Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quốc hội lập pháp: góc nhìn từ một hội luận của BBC

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Vì sao Quốc hội khóa cũ lại bầu nhân sự Chính phủ khóa mới?

 

Một hội luận mới đây của BBC tiếng Việt đã ghi nhận ý kiến một số nhà quan sát thời sự Việt Nam, bình luận về việc ban lãnh đạo đảng và nhà nước đã kiện toàn cơ bản như thế nào và điều gì được chờ đợi trong nhiệm kỳ mới của họ?.

Những chương trình hội luận thế này ở trước đây, trong số khách mời thường xuyên của BBC có nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.

Xin lược ghi một số phát biểu tuy không mới, nhưng có tính “lạ” vì người lên tiếng đang làm việc trong bộ máy công quyền.

BBC News tiếng Việt đặt vấn đề rằng, đảng cộng sản Việt Nam đã bầu và sắp xếp xong hết các chức danh, nhân sự nhà nước cấp cao rồi, vậy vì sao còn yêu cầu người dân đi bầu Đại biểu Quốc hội tới đây nữa, một số nhà quan sát bình luận phản hồi với BBC.

PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển từ Hà Nội: “Trong dân chúng ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều người thấy việc này rất vô lý. Có thể họ không hiểu biết về luật Tổ chức Quốc hội, luật Bầu cử v.v…, nhưng rõ ràng rằng điều này là bất cập trong thực tế.

Còn nói dưới góc độ pháp luật, tôi thấy rằng ý kiến này hoàn toàn thỏa đáng thôi, bởi vì bình thường theo quy trình, sau khi đã có danh mục nhân sự của đảng rồi, việc cần hợp thức hóa phải là Quốc hội mới, tức là sau khi bầu cử Quốc hội rồi, thì lúc đó mới làm.

Thế nhưng ở đây lại làm trước cả khi có Quốc hội mới, thì đúng là điều đó hơi chéo ngoe, đấy là ý thứ nhất về cái gọi là quy trình.

Ý thứ hai, rõ ràng người dân cũng nhận thấy đi bầu là việc của đảng với nhà nước, còn làm gì cứ bắt người dân phải đi bầu nhiều lần cho tốn tiền, tốn công sức ra. Đây là suy nghĩ rất bình thường của người dân, nó phản ánh một thực trạng không đáng phấn khởi lắm trong việc cải cách hệ thống, cải cách thể chế để phát triển đất nước.

Tôi không nghĩ chuyện này là chuyện lách luật, tôi cho rằng chuyện này có thể nói là phớt lờ pháp luật, phớt lờ pháp luật mà do chính mình làm ra.

Còn nói đến câu chuyện ‘khoảng trống quyền lực’, tôi lại đặt ra một vấn đề là trọng trách nhà nước, với tư cách Bộ trưởng, hay thậm chí với tư cách Chủ tịch nước, anh vẫn phải giữ cho đến lúc được bầu ở Quốc hội mới…

Chốt lại là một Bộ trưởng như ông Phùng Xuân Nhạ không được vào Ban Chấp hành Trung ương đảng, thì cứ để ông làm từ bây giờ cho đến khi bầu cử Quốc hội xong trong mấy tháng sắp tới, thì có nghĩa là sẽ không ảnh hưởng tới câu chuyện gì cả.

Trách nhiệm hành chính của anh là Bộ trưởng, là Chủ tịch nước, đảng đã phân công anh trong tương lai thì anh sẽ làm như thế, việc gì mà phải ‘khoảng trống quyền lực’ ở đây. Trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý của những người đứng đầu cơ quan nhà nước là phải làm cho trọn, cho đến khi được Quốc hội mới bầu, như vậy mới có một nhà nước đàng hoàng, nhà nước pháp quyền, ít nhất là về mặt hình thức. Còn làm như thế này là hơi nhom nhem”.

