Việt Nam Thời Báo

VNTB- Phong trào dân chủ qua vụ bắt bloger Mẹ Nấm?

Thiên Điểu

(VNTB) – Nghi ngờ để phòng ngừa khác hẳn với triệt hạ, kết luận chỉ vì nghi ngờ. Khi nào những người hoạt động đấu tranh dân chủ hiểu rõ điều đó thì những oan khuất tương tự trường hợp Mẹ Nấm sẽ trở nên rõ ràng và đơn giản.

Kết quả hình ảnh cho hinh anh mẹ nấm
 Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – Mẹ và Con


Dư luận “lề dân” và truyền thông cả trong nước và nước ngoài đang nóng lên xung quanh vụ lực lượng An ninh Khánh Hòa bắt giữ Bloger Mẹ Nấm –  Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Truyền thông “lề Đảng” tất nhiên là vẫn theo lệ thường: chụp mũ và dọn đường bằng các tin tức vừa qui chụp, vừa đe nẹt theo hướng kết tội không cần quan tòa. Dư luận quốc tế thì đã có một số quốc gia và tổ chức lên tiếng phản đối vụ bắt giữ.

Đâu là nguyên nhân?

Xã hội và đất nước Việt Nam chậm phát triển, tụt hậu và rơi vào những bế tắc về mặt chính trị, xã hội hiện nay gắn liền với trách nhiệm của thể chế cầm quyền do Đảng CSVN lãnh đạo là điều không thể chối cãi. Nhưng trong đó, một nguyên nhân cũng gắn liền với hệ lụy là lý do từ văn hóa ứng xử và nhận thức của cộng đồng người Việt trước những vấn đề mình quan tâm. Hoạt động của phong trào xã hội dân sự (XHDS) Việt Nam mấy năm qua nếu so sánh với các phong trào quốc tế là rất chậm, rất yếu cho tới thời điểm hiện tại cũng bởi hai lý do chính vừa nói trên.

Đặc điểm trong tinh thần phản kháng của người Việt nói chung là thụ động và hùa theo số đông. Các hành động có chủ kiến độc lập chiếm tỷ lệ rất ít ngay trong mọi ứng xử trong đời thường. Có thể kể ra rất nhiều ví dụ: khi có xung đột đơn lẻ, phần lớn là tìm cách né tránh, chấp nhận hạ mình ngay cả khi mình đúng; trong làm ăn, ít người nghĩ tới các phương thức mới, chiến lược riêng rẽ cho mình mà hùa theo phong trào, theo một thông tin hấp dẫn nào đó dù rất mù mờ nhưng không hề phân tích, tìm hiểu; khi gặp kẻ trộm thì sợ hãi nhưng có thể hùa theo nhau đánh tới chết một tên trộm chó khi có một người ra tay trước; nghe theo sự vận động, định hướng của một cán bộ hay một số cán bộ ở cấp chính quyền nào đó làm sai nhưng vẫn chấp nhận cả sự giải thích ru ngủ khi gặp thất bại, kiểu mà trong dân gian lưu truyền câu cửa miệng “mất mùa thì tại thiên tai, được mùa thì tại thiên tài Đảng ta”.v.v.

Quay lại vấn đề liên quan Bloger Mẹ Nấm nói riêng và phong trào XHDS nói chung. Chính cái văn hóa “hùa theo” có sẵn trong tiềm thức, nên khi một ai đó  đưa ra thông tin  người này, người kia là An ninh hay có hành vi “không đẹp”.. thì lập tức có không ít người đồng tình, hùa theo một ý kiến phản biện hay khẳng định nào đó trong khi bản thân không hề biết gì và cá nhân Mẹ Nấm hay cả chính người đã đưa ra câu chuyện.

Dù chủ yếu hoạt động truyền thông trên mạng, nhưng khá nhiều người không hề biết mình đã vô tình ủng hộ trong nhiều trường hợp các tin tức, phát ngôn được đưa ra chỉ đơn giản để gây sự chú ý kiểu câu view, đánh bóng tên tuổi theo kiểu hạ thấp người khác, đề cao mình lên. Đôi khi là bởi sự thù ghét cá nhân xuất phát từ quan hệ xung đột nào đó, bất đồng cá nhân.. mới chính là nguyên nhân thật sự.

Lý do trên là lý do chủ quan, hầu hết đều có thể nhận ra nhưng khó để tránh. Còn một lý do “khách quan” đặc biệt quan trọng nhưng ít người hiểu một cách tường tận: Thủ thuật truyền thông chính trị và sách lược chiến tranh tâm lý từ phía chính quyền.

Người ta thường nói tới các từ ngữ “chiến tranh nhân dân; dân vận; tuyên truyền; nghệ thuật truyền thông.v.v.”. Nghe thì phức tạp, nhưng nó có thể thấy trên thực tế ở chiến trường khi kẻ địch bị hạ bởi một cô gái xinh đẹp dễ thương, đầy vẻ hiền thục, nhu mì hay một đứa trẻ, một cậu học sinh xách cặp chứa bom với nụ cười thiên thần thân thiện. Thấy qua những bài học cụ thể  là những màn đấu tố ẩn sau một sinh hoạt “dân chủ” đã được định hướng nhằm triệt hạ, thậm chí giết chết một hay nhiều người nào đó – VD: Cải cách ruộng đất; hội họp phê bình, biểu quyết kỷ luật.. Người ta cũng rất dễ thấy rõ hiện tượng một nhóm hay số đông từ nghi ngờ tới tin vào một câu chuyện hoang đường chỉ vì nó được một lực lượng hùng hậu truyền thông, quảng bá hay cùng thuyết phục..

Những hiện tượng, sự việc ấy chỉ là bề nổi trong những nghệ thuật định hướng xã hội mà bất cứ chế độ, tổ chức nào cũng áp dụng ít hay nhiều. Trong chính trị: Nghệ thuật dẫn dắt tâm lý định hướng bằng hỏa mù, vận dụng các thói quen bản năng của số đông để triệt hạ đối thủ mới thật sự là cuộc chiến thâm độc và hiệu quả nhất trong mọi lĩnh vực. Những cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp về chính trị, an ninh.. đều thông thạo và biết rất rõ về các thủ đoạn này.

Bộ máy an ninh chính trị Việt Nam có thể nói là một bộ máy khá hoàn hảo so với cả thế giới về các nghệ thuật chính trị, quản lý xã hội nói trên. Nó không chỉ là ở lực lượng an ninh hùng hậu, mạng lưới đặc tình dày đặc được ém sẵn trong mọi ngõ ngách, thôn xóm.. để dễ dàng phát hiện ra hầu hết các nguy cơ liên quan tới chế độ, an ninh trật tự. Lực lượng báo chí độc quyền về truyền thông đã được định hướng và kiểm soát chặt chẽ cũng là thứ vũ khí đầy uy lực khi cần dùng tới hoàn toàn có thể áp đảo mọi niềm tin bởi chiến thuật khi thì úp mở, ám chỉ để “chỉ điểm”, khi thì ào ạt “cả vú lấp miệng em”  nhằm phủ đầu một đối tượng nào đó.

Khi phong trào dân chủ manh nha xuất hiện, bưng bít thông tin là lựa chọn chính. Nhưng sự bùng nổ truyền thông mạng phá vỡ chiến thuật bưng bít thông tin, giúp cho nhận thức con người tốt hơn thì chiến thuật tung hỏa mù, gậy ông đập lưng ông.. trở thành các chiến thuật năng động và hữu hiệu. Những mâu thuẫn ngay trong chính mọt số hội nhóm XHDS cho thấy cuộc giao thoa không giới hạn về kiến thức từ mạng chưa cải thiện được bao nhiêu năng lực chủ động phân tích,  đánh giá vấn đề. Thói quen thụ động, hùa theo.. vẫn gần như không thay đổi.

Đâu đó là những bôi nhọ lẫn nhau bởi các nhóm, cá nhân khoác áo đấu tranh dân chủ để mưu lợi. Vì ăn chia không đều hay có mâu thuẫn ghen tuông nhau trong quan hệ trai gái cũng dấy động thông tin hỏa mù, biến đối phương thành “an ninh giả dạng”. Một Hội nhóm, cá nhân nổi lên bởi một hoạt động nào đó có chút tiếng tăm lập tức bị nhấn chìm vào các công kích, bươi móc với những lý do mà không mấy ai biết thật giả.

Với một số người, chỉ cần một ai đó lên mạng chửi rủa thật nặng lời đối với chế độ thì lập tức được xếp vào “phe mình”. Chỉ cần vài hỉnh ảnh, thông tin thương cảm để kêu gọi quyên góp là thành “người hoạt động từ thiện”.. sau đó cũng chỉ cần một cuộc chia tay bồ bịch vì cải vã hay đơn giản hơn là một tranh luận chưa được ngã ngũ biến thành mâu thuẫn.. vốn là những câu chuyện bình thường nhất trong mọi câu chuyện đời thường thì lập tức trở thành “phe địch” bị tấn công không chút nương tay. Phong trào XHDS cứ lọ mọ trong những cuộc chiến xô bồ, tẻ nhạt như vậy, quá dễ dàng để lực lượng an ninh thật sự ra tay, kiềm chế toàn cục mà chẳng tốn hao mấy công sức(!)

Nhẹ nhàng thì vài cuộc gặp gỡ lấp lửng của viên chức an ninh hay cán bộ nào đó đủ tạo lý do để nghi ngờ. Nặng tay hơn thì một nhóm dư luận viên hay một ai đó “có tiếng tăm” trên mạng lên tiếng thì cũng đủ dấy động một cuộc chiến tương tàn, đòi phân thắng bại tới cùng. Những tâm lý và tư duy ấy luôn không dễ dàng để kỳ vọng có được một phong trào dân sự thuần túy chứ chưa nói tới một tổ chức thống nhất, liên kết được với nhau nhằm mục tiêu chính trị lớn lao là thay đổi chế độ.

Đánh giá một con người về mặt quan điểm xã hội, lý tưởng chính trị phải nhìn xuyên suốt các hành động cụ thể qua thời gian, xác định được lý tưởng và định hướng mục tiêu mà người đó thể hiện một cách liên tục chứ không phải ở những tin đồn, những hành vi khác thuộc phạm vi đời thường của cá nhân đó. Ở góc độ chính trị xã hội thì phải nhìn bao quát hơn để phân định hành vi hiện tại của cá nhân, tổ chức nào đó là có lợi hay có hại cho toàn cục chứ không chỉ giản đơn nhìn một phía là người đó thuộc thành phần nào, hành động cụ thể ấy vì lý do gì..

Nghi ngờ để phòng ngừa khác hẳn với triệt hạ, kết luận chỉ vì nghi ngờ. Khi nào những người hoạt động đấu tranh dân chủ hiểu rõ điều đó thì những oan khuất tương tự trường hợp Mẹ Nấm sẽ trở nên rõ ràng và đơn giản. Khi đó phong trào XHDS mới chính thức bước chân tới con đường dẫn đến mục tiêu xây dựng một xã hội lý tưởng.


* Bài viết trên mục Diễn đàn thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tin bài liên quan:

VNTB- Luật pháp Việt Nam và “ruồi vẫn hoàn ruồi”

Phan Thanh Hung

Lật lại hồ sơ vụ khiếu kiện tại Đak Ngo – Phần 1

Phan Thanh Hung

VNTB- Tái diễn vay vốn Trung Quốc: Tiếp tục ”cõng rắn cắn gà nhà”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo