VNTB – Quỹ bảo hiểm xã hội kết dư nói lên điều gì?

VNTB – Quỹ bảo hiểm xã hội kết dư nói lên điều gì?

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Theo cơ quan thẩm tra – Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đến hết năm 2020, tổng số kết dư của Quỹ Bảo hiểm xã hội và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp ước đạt gần 953.078 tỉ đồng.

 

Thảo luận ở phiên họp Quốc hội vào chiều ngày 22-10-2021, Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho hay cứ khi nhắc đến quỹ bảo hiểm xã hội hay có một câu cửa miệng là “vỡ quỹ”. Tuy nhiên, thực tế mấy năm qua kết dư của quỹ tương đối tốt.

Thẩm tra vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá số kết dư như vậy là lớn. Đáng chú ý, qua nhiều năm, nhiều chế độ, chính sách liên quan đến các quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp chưa đi vào cuộc sống, cũng như chưa phát huy được vai trò chủ động của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là giá đỡ của thị trường lao động.

Theo Ủy ban Xã hội, Quỹ ốm đau, thai sản dù có năm thứ hai liên tiếp “số thu nhỏ hơn số chi” nhưng vẫn có nguồn kết dư chuyển sang năm sau. “Có ý kiến cho rằng các quỹ ngắn hạn mà có kết dư lớn sẽ gây gánh nặng cho người sử dụng lao động, ngân sách nhà nước và mất công bằng đối với người thụ hưởng”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, bà Nguyễn Thúy Anh nhận xét.

Với số kết dư lớn như vậy, thường thì có ba khả năng: Hoặc quy định mức đóng quá lớn, điều này tạo ra gánh nặng cho người sử dụng lao động tức chủ doanh nghiệp và cả ngân sách nhà nước, bởi Nhà nước phải đóng đến gần 19%-20%.

Trường hợp còn lại là chính sách chi rất hạn hẹp, người lao động không được thụ hưởng, đóng nhưng không được hưởng dẫn tới tồn đọng nhiều. Khả năng thứ ba là mức đóng cũng cao trong khi mức chi thì ít.

“Đây là quỹ đóng hưởng, ai đóng người đó hưởng, không phải quỹ sử dụng ngân sách nên phải sử dụng đúng mục đích, đúng nguyên tắc. Để kết dư quỹ quá lớn, Chính phủ cần rà soát kỹ, báo cáo rõ trước Quốc hội. Trong khi mức đóng lớn, tồn đọng nhiều. Nếu chính sách chi trả còn hẹp thì ta phải làm rõ, tường minh việc này”, Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ nhận xét.

Ghi nhận ý kiến của ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quy định trong Luật Việc làm. Theo đó, bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp do người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng, người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; ngoài ra, nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Vẫn theo ông Lê Đình Quảng, năm 2020, tổng chi từ nguồn quỹ này tăng 49,2%, trợ cấp thất nghiệp cho hơn 1 triệu người, tương đương 6.217 tỉ đồng so với năm 2019, song vẫn kết dư gần 3.600 tỉ đồng. Như vậy, kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp liên tục tăng và hiện ở mức cao gần 90.000 tỉ đồng. Điều này đủ cơ sở để đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoặc Quốc hội ra nghị quyết giảm mức đóng từ 1% xuống còn 0,5% cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

“Trong điều kiện doanh nghiệp và người lao động đang gặp vô vàn khó khăn do dịch bệnh như hiện nay, nếu giảm mức đóng như trên thì mỗi năm doanh nghiệp và người lao động có khoảng gần 10.000 tỉ đồng dành để sản xuất – kinh doanh cũng như chăm lo đời sống cho người lao động” – ông Quảng đề xuất.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)