Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quan xã, hư học và tiến thân chính trị

Quỳnh Hương (VNTB) Tân quan xã – Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) cho người đi thi hộ trong kỳ thi do Viện Đại học mở Hà Nội tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đông Anh diễn ra vào ngày 20 – 21/06.

Một thí sinh 22 tuổi “lãnh nhiệm vụ” thi giúp quan bài thi môn Luật đất đai, trong khi quan đang đi nghỉ mát ở Sầm Sơn (Thành Hóa).

Quan xã đang học bổ túc bằng ĐH hệ tại chức, để tiến thân về sau. Và khi bị phát hiện quan đã đáp lại theo đúng tinh thần “vừa đá bóng vừa thổi còi” bằng cách biện hộ là “do người khác đứng sau xúi giục Sang dựng hồ sơ lên để hại tôi. Chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý”. 

Việt Nam đang đẩy mạnh “bằng cấp hóa cán bộ”. Ảnh minh họa.

Quan ta “dốt từ trên nóc dốt xuống”

Nâng bằng, kẹp bằng là một trong những tiêu chí để các quan tại Việt Nam tiến thân xa hơn trong sự nghiệp chính trị của mình. Thế nên, cứ nhìn vào danh sách từ quan xã đến huyện, rồi tỉnh, Trung ương tại Việt Nam đều thấy toàn là cử nhân rồi thạc sĩ, tiến sĩ đủ cả… Nhưng hiếm ai trong đó là thực học, nghĩa là đều tay đi học, đều tay thi cử, mà họ thông qua việc cho người đi học hộ, rồi thi hộ…


Thế mới có chuyện, nhiều trường hợp khi bị đấu đá, mới lòi ra việc… bằng giả. Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang từng bị thôi chức khi phát hiện ra bằng tiến sĩ tại đại học Uppsala (Thụy Điển) là bằng… dỏm. Hay, Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Văn Ngọc đã mua bằng Tiến sĩ ĐH Nam Thái Bình Dương với giá 17.000 USD.

Việc phát hiện bằng giả được mua bằng tiền, hay chuyện các quan nhờ người học hộ, thi hộ trong các kỳ thi tại các trường ĐH Việt Nam cũng cho phép người dân được giải tỏa câu hỏi trong nhiều năm nay. Rằng, vì sao nhiều vị ĐBQH đương giữ chức vụ cao trong chính quyền, lại có học vị Tiến sĩ Luật hẳn hoi lại có những phát ngôn không thể tưởng tượng nỗi, thiếu hụt về mặt kiến thức luật, kinh tế, đất đai.

Một trong số đó là, vị ĐBQH có bằng TS Luật, đang kiêm nhiệm chức vụ Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc Hội, ông Đỗ Văn Đương khi ông cho rằng, lạm phát không tăng vì giá rau muống Việt Nam thấp hơn so các nước khu vực, hay “Quyền im lặng không phải là quyền con người.”

Thế mới biết, chất lượng bằng cấp của công chức ta có vấn đề, và dường như chính công chức đã làm nên “lạm phát” về số tiến sĩ giấy ở nước ta. Khi mà nhà nhà đi học, người người được cử đi học lấy bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ để “đáp ứng nhu cầu bằng cấp” cho cơ quan, thay vì đáp ứng năng lực hoạt động trong đơn vị hành chính công, sự nghiệp.

Chưa kể đến các vụ nhờ vả học hộ, thi hộ bằng Trung cấp chính trị đầy rẫy ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, quận rồi tỉnh thành…

Và rằng, tự hỏi trong số thành viên chính phủ Việt Nam, rộng hơn là 2,8 triệu vị công chức hiện nay, bao nhiêu người có bằng cấp thực học? Tất nhiên, trừ các vị các bằng cấp đặc thù chế độ với ngành Xây dựng Đảng ra.

Theo logic, học vị thực sẽ dẫn đến nhận thức đúng, nhận thức đúng thì phát ngôn mới chuẩn. Những phát ngôn lệch lạc, sai trái, thiếu hiểu biết của các quan chức từ cấp xã đến T.Ư, dù có trong tay bằng Tiến sĩ đi chăng nữa cũng đều cho thấy vấn đề trong cái mảnh bằng đó. 

Bằng cấp và chiến lược cán bộ đại trà của Đảng

Tại Hội nghị T.Ư 3 (khóa VIII) năm 1997 đã xác định chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là “nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ,” và bản thân mỗi cán bộ lại có vai trò trong việc “thúc đẩy hoặc kìm hãm tiến trình đổi mới.”

Do đó, nhà nước Việt Nam đẩy nhanh tiến trình “đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng” cho đội ngũ công chức nhà nước. Kết quả là cho ra đời 2,6 triệu người có trình độ đại học, cao đẳng, trong đó có 18.000 thạc sĩ, tiến sĩ; 6.000 giáo sư, phó giáo sư; 93,8% cán bộ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên có trình độ đại học và trên đại học; 100% cán bộ cấp vụ ở các cơ quan trung ương có trình độ đại học và trên đại học, Tạp chí Cộng sản tháng 4/2015 cho biết.

Còn “chính trị vững vàng” là qua con số phổ cập lý luận chính trị cao cấp tăng từ 99,23% ĐH khóa VIII lên 97,23% ĐH khóa X. Trong đó, cán bộ chủ chốt cấp huyện, tỉnh là 98% lý luận chính trị cao cấp, 95% trình độ ĐH và trên ĐH.

