(VNTB) – Quốc tế Thiếu nhi 1/6 thường được ví von là ngày Tết dành cho trẻ em. Thế nhưng…
Nhiều năm trở lại đây, hình ảnh những đứa trẻ mưu sinh trên đường phố, không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn lan ra ở nhiều tỉnh, thành khác, dường như đã không còn là điều xa lạ. Đó có thể là hình ảnh của những đứa trẻ nhỏ bé, gầy gò, với những bước chân thoăn thoắt giữa màn đêm, len lỏi giữa những chiếc bàn để bán từng cây kẹo, từng thỏi sing-gum…. Đó có thể là những đứa trẻ ngậm xăng phun lửa. Hay đó là dáng dấp của những bé ngồi bệt nơi vệ đường, trên tay cầm xấp vé số.
Bước chân vào nghề báo từ những năm 1988, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn, thương tật, nhà báo Anh Thu chia sẻ: “Đi nhiều, mới thấy nhiều hoàn cảnh. Tôi nhớ, có một lần, công tác ở tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tối đó, không có việc gì làm, tôi cùng vài người bạn ra một quán ở lề đường. Chỉ trong vòng nửa tiếng, có nhiều người đến mời chúng tôi mua vé số. Điểm đáng chú ý ở đây, là trong số đó, nhiều trường hợp là trẻ em”.
Đối với những đứa trẻ mưu sinh nơi đường phố ấy, cực thì có cực, nhưng kiếm được đồng tiền phụ giúp gia đình trong sinh hoạt thường nhật, đã là một niềm vui. Buồn nhất, có lẽ là vào những đêm mưa, quán xá vắng khách, “con đường kiếm cơm” của những đứa trẻ hôm ấy, dường chừng như, cũng khó khăn hơn.
“Em bị bệnh tim từ nhỏ, ba mẹ em ly dị, em đang sống với bà ngoại. Bà ngoại em lớn tuổi rồi, ngày nào cũng đẩy xe bánh tráng đi buôn bán. Em cũng phụ bà, đi bán mỗi đêm ở các quán ăn. Em không có thấy cực, phụ được bà, là em thấy vui. Ngày nào không đi bán, là em buồn lắm. Em không có đi học, nhà nghèo, đâu có tiền đâu đi học, nhưng ở gần đây, có chùa dạy học cho trẻ em đường phố miễn phí, nên tụi em cũng thường đến đó để học chữ”, bé Nhi, trẻ em đường phố mưu sinh ở khu vực Quận 8 Sài Gòn chia sẻ trong sự hồn nhiên, vui vẻ.
Bên cạnh đó, có không ít ý kiến lo ngại rằng, nhiều trường hợp đến từ sự chăn dắt. Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Anh Thu nói tiếp: “Khi tôi mua giúp các bé đứng bên đường những tờ vé số, có người nói với tôi rằng, cẩn trọng, đừng để ba mẹ hay người thân của những đứa trẻ ấy lợi dụng lòng thương. Có mua hết cho chúng đi chăng nữa, rồi họ cũng lấy thêm, cũng bắt chúng đứng đó bán. Tôi biết chứ. Có những trường hợp, tôi còn thấy ba mẹ của chúng đứng ở ngã tư gần đó, ngó ra xem tình hình. Nhưng, tôi quan niệm một điều rằng, ai làm bậy thì người đó lãnh tội. Tôi giúp những đứa trẻ ấy trong khả năng của mình”.
Độ tuổi lao động tối thiểu của hầu hết các ngành nghề, công việc là 15 tuổi. Với một số ngành nghề, công việc nhẹ nhàng thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành thì người sử dụng lao động được phép tuyển dụng cả những người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 143 Bộ luật Lao động 2019.
Bên cạnh đó, điều 4, luật trẻ em, năm 2016 có khoản quy định:
“Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi”.
Như vậy, có thể thấy, hành vi cho trẻ em chưa đến độ tuổi lao động ra đường phố mưu sinh có thể sẽ vi phạm điều 4 của luật trẻ em. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra, với những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các trường hợp không còn cha mẹ, sống nương tựa với ông bà thì cuộc sống sẽ ra sao nếu như các em không chấp nhận chịu sương, chịu gió, dãi nắng dầm mưa đi bán đi buôn để kiếm tiền mưu sinh?
Trang trải chi phí cho cuộc sống hằng ngày đã khó nói chi đến việc được đi học đàng hoàng đối với hoàn cảnh của nhiều đứa trẻ lang thang nơi đường phố?
Và bao giờ thì những đứa trẻ đường phố ấy không còn phải bận tâm về những cơm gạo áo tiền hằng ngày, sẽ được đến trường học hành vui đùa cùng chúng bạn như những đứa trẻ khác?