Việt Nam Thời Báo

VNTB- Phỏng vấn NB LÊ HẢI về “90 năm báo chí cách mạng VN”: Chúng ta đã có tự do đó đâu!

Khúc Thừa Sơn thực hiện

Images intégrées 1

Nhà báo Lê Hải (áo đen) trong một lần xuống đường biểu tình


(VNTB) – Quốc tế đánh giá Việt Nam không có tự do báo chí là đúng rồi. Chúng ta đã có tự do đó đâu.

Sẽ không một ai phủ nhận nghề báo là một nghề hết sức nguy hiểm và người làm báo phải có tâm, có tài mới cho ra đời những tác phẩm báo chí hay, những tác phẩm báo chí đặc sắc đi vào lòng người.

Nhà báo Lê Hải hiện đã nghỉ hưu, ông và gia đình hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng. Ngoài công việc viết báo, ông còn tích cực tham gia các công tác xã hội như đi làm thiện nguyện hoặc đăng tải các ý kiến phản biện về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên trang facebook cá nhân. Trong những lần tiếp chuyện với ông, tôi dễ dàng nhận ra cái tính hay đùa của một người dân bình dị và tính khí khách của người làm báo lâu năm. Chính vì lẽ này đã làm nên một Lê Hải sống đầy tâm huyết với đời và nghề. Đặc biệt, ông luôn đặt niềm tin vào người tuổi trẻ, cái niềm tin đó là: Người tuổi trẻ dù làm bất cứ ngành nghề gì chứ không riêng nghề báo vẫn sẽ đảm nhận tốt những công việc và trách nhiệm mà nhân dân và đất nước giao phó.  

Nhân sự kiện “90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam ( 21/6/1925 – 21/6/2015 )”, Việt Nam Thời Báo ( VNTB ) cùng trò chuyện với nhà báo Lê Hải để cùng ông nhìn lại một chặng đường của người làm báo ở Việt Nam trước các vấn đề đòi hỏi của người dân và xã hội Việt Nam hiện tại.
KHÚC THỪA SƠN: Thưa nhà báo Lê Hải, 90 năm – một hành trình của báo chí cách mạng Việt Nam. Theo ông báo chí cách mạng Việt Nam được gì và không được gì?
Nhà báo LÊ HẢI: Báo chí cách mạng Việt Nam đã tuyên truyền rất xuất sắc về các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Campuchia, làm cho nhân dân thế giới đứng về phía Việt Nam và chính điều đó đã tạo ra thắng lợi. Đó là cái được lớn nhất. Nhưng từ sau hoà bình, báo chí Việt Nam bị kìm hãm trong những qui định khắt khe, các nhà báo không được hoàn toàn tự do viết, chụp, quay về những nỗi đau của dân chúng khi họ chịu đựng những bất công như bị chiếm đất đai, trù dập vì chống tham nhũng, biểu tình chống giặc ngoại xâm phương Bắc. Hơn 800 cơ quan báo chí đều có nội dung hao hao giống nhau. Những thể loại: bút chiến, tranh biếm hoạ chính trị… biến mất khỏi các trang báo. Giá như chúng ta có tự do báo chí, tự do ngôn luận như hiến pháp qui định, tôi tin rằng những trang báo trong nước sẽ hấp dẫn hơn.
KHÚC THỪA SƠN: Việt Nam có rất nhiều tờ báo nhưng tại sao quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam không có tự do báo chí, ông có thể lý giải về điều này được không ?

Nhà báo LÊ HẢI: Quốc tế đánh giá Việt Nam không có tự do báo chí là đúng rồi. Chúng ta đã có tự do đó đâu. Anh xem nhé, Điếu Cày, Trương Duy Nhất, Nguyễn Việt Chiến, Kim Quốc Hoa… viết về sự thật dân oan, về những khiếm khuyết trong điều hành đất nước, về sự thật những đường dây tham nhũng, vạch trần những nhân vật xấu… đều bị xử lý bằng tù tội, truy tố. Điều đó xảy ra thường xuyên trong những nước theo chế độ XHCN chứ không hoặc rất hiếm xảy ra ở các nước tự do, dân chủ. Đó là đặc trưng của hệ thống. Cũng phải thừa nhận rằng, trong 10 năm trở lại đây, báo chí đã được nới rộng vòng kim cô hơn, nhưng chắc còn lâu chúng ta mới có được một tự do báo chí thật sự.
KHÚC THỪA SƠN:  Ông có thấy là Việt Nam nên cần báo chí tư nhân để báo chí Việt Nam được cởi mở hơn, tự do hơn hay không?
Nhà báo LÊ HẢI: Báo chí tư nhân sẽ mang đến cho người đọc những góc nhìn mới lạ, nhiều chiều, phong phú và gần dân chúng hơn, tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn, thúc đẩy sự phát triển tốt hơn cho nền báo chí. Cũng giống như khi xoá bỏ chế độ bao cấp, tuân theo cơ chế thị trường, nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong những năm qua. Các lãnh đạo vẫn đang nói không cho phép báo chí tư nhân, không cho xuất bản tư nhân (sai với hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam) nhưng đang tồn tại ở đất nước ta nhiều tờ báo, tạp chí, chương trình truyền hình, nhiều nhà xuất bản tư nhân núp dưới danh nghĩa một hội đoàn, cơ quan nhà nước nào đó. Anh có tin không? Nhưng cho dù báo chí tư nhân được phép hoạt động mà “qui chế” hoạt động vẫn không thay đổi thì khó có tự do thực sự trong lĩnh vực này.

KHÚC THỪA SƠN: Nghề báo là nghề nguy hiểm nhưng không kém vinh quang, đặc biệt là người làm báo ở Việt Nam. Ông có thể chia sẻ vài trường hợp xảy ra  trong quá trình làm nghề báo của ông?
Nhà báo LÊ HẢI: Nghề báo là nghề nguy hiểm, đặc biệt là người làm báo ở Việt Nam. Nhiều nhà báo bị tấn công bởi những người bị động chạm đến quyền lợi, kể cả tư nhân và nhà nước. Nhà báo Minh Quốc, Báo ảnh Việt Nam bị đấm vào mặt trong cuộc thi hoa hậu hoàn vũ tại Khánh Hoà năm 2008; Phạm Văn Việt và Nguyễn Thị Ái Linh, VTV Phú Yên bị tư nhân tấn công, nhốt vào xưởng vịt năm 2011; Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long, VOV đã bị công an Văn Giang đánh đập một cách tàn bạo năm 2012… Đó là chưa kể những cuộc tấn công bằng điện thoại, tin nhắn, email, những sự hù doạ và mua chuộc. Riêng tôi chưa bị tấn công lần nào nên không có gì để chia sẻ.

KHÚC THỪA SƠN: Trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam, nạn tham nhũng và nhiều tệ nạn khác đang là quốc nạn. Báo chí được coi là tiên phong trong cuộc chiến chống tham nhũng và tiêu cực, đã không ít nhà báo phải gánh hậu quả cho cuộc chiến này. Vậy người làm báo cần làm gì để bảo vệ chính bản thân mình?
Nhà báo LÊ HẢI: Số phận của những người làm báo Việt Nam, đặc biệt là những người tích cực chống tham nhũng, chống những biểu hiện lộng hành, cửa quyền, độc tài của lãnh đạo các cấp khác nhau, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn đen tối bòn rút của công… rất bấp bênh. Nhiều toà soạn, đoàn thể, tổ chức trong và ngoài nước đã tích cực và quyết liệt bảo vệ họ nhưng kết quả rất thấp. Họ cần phải có những chứng cớ chắc chắn, đáng tin cậy, phải cương quyết và uyển chuyển, phải dựa vào những lãnh đạo có tâm… để tự bảo vệ mình. Lẽ ra chỗ dựa vững chắc nhất của họ là luật pháp. Tôi thực sự khâm phục những nhà báo dám dấn thân. Họ xứng đáng là những anh hùng trên mặt trận báo chí. Hình như chưa có nhà báo dũng cảm nào được phong danh hiệu này ở Việt Nam, phải không nhỉ?
KHÚC THỪA SƠN: Theo ông báo chí Việt Nam đang gần dân hơn hay gần chính quyền hơn? Báo chí Việt Nam cần làm gì để gần dân, để dân đặt niềm tin?

Nhà báo LÊ HẢI: Báo chí Việt Nam đang gần chính quyền hơn. Vì họ chịu sự lãnh đạo của chính quyền, nói những gì chính quyền cho phép và tránh những vấn đề nhạy cảm mà chính quyền không cho phép, kể cả việc lên án những hành động xâm lược của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà báo chân chính luôn mong muốn đứng về phía nhân dân, viết về nỗi đau của dân trong chừng mực cho phép. Dân chúng vẫn đang đặt niềm tin vào báo chí, nhiều chủ trương sai, những hành động sai, những chỉ đạo sai, những sự thật tồi tệ trong điều hành chính quyền, những vụ mua dâm của lãnh đạo… đã bị vạch trần, điều chỉnh và kỉ luật kịp thời. Dù sao quả đất vẫn cứ quay mà.
KHÚC THỪA SƠN: Ông có chia sẻ gì về “báo chí cách mạng Việt Nam” trong những chặng đường sắp tới?
Nhà báo LÊ HẢI: Tôi hi vọng trong một tương lai không xa, khi càng ngày đất nước hoà nhập càng sâu trong các hoạt động quốc tế, luật lệ sẽ phải thay đổi, quan niệm của các nhà lãnh đạo trẻ sẽ thay đổi, phương pháp điều hành đất nước sẽ phải thay đổi, và báo chí Việt Nam sẽ được hưởng tự do như các hiến pháp từ 1946 đến nay đã từng công bố.

VNTB xin cám ơn những chia sẻ của nhà báo Lê Hải.

Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam: nhà hoạt động dân sự, nhân quyền liên tục bị ‘côn đồ’ hành hung, đánh đập

Phan Thanh Hung

VNTB – Gia Lai: Vì lý do gì kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại của người dân?

Phan Thanh Hung

VNTB- Xử phúc thẩm thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn: Quá bất công và vô nhân đạo!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.