Đan Tâm
(VNTB) – Cho đến năm 1471 phía nam tỉnh Bình Thuận đến mũi Cà Mau là đất đang bồi nên gọi là vùng đất Phù Nam chứ không phải nước Phù Nam, vì dân không ở được.
Chỉ có dân đi biển tá túc ở đó tạm thời trong mùa đánh cá và một số rất ít người được gọi là dân Côn Man hay Bồn Man.(Man là thiếu văn hóa, tức dân anh chị….Côn là gậy, còn Bồn là cồn đất nổi trên mặt nước).
Lúc này bờ biển chạy từ Bình Thuận (Phan Thiết) tới tận Phnom Penh và biển hồ Tonlé Sap…. Người Chân Lạp ở ven biển (miền xuôi) được gọi là Thủy Chân Lạp, còn ở trên cao (mạn ngược) thì gọi là Lục Chân Lạp (hay Hỏa Chân Lạp, vì tính nết nóng nảy như lửa).
Vùng đất trù phú Nam Bộ của Việt nam ngày nay từ khu vực Ðồng Nai đến Hà Tiên xưa thuộc Vương Quốc Phù Nam. Phù Nam là tên phiên âm tiếng Hán của từ Phnom có nghĩa là núi. Theo sách Lĩnh Nam Trích Quái thì người Tàu thời xưa gọi tên nước này là ‘Diệu Nghiêm’. Vương quốc Phù Nam là vương quốc đầu tiên hình thành tại Ðông Nam châu Á, tồn tại từ đầu thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên. Chúng ta có thể khẳng định rằng xã hội văn minh đã hiện hữu tại vùng đất này rất lâu trước khi vương quốc này được thành lập.
Lịch sử bắt đầu từ khoảng năm thứ nhất sau Công nguyên khi tại châu Âu, Ðại Ðế Claudius ra sức chinh phục đất Anh Cát Lợi và tại Trung Hoa là nhà Tây Hán. Theo truyền thuyết thì ngày xưa có một vị giáo sĩ anh hùng (Brahman) người Ấn Độ tên là Kaundinya được thần linh chỉ đường xuống thuyền xuôi về hướng Đông. Sau một cuộc hành trình đầy gian truân, thuyền của Kaundinya đến được đất liền của đồng bằng sông Cửu Long.
Bỗng từ đất liền xuất hiện một mỹ nhân trên chiếc thuyền nan bơi ra chặn thuyền của Kaundinya lại. Mỹ nữ này là Nữ Chúa Soma, con gái của vua Rắn Hổ mười đầu. Trận thư hùng diễn ra giữa anh hùng và giai nhân. Nhờ phép thuật thần thông nên Kaundinya thắng trận. Nữ chúa Soma cầu hòa. Sau đó không lâu hai người yêu rồi cưới nhau sinh ra một người con trai. Người con trai này trở thành vị vua đầu tiên của Vương quốc Phù-Nam lấy hiệu là Kampu.
Kinh đô trù phú của vương quốc được xây dựng tại thành Vyadhapura. Hầu hết những dữ kiện liên quan đến vương quốc cổ nhất Ðông Nam Á này đều đến từ sử liệu Trung Hoa và di vật khai quật được ở Óc-Eo. Chính vì thế tên các vương triều thường là do phiên âm ra tiếng Hán. Vào năm 245 sau Công nguyên nhà Hán Trung Hoa sai sứ giả là K’ang T’ai đi kinh lý vương quốc Phù Nam.
Ông đã mô tả là vương quốc này đã biết cách luyện kim, kinh đô Vyadhapura có xây thành bằng gạch kiên cố chung quanh, có hệ thống kinh đào để thuyền bè có thể đi xuyên qua lãnh thổ. K’ang T’ai cũng nói rằng vương quốc Phù Nam có thư viện với nhiều sách vở chữ Phạn, có luật lệ, hệ thống thâu thuế và nông nghiệp, thương mãi đều phát triển. Thường thì người Hoa có tục lệ khinh khi những dân tộc không phải là Hán tộc. K’ang T’ai đã kết luận rằng người Phù Nam là một dân tộc man di, nước da đen đúa xấu xí, tóc quăn và đa số ở truồng, đi chân không.
Ông sứ giả có than phiền điều này với quốc vương Phù Nam là vua Hun Fan Huang. Nhà vua sau đó ra lệnh cho tất cả thần dân của Ngài về sau phải quấn vải vào phần dưới thân thể, tiền thân của chiếc sà-rong mà người Thái, Miên và Mã Lai thường mặc ngày nay.
Những lời kể lại của thương nhân các nơi khác lại tỏ ra thán phục nền văn minh và sự hùng cường của Phù Nam. Họ kể rằng giới quí tộc Phù Nam ăn mặc diêm dúa, ở cung điện nguy nga bật nhất và nước Phù Nam có rất nhiều đồ châu bảo vàng bạc quí giá. Vương quốc sử dụng chữ Phạn cổ Sanscrit của Ấn Ðộ trong công việc hành chánh và thương mãi. Trong vòng 300 năm sau ngày lập quốc, Phù Nam đã có một hạm đội chiến thuyền và quân lực hùng mạnh.
Vương quốc Phù Nam đã chinh phục được hầu như toàn thể những khu dân cư của vùng Mã Lai -Thái lan – Miên và nam Miến Ðiện để kiểm soát đường hàng hải của các thương thuyền giữa Trung Hoa và Ấn Ðộ. Hào quang cường thịnh và cách tổ chức hành chánh của Phù Nam đã làm gương mẫu cho những nền văn minh sau này như là tiểu vương quốc Sri Vijaya (Palembang), Sailendra ở Java Indonesia, và Malacca góp phần truyền bá văn minh Ấn Ðộ đến những thành phố, bộ lạc phiên thuộc dưới quyền kiểm soát của Phù Nam. Óc-Eo ngày xưa là một thương cảng trù phú có nhiều thương thuyền ghé lại.
Vào thời điểm này thương gia đến Óc-Eo tấp nập từ đông sang tây: Ðế quốc La Mã qua Ấn Ðộ và Trung Hoa. Người ta đã tìm được những đồng tiền cổ của La Mã tại đây. Con của Hun Fan Huang là Fan-Shih-Man lên nối ngôi khoảng đầu thế kỷ thứ 3. Tiếp theo là các vua Hun Tien và Hun Phan Fan cha truyền con nối. Vua Hun Phan Fan là một vị minh quân trị vì từ cuối thế kỷ thứ 3 qua thế kỷ thứ 4.
Ông nới rộng lãnh thổ, làm hùng mạnh quốc gia và thọ 90 tuổi, không rõ năm nào. Con của vua Hun Phan Fan là Hun Phan Phan không thích làm vua nên bỏ đi tu, nhường ngôi cho một viên tướng là Seray Mara sử Tàu gọi là Fan Che Man. Vua Fan Che Man nới rộng lãnh thổ Phù Nam ra gấp đôi diện tích cũ. Ông đã băng hà vào khoảng năm 204-210. Sau cái chết của vua Fan Che Man triều đình Phù Nam rơi vào cảnh rối loạn liên tiếp. Người cháu của vua là Fan Chan giết chết thái tử con của vua trước để chiếm ngôi.
Hai mươi năm sau một người con của vua Fan Che Man là Asachi lại giết được Fan Chan để lấy lại ngai vàng. Sau đó không lâu Asachi lại bị tướng Siun giết để lên làm vua. Hoàn cảnh nào đưa vua Chandana lên ngôi vương không được sử liệu Trung Hoa nhắc đến. Có những chổ trống trong lịch sử những nước lân bang mà có lẽ vì trùng họp với những biến động chính trị tại triều đình Trung Quốc nên sử gia Trung Hoa đã không thể điều nghiên ghi chép.
Năm 357 Phù Nam dưới triều vua Chandana sang cầu phong Trung Hoa và xin triều cống. Một điều đáng nói là mặc dù những dân tộc tại Ðông Nam châu Á bị ảnh hưởng sâu đậm của văn minh Ấn Ðộ, nhưng người Ấn Ðộ và lịch sử Ấn Ðộ hoàn toàn không quan tâm đến thế giới phía đông này cho đến mãi thế kỷ 20 chính phủ và nhân dân Ấn Ðộ mới tìm hiểu thêm về một vùng văn minh Ấn Ðộ đã có mặt tại đây từ lâu. Lịch sử Ấn Ðộ không đếm xỉa gì đến vùng Ðông Nam châu Á có ảnh hưởng văn hóa Ấn trong quá khứ.
Ngược lại người Trung Hoa từ hơn 2000 năm nay luôn xem vùng biển phương nam thuộc ảnh hưởng của Thiên triều. Họ cho sứ giả đi điều tra và ghi chép cẩn thận những điều mắt thấy tai nghe. Từ lúc ban đầu ấy các nước đông nam Á đều đã có liên hệ ngoại giao với Trung Hoa qua hình thức cống sứ và xin phong. Trong thâm tâm tầng lớp lãnh đạo Trung Hoa, Thiên triều có thẩm quyền và nhiệm vụ can thiệp tại vùng nam châu Á nếu cần. Lịch sử đã chứng minh điều đó và gần đây nhất là Trung quốc đã đánh vào miền Bắc Việt nam năm 1979 vì bất đồng về chủ quyền và ảnh hưởng tại vương quốc Kampuchia. Nhưng cũng nhờ thế mà ta có những sử liệu quí giá từ thời thượng cổ để tìm hiểu lịch sử của những quốc gia phương nam của Trung Quốc trong đó có Việt Nam ngày nay và Phù Nam xưa.
Những thần dân của Phù Nam xưa thuộc giống người thổ da đen Khmer, Môn-Khmer, Miến, và dân đa đảo Malay-indônêsiên. Ngôn ngữ sử dụng thuộc hệ Ấn độ pha trộn với nhiều sắc thái, thổ ngữ địa phương. Người nước Phù Nam theo đạo Bà La Môn và Phật giáo. Vương quốc Phù Nam đạt đến sự cực thịnh dưới triều vua Kaundinya Jajavarman (478-514). Vua Rudravaman (514-539) có sai sứ sang Trung Hoa triều cống và cho biết Ngài có một lọn tóc xá lợi của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni.
Trong thời gian này các vị cao tăng Phật giáo người Phù Nam đã dịch cuốn Phật Kinh Vimutti Magga sang chữ Hán. Ngày nay cuốn kinh này chỉ tồn tại bằng chữ Hán vì bản chánh chữ Phạn đã bị thất lạc. Thế rồi sau đó vương quốc Phù Nam bị suy tàn bởi nội loạn và sự nổi dậy của dân tộc Khmer (một xứ phiên thuộc của Phù Nam), tràn sang từ vùng đất thuộc nước Lào bây giờ. Một yếu tố khác góp phần vào sự suy tàn của Phù Nam là nền kinh tế của quốc gia đã đi xuống từ sau những tiến bộ về kỹ thuật hàng hải. Thuyền buôn vào thời điểm này đã có thể đi xa bờ và ít có nhu cầu ghé lại Óc-Eo trên đường đi qua Trung Quốc.
Năm 539 vương quốc Phù Nam bị buộc phải triều cống cho người Khmer lúc đó là Vương quốc Chân Lạp. Ðến năm 627 Phù Nam bị người Khmer dưới quyền vua Chân Lạp là Bhavavarman xóa hẳn tên trên bản đồ. Những thần dân của Phù Nam bị sát nhập vào vương quốc Khmer. Hoàng gia của Phù Nam dùng đường biển tị nạn sang đảo Java của Nam Dương (Indonesia). Họ sống âm thầm mãi đến gần 200 năm sau, hậu duệ của nhóm người này phát lên để dựng nên triều đại huy hoàng Sailendra. Các ông hoàng bà chúa của dòng họ này lại kết hôn với các lãnh chúa của các tiểu vương lân bang như Mã Lai và nhiều đảo quốc trong vùng. Cho đến ngày nay giới quí tộc, hoàng gia các nước đa đảo như Mã Lai, Nam Dương (Indonesia) đều có liên hệ huyết thống với hoàng tộc nước Phù Nam của miền nam Việt Nam.
Từ năm 550 trở về sau cho đến khi chúa Nguyễn bành trướng thế lực đến miền nam, người Khmer tự nhận xứ xứ này thuộc Chân Lạp gọi là Thủy Chân Lạp theo niên hiệu các vị vua Chân Lạp, nhưng thật sự thì Thủy Chân Lạp vẫn còn là vùng đất thấp hoang vu, ít người cư trú và gần như không có chính quyền. Từ khi bị mất nước về tay Chân Lạp người dân Phù Nam trở thành một dân tộc lục địa, mất đi khả năng hàng hải. Ngày nay người Khmer nhìn nhận các vương triều Phù Nam là tổ tiên của dân tộc Khmer và là một phần của lịch sử Khmer.
Người Khmer còn được chúng ta biết đến qua nhiều danh xưng Cao Miên, Chân Lạp, Cam bốt và Kampuchia. Vào lúc người Việt di cư đến vùng đất miền Nam vào năm 1800 người ta tìm thấy một pho tượng nữ vương bằng cẩm thạch bị chôn vùi từ thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6 sau Công nguyên. Có thuyết cho rằng đó là tượng quốc mẫu vương quốc Phù Nam là Soma. Người Việt kính cẩn lập đền thờ bà tại núi Sam tỉnh An Giang gọi là đền thờ Bà Chúa Xứ. Hàng năm cư dân Hoa, Việt, Miên lui tới cúng bái, hương khói vô cùng linh thiêng. Sự việc đó cho thấy lòng biết ơn của những người đến sau đối với những đợt người đã khai phá vùng đất này trước dân tộc Việt Nam.
Trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, nhiều dân Việt ở Đàng Trong bỏ dải đất miền Trung khắc nghiệt, vào khai khẩn đất làm ruộng ở vùng đất ngày nay là Bà Rịa, Đồng Nai, Sài Gòn vốn là đất Phù Nam, nhưng không gặp phản kháng gì đặc biệt của nước Chân Lạp (Campuchia ngày nay).
Theo sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên thì chúa Nguyễn Hoàng di chúc lại cho con trai là Nguyễn Phúc Nguyên và triều thần như sau: “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn ở Đèo Cả – Phú Yên) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất nầy để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”.
Vì vậy chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi / 1613-1635) khi lên kế vị Đoan quận công Nguyễn Hoàng đã chuẩn bị cho công cuộc mở nước sang vùng đất Phù Nam sau đó
Nguyễn Phúc Nguyên là con thứ 6 của chúa Nguyễn Hoàng, sinh năm Quý Hợi– 1563. Thuở nhỏ Nguyễn Phúc Nguyên tỏ ra thông minh, tài trí hơn người. Lớn lên ông càng bộc lộ tài năng kiệt xuất, ngày ngày thường cùng các tướng bàn luận việc binh, tính toán được nhiều việc đại sự, nên Đoan Quận Công biết là có thể trao phó nghiệp lớn cho Nguyên. Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) còn gọi là chúa Sãi, khi được nối nghiệp có tướng giỏi là ông Đào Duy Từ phò tá. Vợ Nguyễn Phúc Nguyên là con gái Mạc Kính Điển sinh được 5 con trai và 3 cô gái là Ngọc Liên, Ngọc Vạn và Ngọc Khoa. Khi được nối ngôi Chúa, Nguyễn Phúc Nguyên đã không phụ lòng tin của cha, thực hiện đầy đủ và trọn vẹn tất cả những gì mà người cha – chúa Nguyễn Hoàng – trông đợi và uỷ thác.
Thực hiện di chúc của cha, Nguyễn Phúc Nguyên đã từng bước ly khai hẳn với triều đình Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài, không chịu nộp thuế, không về chầu triều đình. Việc Nguyễn Phúc Nguyên tìm mọi cách tách Thuận Quảng ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền Lê-Trịnh không phải chỉ là hành động chia rẽ hay phong kiến của dòng họ Nguyễn, mà chính là ước nguyện muốn thực thi những chính sách cai trị khác với đường lối chính trị của Đàng Ngoài lúc đó đang theo xu hướng hoài cổ rập khuôn thời Lê sơ, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Về mặt khách quan việc làm của chúa Nguyễn Phúc Nguyên có lợi cho xu thế phát triển của lịch sử dân tộc.
Năm 1613 lên ngôi Chúa kế vị thì ngay năm sau, năm 1614, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cải tổ quan chế và quân chế của Đàng Trong thành bộ máy hữu hiệu hơn Đàng ngoài. Thuế khóa và nông chế cũng được chúa Nguyễn Phúc Nguyên quy định mới hơn.
Đầu năm sau, năm 1615, các quy chế mới về chức trách và quyền hạn của các phủ, huyện được ban hành. Năm 1620, Nguyễn Phúc Nguyên lấy lý do chúa Trịnh vô cớ gây chiến đã quyết định chấm dứt hoàn toàn việc nộp cống thuế cho chính quyền Lê-Trịnh. Năm 1630, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã làm theo kế của Đào Duy Từ trả lại sắc phong của chúa Trịnh Tráng.
Đây không chỉ là sự khẳng định dứt khoát chính quyền chúa Nguyễn ở phía Nam là chính quyền độc lập, cắt đứt hẳn mọi quan hệ lệ thuộc với chính quyền Lê-Trịnh ở phía Bắc, mà còn đánh dấu quá trình chuyển đổi căn bản từ một chính quyền địa phương, mang nặng tính chất quân sự của nhà Lê-Trịnh sang một chính quyền dân sự của chúa Nguyễn.
Đặc biệt trong quan hệ đối ngoại, chúa Nguyễn Phúc Nguyên là vị chúa Nguyễn đầu tiên tự xưng là An Nam Quốc vương, quan hệ với các nước trong tư thế của một quốc gia độc lập có chủ quyền. GS Nhật là Kawamoto Kuniye cho rằng điều này đã “biểu lộ nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn Phúc Nguyên trước thời đại mới”. Cải cách hành chính của Nguyễn Phúc Nguyên là cải cách có ý nghĩa then chốt, đặt cơ sở cho những bước tiến xa hơn và vững chắc hơn của triều đình chúa Nguyễn nói riêng và đất nước về sau nói chung.
Năm 1602, Nguyễn Phúc Nguyên được cha cho làm làm trấn thủ dinh Quảng Nam, một vùng “đất tốt, dân đông, sản vật giàu có” và giữ vị trí “yết hầu của miền Thuận Quảng”. Bối cảnh chính trị- kinh tế thế giới và khu vực giai đoạn cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII đã tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để có thể khai thác và đánh thức nguồn lực trong nước. Tại vùng trấn nhậm, Nguyễn Phúc Nguyên đã mở rộng quan hệ giao thương với nước ngoài, thúc đẩy kinh tế hàng hoá trong nước, xây dựng Hội An thành thương cảng quốc tế phồn thịnh.
Trong số các nước phương Đông, Nguyễn Phúc Nguyên đặc biệt quan tâm đến Nhật Bản. Ông không chỉ xúc tiến quan hệ giao thương với tư cách chính thức của vị đứng đầu nhà nước An Nam (An Nam Quốc Vương), tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương nhân đến sinh sống, buôn bán ở Hội An, mà còn cho con gái yêu quý của mình là quận chúa Ngọc Liên sang làm dâu một gia đình thương nhân Nhật Bản ở Nagasaki để thắt chặt quan hệ với giới đại thương Nhật.
Người con rể của ông là Araki Sotaro vốn thuộc dòng dõi Samurai ở Kumamoto đi thuyền mang cờ hiệu của công ty Đông Ấn Hà Lan VOC đến cập cảng Hội An vào năm 1619. Theo sách Ngoại phiên thông thư (quyển 13, tr 87-88) thì cũng đúng vào năm đó chúa Nguyễn Phúc Nguyên quyết định gả con gái của mình cho nhà lái buôn Nhật Bản tài ba này. Ít lâu sau cô đã theo người chồng Nhật Bản về định cư ở Nagasaki. Cô công chúa họ Nguyễn có cuộc sống thật sự hạnh phúc, đắc ý cùng chồng, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trên đất Nhật Bản.
Từ năm 1593, nhà cầm quyền Nhật Bản là Mạc Phủ Toyotomi đã bắt đầu thi hành chính sách Châu Ấn Thuyền (Shuinsen) tức là cấp giấy phép cho thuyền buôn mở rộng quan hệ thông thương với các nước Đông Nam Á. Ngay sau đó không lâu, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cho mở rộng thương cảng Hội An trở thành thương cảng chính không chỉ cho riêng Đàng Trong mà còn cho toàn khu vực tương đương với Việt Nam và Đông Nam Á ngày nay, đón nhiều nhất số thuyền buôn Nhật Bản được cấp giấy phép chính thức.
Theo nghiên cứu của GS. Iwao Seiichi thì từ năm 1604 đến 1634 (tương đương với thời kỳ Nguyễn Phúc Nguyên được giao làm trấn thủ dinh Quảng Nam từ 1602 và lên ngôi chúa từ 1613 đến 1635), Mạc Phủ đã cấp 331 giấy phép đến 19 cảng thuộc khu vực Đông Nam Á thì riêng cảng Hội An đã có 86 thuyền được cấp giấy phép nầy (chiếm 25,98% số giấy phép cấp cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh thuyền buôn Nhật Bản, thuyền buôn Trung Hoa, Đông Nam Á và nhất là thuyền buôn phương Tây cũng cập bến Hội An ngày một nhiều hơn và thường xuyên hơn. Giáo sĩ dòng Tên người Ý là Christoforo Borri nhận xét: “Chúa Đàng Trong (chúa Nguyễn Phúc Nguyên) không đóng cửa trước một quốc gia nào, Ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều hàng hoá của họ”.
Trong bối cảnh giao lưu buôn bán quốc tế tấp nập và sôi động như vậy, thương cảng Hội An vào những thập kỷ đầu thế kỷ XVII đã đột khởi trở thành một đô thị và hải cảng quốc tế tiêu biểu ở khu vực châu Á.Christoforo Borri, sống tại thị trấn Nước Mặn (nay thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) những năm 1618-1622, đã mô tả về Hội An như sau: “Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam… Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật người Hoa chọn một địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán như chúng tôi đã nói.
Thành phố này gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một phố người Hoa và một phố người Nhật. Mỗi phố có một khu vực riêng, có quan cai trị riêng, và sống theo tập tục riêng. Người Hoa có luật lệ và phong tục của người Hoa và người Nhật cũng vậy”. Đây là sự phát triển trội vượt, một hiện tượng kinh tế – xã hội hết sức độc đáo chưa từng xuất hiện trước đó, cũng không thấy lặp lại ở bất cứ đô thị nào trên đất Việt Nam nhiều thế kỷ tiếp sau.
Công ty Đông Ấn của Anh Quốc thì cho rằng: “Chúa Nguyễn Phúc Nguyên xây dựng Hội An trở thành thương cảng quốc tế phồn thịnh thời bấy giờ”.
Vì vậy, chúa Nguyễn Phúc Nguyên trong thực tế phải được coi là người Việt Nam đầu tiên thực sự thành công trong chiến lược mở rộng quan hệ giao thương với nước ngoài và thúc đẩy kinh tế hàng hoá và đô thị trong nước phát triển lên một trình độ mới từ khi chưa kế vị ngôi Chúa của Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng. Đây chính là tiềm lực căn bản cho việc mở nước về phương Nam (vùng đất hoang vu Phù Nam hay Thủy Chân Lạp) của các Chúa Nguyễn.