Hoài Nguyễn
(VNTB) – Thượng viện Mỹ hôm 15-3 đã thông qua nghị quyết lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin là tội phạm chiến tranh.
Dẫn nguồn từ Reuters, báo Pháp luật TP.HCM số phát hành ngày 18-3-2022, cho hay Điện Kremlin nói việc Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi Putin là “tội phạm chiến tranh” là một nhận xét không thể chấp nhận được của lãnh đạo một đất nước đã làm thiệt mạng nhiều dân thường trong các cuộc xung đột trên toàn thế giới.
Nếu không là “tội phạm chiến tranh” thì phải gọi là gì?
Theo báo Pháp luật TP.HCM thì phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, “Vấn đề chính ở đây chính là việc người đứng đầu một quốc gia đã nhiều năm tấn công vào người dân các nước trên toàn thế giới, một vị tổng thống của một quốc gia như vậy không có quyền đưa ra những tuyên bố như vậy”.
Ông Dmitry Peskov có đúng hay không khi đưa ra nhận định như trên? Bởi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 16-3 cũng đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) nên xem Tổng thống Putin là một tội phạm chiến tranh.
Bộ Ngoại giao Ukraine nói rằng quân Nga đã thả một trái bom vào một nhà hát ở thành phố Mariupol, khiến nhiều thường dân bị mắc kẹt và chưa rõ thương vong.
Maxar Technologies, một công ty tư nhân của Mỹ, đã công bố hình ảnh từ vệ tinh được chụp vào ngày 14-3, cho thấy dòng chữ “Trẻ em” rất lớn, viết bằng tiếng Nga, sơn ở khoảng đất bên ngoài tòa nhà có mái đỏ, dường như để cảnh báo rằng bên trong có trẻ em. Nhà hát này có ít nhất 500 thường dân trú ẩn, theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW). Hội đồng thành phố Mariupol thì cho hay có hơn 1.000 người bên trong.
Kể từ khi Nga tiến hành cái gọi là “chiến dịch quân sự” vào ngày 24-2, Mỹ cùng các đồng minh châu Âu và châu Á đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt đối với Putin, các công ty và doanh nhân Nga, cắt đứt Nga khỏi phần lớn kinh tế thế giới.
“Chiến dịch quân sự” của Nga ở Ukraine đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng, hơn 3 triệu người phải di tản, làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc đối đầu lớn hơn giữa Nga và Mỹ, hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Thượng viện Mỹ hôm 15-3 đã thông qua nghị quyết lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin là tội phạm chiến tranh. Nghị quyết nêu trên do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham giới thiệu và nhận được sự hậu thuẫn của nhiều thượng nghị sĩ của cả hai đảng. Nghị quyết khuyến khích Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở tại The Hague, Hà Lan và các quốc gia khác hãy điều tra các tội ác chiến tranh mà Nga đã gây ra trong cuộc chiến xâm lược Ukraine.
“Tất cả chúng tôi cả thành viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, cùng tuyên bố rằng Vladimir Putin không thể thoái thác trách nhiệm cho những tội ác đã gây ra đối với người dân Ukraine”, Lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện, Chuck Schumer nói trong bài phát biểu trước khi bỏ phiếu.
Căn cứ pháp lý có thuyết phục không?
Việc truy tố một nguyên thủ như Putin về cáo buộc tội ác chiến tranh được căn cứ vào Quy chế Rome 1998 về thành lập Tòa án Hình sự quốc tế (tham khảo https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/58203).
Tội chống loài người được quy định tại Điều 7 Quy chế Rome như sau:
“Điều 7. Tội ác chống nhân loại
Trong Quy chế này, “tội ác chống nhân loại” là một trong các hành vi sau được thực hiện như một phần của sự tấn công có hệ thống hoặc trên diện rộng nhằm vào bất kỳ một cộng đồng dân thường nào, với nhận biết về sự tấn công đó: Giết người; Hủy diệt; Bắt làm nô lệ; Lưu đày hoặc cưỡng ép di chuyển dân cư; Bỏ tù hoặc có hình thức khác tước đoạt tự do thân thể một cách nghiêm trọng trái với các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; Tra tấn; Hiếp dâm, bắt làm nô lệ tình dục, cưỡng ép mại dâm, ép buộc mang thai, cưỡng ép triệt sản hoặc bất kỳ hình thức bạo lực tình dục nào khác có tính chất nghiêm trọng tương tự;
Ngược đãi bất kỳ nhóm hoặc tập thể người nào có chung đặc điểm vì lý do chính trị, chủng tộc, dân tộc, sắc tộc, văn hóa, tôn giáo, giới tính như được định nghĩa tại khoản 3, hoặc những lý do khác được thừa nhận rộng rãi là bị cấm theo luật quốc tế, liên quan đến bất kỳ hành vi nào nêu tại khoản này hoặc bất kỳ tội phạm nào thuộc quyền tài phán của Tòa án;
Đưa người đi biệt tích; Phân biệt chủng tộc; Các hành vi vô nhân đạo khác có tính chất tương tự cố ý gây nhiều đau đớn hoặc tổn thương nghiêm trọng cho thân thể hoặc sức khỏe về mặt tinh thần hay thể chất”.
Điều 25 Quy chế Rome quy định về trách nhiệm hình sự của cá nhân: một người phải chịu trách nhiệm hình sự và chịu hình phạt về tội phạm thuộc quyền tài phán của Tòa án nếu người đó:
a. Thực hiện tội phạm một mình, cùng với người khác hay thông qua người khác, bất kể người đó có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không;
b. Ra lệnh, dụ dỗ hoặc xúi giục thực hiện tội phạm mà thực tế đã xảy ra hoặc phạm tội chưa đạt;
c. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phạm tội, giúp đỡ, tiếp tay hoặc bằng cách khác, trợ giúp việc phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt, kể cả cung cấp phương tiện cho việc phạm tội đó;
d. Bằng bất kỳ cách nào khác, góp sức phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt với một nhóm người hành động vì mục đích chung. Việc góp sức này phải là cố ý và: Được thực hiện nhằm thúc đẩy hoạt động tội phạm hoặc vì mục đích phạm tội của cả nhóm khi hoạt động hoặc mục đích đó liên quan đến việc thực hiện một tội phạm thuộc quyền tài phán của Tòa án; hoặc Được thực hiện với nhận biết về ý định phạm tội của cả nhóm.
Với những tóm lược như trên và những gì đang diễn ra suốt mấy tuần lễ qua trong cuộc chiến Nga – Ukraine cho thấy có căn cứ cáo buộc Vladimir Putin là “tội phạm chiến tranh”.
Tin rằng cho đến lúc này không ít người Việt đồng tình với cáo buộc “tội phạm chiến tranh” ở trên, khi mà chiều 17-3 (theo giờ Ukraine), chợ Barabasova – nơi tập trung nhiều người Việt kinh doanh, buôn bán bùng cháy dữ dội.
Thời điểm trước chiến tranh Nga xâm lược Ukraine là thời điểm bà con nhập hàng nhiều nhất để chuẩn bị vào vụ bán.