Để có những con số mà tạp chí Cộng sản tự hào trích dẫn đó, nhiều tỉnh đã lập hẳn đề án, chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho các cán bộ chủ chốt, và tìm cách phổ cập bằng đại học Luật cho các quan xã, huyện. Đi đầu là thủ đô Hà Nội với “chiến lược cán bộ công chức”, trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ; 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học. 

Chính sức ép về “chiến lược cán bộ” là một nguyên nhân quan trọng đẩy mạnh đại trà số lượng bằng cấp lý luận chính trị và bằng ĐH, sau ĐH (phổ cập bằng cấp) thay vì tập trung “nâng cao năng lực cán bộ” (thực tài). Dẫn đến việc thi hộ, học hộ, mua bằng, nhất là tại các trung tâm đào tạo ĐH, sau ĐH từ xa cũng nảy nở, sinh sôi. Và hệ quả tất yếu là đưa ra một tầng lớp hư học với, “trình độ, năng lực, kiến thức về kinh tế thị trường, luật pháp, ngoại ngữ, khả năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội của không ít cán bộ vẫn còn bất cập; khả năng dự báo và định hướng sự phát triển vẫn còn yếu.” 
Tất nhiên, nằm trong diện “hư học” có không ít vị cán bộ nằm trong diện quy hoạch, cơ cấu tạo nguồn cán bộ.
Vì thế, có có thể nói, chủ tịch UBND Xã Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) nên được chính quyền Hà Nội ghi nhận cho “nỗ lực” không mệt mỏi nhằm đáp ứng “chiến lược cán bộ công chức” đó. 

Đoạn tuyệt với cán bộ bằng cấp cao
Trong một bài viết năm 2010, GS. Nguyễn Văn Tuấn đã khẳng định rằng, “Một trong những đặc điểm đáng chú ý trong giới quan chức Việt Nam là họ thường có bằng cấp rất cao.”

Và ông đã có một thống kê thú vị về bằng cấp quan chức Việt Nam so với các nước, theo đó, chính phủ Việt Nam có trình độ học vấn cao so với Mĩ và Úc. 

“Trong số 26 thành viên trong nội các chính phủ Việt Nam, có đến 50% (13 người) có bằng tiến sĩ, 10 người có bằng cử nhân, và 3 người có bằng thạc sĩ.” Trong khi ở Úc và Mĩ thì ngược lại, với Úc, “trong số 28 thành viên chính phủ, chỉ có 1 người duy nhất có bằng tiến sĩ (ông Craig Emerson), 5 người có bằng thạc sĩ, và đa số (22 người ) có bằng cử nhân. Nội các chính phủ Obama có trình độ học vấn cao hơn Úc một chút, nhưng vẫn còn thua xa so với Việt Nam. Trong số 23 thành viên, 7 người có bằng tiến sĩ, 8 người với bằng thạc sĩ, và 8 người với bằng cử nhân.”

Còn TS Nguyễn Khắc Hùng, nguyên Chuyên viên Đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc gia thì cho biết, nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản. 

Điều đó cho thấy, nạn lậm bằng cấp không chỉ xảy ra ở địa phương mà còn diễn ra trầm trọng ở Trung ương, mà điều này lại không khiến cho chất lượng đội ngũ công chức trong thực thi công vụ được tăng lên.

GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản) trong một bài viết bàn về quan chức và học vị Tiến sĩ trên báo Tuổi Trẻ, ông cho hay, để Việt Nam có được “đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao” thì một trong số giải pháp được đề ra là cần phải “đoạn tuyệt quan hệ giữa văn bằng tiến sĩ với tiêu chuẩn, tư cách, trách nhiệm của một quan chức. Cần quyết định chấm dứt ngay việc xem văn bằng tiến sĩ là một tiêu chuẩn để đề bạt quan chức, cấm quan chức học tại chức để lấy bằng tiến sĩ, cấm quan chức tham gia việc đào tạo tiến sĩ.”

Bởi lẽ, trong bộ máy nhân sự chính trị Việt Nam, hiếm có ai có quan điểm trung thực như bà cụ Hoa bán chuối ở chợ Vĩnh Bình (Gò Công Tây, Tiền Giang) đồng thời là cử nhân Luật, rằng chỉ “học cho biết, học cho người nghèo”, chứ không học để kiếm cái bằng để được lọt vào danh sách bổ nhiệm thăng chức, tăng lương. 

Cần phải nhắc lại, miếng bánh bổ nhiệm thăng chức, tăng lương khá hấp dẫn trong cơ chế Việt Nam, do đó, không quá khó hiểu khi các quan Việt không ngại tráo đổi sự trung thực để lấy hư học, lại được cơ chế cổ vũ qua chiến lược đào tạo cán bộ, thành ra, bộ máy nhà nước Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều những vị quan có bằng cấp như Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ.

Mà cán bộ như Chủ tịch xã Uy Nỗ càng nhiều, thì lại càng kìm hãm tiến trình đổi mới của đất nước.

Tin bài liên quan:

VNTB – Đi tu, làm giàu và học tiến sĩ!

Do Van Tien

Thu hồi bằng tiến sĩ liên quan đến vụ cấp bằng giả của Trường ĐH Đông Đô

Phan Thanh Hung

VNTB – Thích Chân Quang dùng bằng bổ túc trung học giả?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.