Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quỹ bảo hiểm y tế hiện đang kết dư khoảng 35.000 tỷ đồng

Mai Lan

 

(VNTB) – Đối với người đang làm việc có hợp đồng lao động, hiện mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng là 4,5% mức tiền lương tháng.

 

Theo thống kê gần đây nhất, dù đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả nhưng chi phí trực tiếp từ tiền túi của người bệnh cho chi tiêu y tế vẫn ở chiếm tỉ lệ khá cao với 43%. Mức chi tiêu từ tiền túi này cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 20%, và cao gấp 2 – 2,5 lần so với các nước phát triển là chỉ từ 14 – 20%.

Số liệu công bố tại Hội thảo Cơ chế tài chính nhằm tăng cường tiếp cận các giải pháp công nghệ mới trong chăm sức khỏe, tổ chức ngày 6-4-2021 cho biết, hiện tại, mỗi người Việt Nam khám bệnh trung bình 2,1 lần/năm với số tiền bình quân là 129 USD/người (tương đương khoảng gần 3 triệu đồng/người), trong đó có tới 37% là tiền thuốc (tương đương khoảng 1,1 triệu đồng).

Với mức chi tiêu như kể trên, Việt Nam đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar, nhưng đứng dưới hàng loạt quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia. Trong đó người dân Thái Lan chi khoảng 6 triệu đồng/người/năm, mức chi tại Malaysia là 12 triệu đồng/người/năm.

Trước đó, cuối tháng 11-2012, tại hội nghị khoa học “Tài chính y tế hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân”, do Bộ Y tế tổ chức, cho hay độ bao phủ của bảo hiểm y tế tại Việt Nam thời điểm đó đạt 63% dân số, nhưng mức chi trả trực tiếp từ tiền túi người dân hiện nay quá cao, chiếm tới 52% tổng chi tiêu y tế.

Còn giờ thì thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết số người tham gia bảo hiểm y tế ở Việt Nam là 86,5 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,65% dân số, với phần chi phí trực tiếp từ tiền túi của người bệnh cho chi tiêu y tế có giảm gần 10% so với gần chục năm về trước, và đang ở mức vẫn còn rất cao là 43%.

“Quỹ bảo hiểm y tế hiện đang kết dư khoảng 35.000 tỷ đồng” là câu hỏi cần trả lời vì sao lại ‘kết dư bạc chục ngàn tỷ’ như vậy?

Tháng 10-2018, tại phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2017, do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, khi ấy bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, số dư Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2017 lên đến hơn 39.000 tỷ đồng: “Đây là quỹ ngắn hạn đóng hàng năm. Người dân đóng bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, người không hưởng thì cho người khác hưởng. Việc kết dư đến giờ này 39.000 tỷ khiến hệ thống, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Việc điều chỉnh giá dịch vụ, mở rộng quyền hưởng là rất chính đáng, bảo vệ quyền lợi của người dân”.

Tiếp lời, bà Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, cần phải triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí không cần thiết để tránh vỡ quỹ, nhưng không cắt giảm các giá dịch vụ: “Chúng ta chỉ chăm chăm vào giảm chi của giá dịch vụ, giảm chi của giá thuốc. Đến bao giờ chúng ta mới có một nghiên cứu về chất lượng điều trị sẽ ảnh hưởng như thế nào khi sử dụng nguồn thuốc với giá như vậy.

Tôi đề nghị giảm chi còn nhiều cách, chúng ta phát triển công nghệ thông tin sẽ tiết kiệm được rất nhiều sức người. Tại sao không giảm chi trong chi phí quản lý? Trong khi đội ngũ bảo hiểm rất đông”.

Trình bày tại Hội thảo Cơ chế tài chính nhằm tăng cường tiếp cận các giải pháp công nghệ mới trong chăm sức khỏe của bà Nguyễn Thị Kim Phương – chuyên gia tài chính y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thì chi tiêu y tế từ tiền túi người dân Việt Nam cao do nhiều lý do, song quan trọng nhất cần xem lại việc sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế đã hợp lý chưa, mọi xét nghiệm được chỉ định có cần thiết không, ngày nằm viện có bị kéo dài quá không, bệnh nhân có bị cho nhiều thuốc hơn thực tế bệnh không?…

Cách đây 10 năm, mức bao phủ bảo hiểm y tế của Việt Nam chỉ 50%, và mức chi tiền túi khoảng 49%, nhưng hiện nay mức bao phủ đã đến 91%, đáng ra chi tiền túi của người dân phải giảm nhiều nhưng thực tế đang giảm rất chậm, thậm chí năm qua đã tăng nhẹ lên gần 45%.

Bà Phương cho rằng, quỹ bảo hiểm y tế của Việt Nam đang sử dụng chưa hợp lý, có tình trạng tiền ít nhưng tiêu hoang. Trước đây chi phí tiền thuốc chiếm đến 65%, giờ vẫn còn 37%, rồi tiền chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sinh hóa, nhiều bệnh đáng ra chỉ nằm viện 1-2 ngày nhưng giờ giữ lại 5-7 ngày. Đó là những chi phí khám chữa bệnh không cần thiết.

Tạm hình dung thế này, cứ 2 đồng chi ra cho y tế, thì có gần 1 đồng được trả từ tiền túi của người dân. Việc này gây nên những tổn thất về tài chính, khiến nhiều gia đình đang ở mức sống trên trung bình trở thành đói nghèo sau khi phải trả viện phí.


Tin bài liên quan:

VNTB – Cán bộ cấp ủy thủ đô sẽ học thật, thi thật?

Phan Thanh Hung

VNTB – Mô hình kinh tế của Đảng tương thích mô hình nào trên toàn cầu?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vạ miệng?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo