(VNTB) – Trực thăng chỉ dùng để biểu diễn, lúc dân cần thì chẳng thấy trực thăng ở đâu, bộ đội thì “tay không bắt giặc”
Việc cứu trợ khẩn cấp tại Việt Nam gồm hai nhóm chuyên nghiệp nhất là quân đội và công an. Trong mắt nhiều người dân Việt Nam, công an đã trở thành một lực lượng thối nát, tham nhũng qua việc tiếp xúc hàng ngày với người dân. Chẳng hạn như chặn đường xin tiền mãi lộ, thu tiền “bảo kê” mua bán hàng rong, bán hàng ven đường, hoặc tiếp tay cho mại dâm, cờ bạc… Cho nên khi công an thực hiện cứu trợ, phát hàng từ thiện thì người dân không có sự tin tưởng, thậm chí còn hoài nghi về việc ăn chặn tiền quyên góp.
Nhưng quân đội Việt Nam vẫn còn giữ được nhiều thiện cảm với dân, qua nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, bộ đội ít tiếp xúc hàng ngày với dân hơn công an. Thứ hai, do chính sách quốc phòng, đa số các gia đình Việt Nam đều có người đã từng tham gia quân ngũ, thương người thân là lẽ dĩ nhiên. Thứ ba, công an tham nhũng vặt từ lính tới tới sếp, còn quân đội thì chỉ có cấp chỉ huy, tướng tá mới có điều kiện tham nhũng, những bộ đội nghĩa vụ thì không thể ăn hối lộ hoặc hành dân. Thứ tư, khi có bất trắc, ngoại xâm, lũ lụt, thiên tai thì bộ đội được đưa thẳng ra tuyến đầu với những trang thiết bị thô sơ, quần áo đơn giản. Nên dân Việt Nam vẫn thương bộ đội hơn công an là vậy!
Sau khi bão Yagi tàn phá miền bắc Việt Nam, hình ảnh bộ đội lặn lội đi tiếp tế, cứu trợ được người dân khen ngợi rất nhiều. Nhất là khi những người lính này xông pha vào vùng sạt lỡ ở Làng Nủ để tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Thế nhưng điều đáng nói là trang bị cho lực lượng bộ đội cứu trợ người dân rất thô sơ. Tay không cứu người, không găng tay, không thiết bị bảo vệ, thậm chí cái ủng cũng không có, chỉ có cái mũ cối mỏng manh cùng với cuốc, xẻng, gậy, cưa, búa, dây thừng… Một số hình ảnh cho thấy họ phải dùng cây gậy tự chế để chọt từng mét vuông tìm kiếm nạn nhân, rồi lại dùng tay (không bao tay) để moi móc từng lớp bùn để đưa thi thể lên.
Có những hình ảnh bộ đội chỉ được trang bị cái áo phao và mũ cối nhưng phải lao ra dòng lũ để cứu người. Không thấy xuồng máy, ca nô, hay ít nhất là một cọng dây thừng để kéo họ vào bờ. Trong tình huống đó, có khi họ chẳng thể đảm bảo an toàn cho sinh mạng bản thân chứ đừng nói là cứu người dân.
Hoặc trường hợp ở thôn Nậm Tông (Lào Cai), lực lượng cứu hộ phải lội bộ qua sình lầy suốt 8 cây số để tới nơi sạt lở. Mất 7 tiếng để tới nơi, 1 em nhỏ đã chết vì không thể cứu chữa kịp thời. Rồi lại mất 7 tiếng để cõng, khiêng nạn nhân bằng cáng tre tự đan để đưa người bị thương tới bệnh viện.
Theo mô tả của chị Sin Thị Tâm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Lúc thì phải mất 7 giờ kể từ khi bị sạt lở, chị và nhóm cứu hộ (gồm bô đội, công an mới đến được nơi sạt lở. Cả đêm, chị phải sơ cấp cứu cho 11 người bị thương.
Tới sáng hôm sau, mọi người phải dùng tre đan thành cáng, khiêng 4 người lớn bị thương, và cõng các cháu nhỏ bị thương trên lưng, lội ngược con đường sình lầy, có chỗ sình lún qua đầu gối, đi rất khó khăn, có nước chảy xiết. Cuối cùng thì đoàn người đi bộ đó đã thay nhau khiêng, cõng những người bị thương ra ngoài. (1)
Ngoài trang thiết bị và con người, thì câu hỏi đặt ra là những chiếc máy bay, trực thăng biểu diễn của quân đội đã ở đâu trong những trường hợp khẩn cấp này? Còn nhớ hồi tháng 5, quân đội đã có màn diễu binh hoành tráng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, với 11 chiếc trực thăng tham gia biểu diễn. Tức là trực thăng tại khu vực bắc bộ không thiếu, vậy chúng ở đâu khi người dân cần? Chẳng lẽ chúng chỉ dùng để biểu diễn chứ không thể dùng trong lúc nguy cấp?
Với điểu kiện trang thiết bị, trực thăng, tiến độ cứu hộ rề rà trong tình huống khẩn cấp này thì thật khó lòng tưởng tượng quân đội sẽ ứng phó ra sau nếu có giặc xâm lược bất ngờ tấn công. Có lẽ những người lính ngoài tiền tuyến sẽ lại là chốt thí cho tướng lãnh phía sau. Trang bị thô sơ, với mũ cối vào áo vải thì đánh với ai, mà có khi súng ống, đạn dược cũng không dùng được. Thương cho người lính nhưng tướng tá thì phải chịu trách nhiệm khi không trang bị đầy đủ những thứ cần thiết cho bộ đội.
____________________
Tham khảo: