Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quân đội Việt Nam tìm đến tư bản chủ nghĩa

Huyền Như dịch (VNTB) – Tân Sơn Nhất – sân bay bận rộn nhất của Việt Nam, từng là một cửa ngõ chính cho hàng ngàn lính Mỹ đi vào cuộc chiến, bây giờ lại là chủ đề tranh cãi liên quan đến lợi ích thương mại của quân đội Việt Nam.

Để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các quan chức hàng đầu trong Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề xuất xây dựng một sân bay quốc tế Long Thành với tổng vốn trị giá 15,8 tỉ USD, cách Tân Sơn Nhất khoảng 40 km. Nhưng một số ý kiến của các chuyên gia hàng không lại đặt câu hỏi là tại sao lại không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, khi mà một phần sân bay lại được sử dụng để làm sân golf? 

Khách tham quan chụp hình cùng với chiếc xe tăng của quân đội Mỹ, tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: japantimes

Sử dụng đất trong khu vực sân bay làm sân golf là “không hợp lý”, ông Lê Trọng Sanh nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất nhận định.

“Cần phải thu hồi diện tích đang làm sân golf để làm sân đỗ máy bay.”

Các cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề sân golf và Tân Sơn Nhất là dịp hiếm hoi để làm rõ một điều: Xung đột giữa lợi ích bên quân đội và lợi ích của người dân.

Quân đội nhân dân Việt Nam – vừa tham gia kỷ niệm 40 năm ngày đánh bại quân đội Mỹ – như đã từng đánh bật Pháp và Trung Quốc.

Sau chiến tranh, quân đội Việt Nam mở rộng các mảng kinh doanh của mình bằng cách thành lập các doanh nghiệp, các công ty con về ngành xây dựng, dịch vụ sân bay, đóng tàu, hàng may mặc. Hai trong số những “sản phẩm quân đội” nổi tiếng là Tập đoàn viễn thông Viettel và Ngân hàng Quân đội MBBank.

Theo ước tính của chính phủ, khối doanh nghiệp quân đội có lãi trước thuế hơn 46.000 tỷ trong năm 2014. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nói rằng các doanh nghiệp này ở mức độ nào đó, hoạt động (kinh doanh) của họ nằm ngoài tầm kiểm soát của Đảng Cộng sản.

Phía doanh nghiệp Quân đội thường từ chối các yêu cầu phỏng vấn và không trả lời câu hỏi qua email về các hoạt động kinh doanh của họ.

Andrew Wood, người đứng đầu công ty tư vấn, phân tích tài chính quốc tế (BMI Research) tại châu Á cho biết: Các doanh nghiệp quân đội đóng một vai trò nhỏ trong nền kinh tế của Việt Nam, ít nhất là so với quân đội Myanmar.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp quân đội – Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng.

Mặc dù, Viettel đạt gần 2 tỷ USD lợi nhuận trước thuế năm ngoái, và đã mở rộng đến 9 thị trường ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin.

Dù sao thì, người dân Việt Nam cảm thấy tin tưởng đối với các doanh nghiệp quân đội hơn là các doanh nghiệp thuộc các tổ chức nhà nước khác, bởi họ nhận thấy, các bê bối về tài chính (tham nhũng) ít liên quan đến các công ty quân đội.

“Ngân hàng này thuộc về quân đội, và mọi người tin tưởng nó hơn” so với các ngân hàng khác của Việt Nam, Võ Văn Tâm, một nhà kinh doanh bất động sản Tp. Hồ Chí Minh cho biết. Tâm cũng đang sử dụng dịch vụ di động của Viettel với cùng một lý do.

Cần nhấn mạnh, các doanh nghiệp ngân hàng ở Việt Nam là một trong số những hệ thống tài chính có mức độ dính nợ xấu cao nhất ở Á Châu. Nhưng Ngân hàng Quân đội là một trong những doanh nghiệp không nằm trong số đó, bởi họ biết loại trừ các khoản vay không hiệu quả. Ông Peter Sorensen, giám đốc quản lý tại ABB Merchant Banking – một công ty tư vấn tại Hà Nội cho biết.

Việt Nam đang đàm phán để nằm trong 12 quốc gia quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, một nhóm thương mại tự do, do Mỹ dẫn đầu (TPP). Các quan chức Mỹ chia sẻ, TPP có thể sẽ bao gồm các quy định nhằm buộc lực lượng doanh nghiệp nhà nước phải minh bạch hơn.

Sorensen nói các doanh nghiệp thuộc quân đội có thể sẽ thấy áp lực.

Năm 2007, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản ra lệnh cho 140 công ty của quân đội (không liên quan đến trực tiếp an ninh quốc gia) phải thoái vốn thông qua hình thức cổ phần hóa. Con số này giảm xuống còn 98 trong vòng hai năm, theo một phân tích hồ sơ do BMI Research tiến hành.

“Thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã cố gắng đưa quân đội ra khỏi các hoạt động thương mại thuần túy,” Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Úc cho biết.

Lê Thị Thanh Hòa, một người buôn bán nhỏ trên đường, bên cạnh Tân Sơn Nhất Golf Course – nơi tiếp giáp với sân bay cho biết, quân đội là chủ các doanh nghiệp xung quanh khu vực này.

“Quân đội rất có thể lực, và họ kiểm soát toàn bộ khu vực này.” Việc “Kinh doanh với quân đội là điều tốt bởi nó đem lại cảm giác an toàn”

Bên cạnh Tân Sơn Nhất Golf Course là Him Lam Palace, một tòa nhà nguy nga tám tầng với sàn đá cẩm thạch và đèn chùm mạ vàng trong sảnh.

Him Lam là một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản – lớn nhất Việt Nam, có liên kết “đáng kể” với Bộ liên lạc Quốc phòng và tham gia một số dự án quy mô lớn về quân sự trong nước, một nhà ngoại giao Mỹ đã viết vào năm 2006 (WikiLeaks). Điện tín cũng cho biết, Dương Công Minh, người hiện là chủ tịch hội đồng quản trị Him Lam, nói với các nhà ngoại giao là tiền cho thuê đất là một trong những nguồn tài chính lớn “ngoài ngân sách” của Bộ.

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện xử lý trên 20 triệu hành khách/năm, dự kiến đến năm 2016 – 2017 sẽ đạt 25 triệu hành khách/năm và sẽ trở nên quá tải vào những năm sau đó, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng GTVT Việt Nam cho biết. Và việc xây dựng sân bay mới là chủ trương đúng, bởi mở rộng sân bay hiện tại sẽ là vấn đề khó, khi yêu cầu di dời 140.000 hộ gia đình (chiếm 541 ha) xung quanh, chưa kể các hoạt động bay quân sự, việc tiếp tục nâng cao công suất khai thác sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường dân sinh của khu vực trung tâm thành phố như gây ô nhiễm tiếng ồn, khí thải vượt xa tiêu chuẩn cho phép, không đáp ứng được các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế -ICAO về phát triển bền vững, an toàn hàng không.

Nhưng Sanh, lại không tán đồng điều đó, ông cho rằng, việc xây dựng thêm một đường băng, một số bãi đỗ xe có thể tăng công suất lên 45 triệu hành khách một năm. Ông nói thêm rằng, nếu xây dựng sân bay mới sẽ chiếm lấy 1/10 GDP trong nước – tiếp tục gây căng thẳng lớn về tài chính quốc gia (nợ công).

Năm ngoái, ông và một phi công quân sự đã nghỉ hưu, Mai Trọng Tuấn, đã gửi một bức thư cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm khuyến nghị điều đó. Họ vẫn đang chờ đợi sự hồi âm.

Nguồn: On the green, Vietnam army’s capitalist streak

Tin bài liên quan:

Nghị sĩ Mỹ đề nghị dự luật gia tăng sức ép về nhân quyền Việt Nam

Phan Thanh Hung

“Quyền lực” của hộ chiếu Việt Nam tại 44 quốc gia miễn visa

Phan Thanh Hung

VNTB – Trung Quốc có khả năng lập vùng ADIZ tại Biển Đông

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.