Diệp Chi
(VNTB) – Về vấn đề phương tiện lưu thông đường bộ, có một số ý kiến cho rằng nên hạn chế, sau đó là tiến tới cấm phương tiện xe máy.
“Chủ trương này cũng đang được thực hiện hóa dần dần, bắt đầu từ những tuyên bố cứng rắn của các chính quyền đô thị, dưới áp lực của tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng nghiêm trọng” – theo một tờ báo điện tử cho biết.
Một số ý kiến đồng tình, một số ý kiến lại phản đối với nhiều lập luận thiết thực như nếu cấm xe máy, người nhà bị bệnh, cần vào bệnh viện gấp, đợi xe cấp cứu sẽ mất thời gian, lúc đó sẽ đi bằng xe buýt hay chăng? Hay như xe máy là phương tiện mưu sinh của nhiều người, nhất là đối với người nghèo….
Nếu lấy lý do nguyên nhân dẫn đến kẹt xe, ùn tắc giao thông phần nhiều là do xe máy. Vậy thì câu hỏi được đặt ra: có đúng là như vậy không?
“Nếu nói lỗi là do xe máy, theo mình thấy là không đúng. Một thực tế cho thấy, có những chiếc xe buýt muốn đi nhanh, thường hay lấn sang làn đường của xe máy, nhất là những lúc xe đông.
Xe buýt thì lớn, lấn sang đường của xe máy thì làm sao người dân có thể chạy được, buộc lòng người ta phải lách sang làn đường dành cho xe hơi hoặc buộc lòng xe máy phải leo lên lề đường mới có thể di chuyển.
Có những chiếc xe buýt thích chạy làn đường nào là sang làn đường đó liền, bất chấp luật lệ. Đó là chưa kể đến những trường hợp, hai xe buýt cùng một số, chạy cùng con đường, xe trước cách xe sau một khoảng cách rất ngắn, ngắn đến mức không thể có một chiếc xe máy nào chạy ở giữa được. Mỗi khi tới trạm, xe sau lại bóp kèn, giành đường vượt lên trên, đón khách. Có thể nói là bất chấp xung quanh như thế nào”, một người dân sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến.
“Mỗi lần lưu thông trên đường, nhất là mỗi khi xe đông, đi chung với những chiếc xe buýt là thật sự lo lắng. Không biết khi nào nó ra, nó vô. Có lúc nó xi-nhan trái xin ra, không ra, vô lại bên phải.
Như báo chí cũng có đăng, có những chiếc xe buýt dừng bất chấp, không quan tâm đó có thể là bến hay trạm không nữa. Nói chung, nếu tiến tới việc hạn chế hoặc cấm xe máy, nhà chức trách nên cải thiện vấn đề về xe buýt trước đi đã. Không chỉ là thái độ trên xe mà còn là văn hóa khi tham gia giao thông. Là một người tham gia giao thông, mình thấy về vấn đề kẹt xe, không hẳn lúc nào cũng do đông xe máy đâu”, bà Út, một cô giáo nghỉ hưu, nhận xét.
Có thể nói, nếu dự tính hạn chế hoặc tiến tới cấm xe máy thì phải tính cho kỹ, xem đó có phải là một quyết định đúng đắn hay không khi đa số dân Việt Nam đi xe máy, mưu sinh nhiều nghề cũng bằng xe máy, không thể thấy nước người ta sao mà mình bắt chước y chang như vậy được.
Thiết nghĩ, để kiểm chứng nhu cầu sử dụng xe máy của người dân là cao hay thấp, cũng không quá khó. Chỉ cần bỏ một khoảng thời gian ngồi ở khu vực cấp biển số xe của công an từ sáng tới chiều, có lẽ cũng có đáp án cho câu hỏi này.
“Mình mới vừa đăng ký biển số xe xong. Phải nói là rất đông, khu vực xe máy dưới 175cc là đông nhất, đông hơn bên xe hơi và xe trên 175cc, xe biển số xanh luôn. Ai vô ngồi chờ cũng mòn mỏi. Điều này cho thấy gì? Người ta vẫn chuộng phương tiện giao thông là xe máy. Bởi thứ nhất nó tiện dụng, có thể chạy được trong các hẻm nhỏ; thứ hai là nó đa dạng về giá cả, người có tiền thì mua xe giá cao, người ít tiền thì mua xe giá rẻ hơn; thứ ba là người ta có thể kiếm ra tiền từ phương tiện mưu sinh là chiếc xe máy. Hạn chế hay cấm xe máy là một suy nghĩ duy ý chí trong hoàn cảnh nhiều người vẫn còn khó khăn.
Có thể nói, một câu nói đùa bên bàn nhậu, có khi không thành vấn đề. Song, với một quyết định mang tầm quốc gia, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nhiều con người. Vô hình trung, lại thêm một gánh nặng cho những người nghèo khó.
“Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu. Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. Mong là như vậy…” – một người trẻ ở Sài Gòn, kể.