng giới do tờ báo Prachatai (Prachatai.org) tổ chức. Đi và thấy sự thịnh vượng của họ, khi về tôi có đăng một status facebook trong đó có than rằng người Việt giờ thất nghiệp nhiều quá, mà nhà nước báo cáo điêu, bảo là dưới 2%. Có một anh bạn khác thời trung học của tôi có bố là bí thư huyện ủy nhảy vào comments là việc đầy ra đó, vào quán cà phê mà làm, ý là tôi bôi đen xã hội. Bạn bè facebook của tôi khá nhiều, câu nói này của anh ta làm họ phẫn nộ. Một anh bạn cùng trường trung học nhưng sau tôi một khóa bình luận, rằng 40-50 tuổi thì còn ai nhận vào quán cà phê nữa. Cậu bạn con bí thư huyện của tôi thấy xấu hổ, không comments nữa. Sự thật rành rành ra đó, cả xã hội này quá nhiều người thất nghiệp, quá nhiều người mưu sinh nơi đường phố. Người này cũng học đại học tử tế ở Hà Nội, chứ chẳng phải loại dốt nát, nhưng có yêu đảng, yêu nhà nước đến mấy mà bình luận ngơ ngơ trên facebook là bị cả cộng đồng chửi không kịp trở tay.
Một tốp du khách đi tắm biển về. Ảnh: Kiều Phong.
Trở lại chuyện chị bán kem tên Vân, chẳng may làng quê của chị bị đặt vào một hoàn cảnh mà người ta gọi đó là công nghiệp hóa, đô thị hóa. Đô thị hóa, hiện đại hóa một vùng đất thuần nông tất yếu sẽ làm cho bất công xã hội trong vùng đó xuất hiện và lan rộng ra, một trăm trường hợp ở Việt Nam thì một trăm trường hợp như thế. Lấy ví dụ bên ngoài so sánh, chúng ta thấy nước Bhutan, họ không cần hiện đại hóa, không cần ngành du lịch, không cần nhà hàng khách sạn, không cần đô thị hóa, đây là nước thuần nông mà vẫn hạnh phúc nhất nhì thế giới. Một ví dụ khác, nước Úc, một nước mạnh về xuất khẩu nông nghiệp, người nông dân nước này cũng có đời sống sung túc. Vậy tại sao một nước có truyền thống nông nghiệp như Việt Nam mà người nông dân lại thành ra khốn khổ và thiếu thốn trăm đường như vậy? Công nghiệp hóa cần được hiểu theo nghĩa khác, tỉ dụ như dùng công nghiệp để phục vụ tối ưu hóa nông nghiệp. Nông dân bỏ nghề ngày càng nhiều, và trong một xã hội hiện đại đào thải khắc nghiệt, không dễ dàng để những người đó tìm được nghề mới. Nhìn người phụ nữ trạc ba mươi tuổi thân hình nhỏ bé gầy gò chở một thùng kem to tướng liệu, tôi tự hỏi chị có thể xin được việc trong các quán Karaoke và quán Pub hay tuyển tiếp viên mắt xanh môi đỏ hay không? Hay khuôn mặt xạm nắng ấy có thể vào làm cho các nhà hàng lớn mà nhân viên phải trẻ đẹp hay không? Hẳn câu hỏi này nhiều người lấy làm ái ngại, xã hội cạnh tranh ngày càng khốc liệt, người nông dân không có bằng cấp thì rất khó sống. Tôi lại hỏi chị:
Tôi lại hỏi chị:
– Em cứ nghĩ nếu tiết kiệm thì làm nông cũng đủ sống mà chị?
Chị Vân trả lời:
– Giờ cái gì cũng phải mua, cái gì cũng đắt em ạ, trông vào mấy mẫu ruộng không đủ, mà làm ruộng vất vả lắm.
Mỗi lần có tốp khách nào đến là câu chuyện giữa hai người lại ngừng để chị bán kem. Mỗi cây kem mười nghìn đồng, hai cây kem có khi chỉ mười lăm nghìn. Một cây kem lời được khoảng hai-ba nghìn, chị nói rằng mỗi ngày trung bình chỉ bán được năm mươi cái, chẳng đủ để nuôi gia đình. Đã thế lại thường bị công an đuổi nữa. Cách đó 200 mét, nơi chừng một giờ đồng hồ trước, nơi chúng tôi ngồi trong quán nước trước khi ra bờ biển, một bà vừa than thở là cái xe bán bánh mì bị công an thu, phải nộp hai triệu để chuộc lại. Chị bán kem này cũng vậy, luôn luôn để ý từ đằng xa. Khoảng năm mười phút tự dưng không bán được cho người khách nào, mà những người chuẩn bị đi qua chỗ chị lại có người đã cầm cây kem trên tay rồi. Hẳn là đằng trước đã có một xe kem khác chạn trước xe kem của chị. Biết vậy, chị Vân và tôi chào nhau rồi chiếc xe kem lại lên đường đi chỗ khác, về phía gần bãi tắm hơn để đón khách hiệu quả hơn.
Hạ Long buổi chiều chạng vạng. Mặt trời xuống rất nhanh, đèn điện sẵn nên chẳng kịp trông thấy màn tối. Phố xá hoa đèn về đêm lại càng sôi nổi. Du khách từng đoàn từng tốp cười nói huyên thuyên xuống biển và lên bờ. Thấp thoáng giữa đám người ăn sung mặc sướng, người ta thấy những phụ nữ bán hàng rong đang tất bật ngược xuôi kiếm sống, những thân hình nhỏ bé hòa lẫn vào màn đêm.

Tin bài liên quan:

VNTB – Lời khuyên khẩn cấp gửi đến Bí thư Thành ủy Hà Nội

Phan Thanh Hung

Đề nghị kiểm tra công trình bất hợp pháp trong sân bay Tân Sơn Nhất

Phan Thanh Hung

“Chị gái tôi bị cầm giữ như một con tin”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.