VNTB – Quan chức nhà nước hãy thử xuống làm công nhân một ngày…

VNTB – Quan chức nhà nước hãy thử xuống làm công nhân một ngày…

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Quan chức cần xâm nhập thực tế để cập nhật dữ liệu đa chiều 

 

Với lao động ngoài nhà nước, cả nước có bao nhiêu doanh nghiệp tuyển người 45 tuổi trở lên và còn bao nhiêu lao động trên 50 tuổi trong doanh nghiệp…, rồi bao nhiêu lao động trong doanh nghiệp 60 tuổi trở lên?

Tiền vào nhà quan, rất khó để… ra?

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó, nội dung được nhiều người lao động quan tâm nhất là quy định về rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nêu ra 2 phương án:

Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, người lao động sẽ được rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu, thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Vấn đề ở đây là trên thực tế cứ hễ nhà nước càng nâng tuổi nghỉ hưu, thì người lao động rút 1 lần càng nhiều. Lý do là bởi vì không ai đợi nổi khi mất việc ở tuổi 40, đồng thời đồng tiền mất giá khi đợi đến hưu thì tiền hưu trí không được bao nhiêu.

Tiền mồ hôi, nước mắt, xin đừng ngắt xén!

“Muốn công bằng với người lao động thì khi họ đã đóng trên 20 năm mà mất việc, đồng thời không được rút 1 lần thì bảo hiểm xã hội, hãy chốt lương hưu ngay thời điểm nhưng không được lãnh, nếu điều chỉnh lương hưu thì sẽ nâng mức lương tương đương trên sổ sách thì người lao động yên tâm làm trên 20 năm, không lo mất giá, để đến tuổi hưu sẽ sống động với lương hưu” – một ý kiến đề xuất.

“Giảm tuổi nghỉ hưu là hợp lý. Nữ 50 tuổi, nam 55 tuổi. Tôi 50 tuổi đi làm mà thấy mỏi mệt vì ốm đau, bệnh tật. Sao mà bắt làm nổi đến năm 60 tuổi”. Không ít ý kiến của người lao động cho rằng cần xem lại quy định về tuổi nghỉ hưu.

“Khi muốn tăng tuổi hưu thì các ban soạn thảo dự luật toàn so sánh với các nước phương Tây. Khổ nỗi lại không ai so sánh điều kiện sống, điều kiện chăm sóc y tế của các nước đó với Việt Nam cả. Xin hãy khảo sát xem những người ở tuổi 60 trong các lĩnh vực còn bao nhiêu % đủ sức khỏe làm việc, trong các lĩnh vực nào? Xin đừng tự đánh lừa nhau kiểu “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”  để rồi cứ vắt kiệt sức lực của người lao động”. Một ý kiến gay gắt và có phần… đụng chạm.

Sống… mòn thay cho sống khỏe (?!)

Trong một khảo sát của nhóm nghiên cứu của Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã tiến hành lấy ý kiến với người lao động ở 12 tỉnh thành phố trên 3 miền Bắc, Trung, Nam, về tuổi hưu đối với lao động nữ.

Kết quả khảo sát của Viện cho thấy: Đa số ý kiến lao động nữ ở khối lao động khu vực sản xuất kinh doanh muốn về nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi hưu quy định hiện nay.

Với câu hỏi “Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ ở ngành nghề anh (chị) đang làm bao nhiêu th́ì phù hợp”, kết quả cho thấy 24% số người được hỏi mong muốn được nghỉ hưu ở tuổi 45; phần lớn người được hỏi (42,6%) muốn về hưu ở tuổi 50; và có gần 30% muốn về hưu ở tuổi 55.

Theo nhận xét của Ban Nữ công Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hơn 80% lao động ngành chế biến thủy sản là nữ, làm việc trong điều kiện vất vả khi phải đứng 12 tiếng/ ngày, môi trường ẩm ướt, lạnh, dẫn đến bệnh viêm khớp, phù nề chân tay… nên chị em muốn nghỉ hưu ở tuổi 45.

Đa số (73,2%) lao động trả lời khảo sát cho rằng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ khu vực sản xuất kinh doanh nên là 50 tuổi; chỉ 24,7% số lao động cho rằng nên là 55 tuổi, và 2,1% đề nghị về hưu ở độ tuổi 60.

Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ an sinh của thế giới?

Người Việt Nam tăng tuổi thọ, nhưng chưa chắc sức khỏe đã tăng. Đây là điều có lẽ không cần bàn cãi.

Những ai đang chắp bút soạn thảo dự luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, bên cạnh việc hãy thử xuống làm công nhân một ngày, thì cũng nên thử vào bệnh viện công lập một vài hôm để biết dân tình trong nước đang lâm cảnh bệnh tật ra sao, qua đó sẽ cập nhật dữ liệu đa chiều hơn, thuyết phục hơn về chuyện tiềm lực và vị thế Việt Nam lúc này đang ở đâu trên bản đồ an sinh của thế giới.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)