PGS. TS. Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Tôi xin giải thích một chút về vấn đề này… Tôi đã có đề cập đến vấn đề ‘khoảng trống quyền lực’, tức là đảng quyết định hết về nhân sự, điều mọi người đều đã biết. Nhưng từ nhân sự ấy giới thiệu ra Quốc hội, mà theo điều 7 của Hiến pháp, điều 8 của luật Tổ chức Quốc hội, phải là Quốc hội mới bầu, vậy thì từ tháng Một cho đến tháng Sáu có một ‘khoảng trống quyền lực.

Tức là một số vị không trúng cử Ban chấp hành Trung ương đảng mà vẫn giữ cương vị cao, thì việc điều hành này có vẻ là đảng không lãnh đạo được, cho nên phải lấp ngay khoảng trống đó, trước hết là như vậy.

Còn người ta vận dụng như thế này: nhân nhiệm kỳ cuối cùng của khóa này, đảng tranh thủ tiến hành luôn, do đó đảng quyết định là từ 02 đến 07/4/2021, đảng đã làm việc này và quan trọng nhất là việc Tổng bí thư đang kiêm nhiệm Chủ tịch nước, thì miễn nhiệm chức Chủ tịch nước.

Sau đó, Chủ tịch nước mới giới thiệu ứng viên Thủ tướng, Thủ tướng tiếp theo mới giới thiệu ứng viên nội các, rồi Chủ tịch Quốc hội mới giới thiệu nội các của Quốc hội. Như vậy, những vị trong danh sách cả cũ, cả mới, rất nhiều người tham gia đại biểu Quốc hội của khóa 15. Và Quốc hội khóa đó cũng chỉ giới thiệu mấy vị mà mọi người đã biết rồi, đó là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, sau đó các vị này giới thiệu nội các v.v…

Chúng ta đều đã biết quy trình là như thế, song người ta đã lách luật một chút, mà chúng tôi phải lưu ý rằng nếu theo dõi, chúng ta biết nhiệm kỳ của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải rút nhiệm kỳ của Quốc hội Việt Nam từ 5 năm xuống còn 4 năm để sao cho khoảng trống quyền lực ngắn lại.

Nhưng mà vẫn chưa đủ, và tôi nghĩ là hoàn thiện thể chế thì Việt Nam phải rút tiếp, tức là tháng Một mà tổ chức Đại hội đảng rồi, thì chỉ đến tháng Hai hay tháng Ba là cùng, phải hoàn thành bầu cử Quốc hội và như thế ăn Tết xong, người dân đi bầu cử Quốc hội luôn.

Như thế khoảng trống quyền lực rút ngắn một chút và tôi giải thích thêm để nó đỡ trở thành một câu chuyện buồn cười và việc làm này cũng đúng luật thôi, nhưng người ta lách một chút, nghĩa là kỳ họp thứ 11 khóa 14 này, Quốc hội làm luôn việc bầu các chức danh đó đi, để sau đó tiếp nối quyền lực…

Miễn nhiệm thì thường do có một vấn đề gì đó, như ai đó vi phạm một vấn đề gì đó ghê gớm mà phải phế truất, thì người ta mới phải thay đổi. Còn miễn nhiệm xảy ra trong trường hợp kiện toàn hay củng cố tổ chức thì khác với các miễn nhiệm khác…”.

Lời bình của biên tập viên: Nói như các lập luận của mấy vị chuyên gia kể trên, xem ra cần có một cách hiểu khác về vai trò lập pháp của Quốc hội Việt Nam hiện tại.

Về lý thuyết, ở Việt Nam, quyền lập pháp được giao cho Quốc hội. Điều 69 Hiến pháp 2013 quy định: Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Thế nhưng với những gì vừa diễn ra ở nghị trường, cho thấy cần có một cách định nghĩa khác về thực quyền lập pháp của Quốc hội Việt Nam.


Tin bài liên quan:

VNTB – Mỹ cáo buộc Trung Quốc gia tăng khiêu khích ở biển Đông

Trương Thế Tử

VNTB – Con số “trăm phần trăm” nói lên điều gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Luật về quyền biểu tình: bao giờ lại được trình Quốc hội?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo