VNTB – Quyền biểu tình: Từ thế giới nhìn lại Việt Nam

Trần Thành (VNTB) – Luật số 101/SL-L-003, ngày 20-5-1957 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, quy định về quyền tự do hội họp của công dân, một trong những nội dung của quyền biểu tình. Như vậy, chúng ta đã từng có luật “tiếp cận khá gần” với quyền biểu tình.


Thế giới

Biểu tình là một trong những hình thức biểu hiện của quyền tự do ngôn luận và quyền tự do hội họp. Do đó, khi xem xét các quy định về quyền biểu tình trong hệ thống pháp luật của các quốc gia, người ta sẽ bắt gặp các quy định gián tiếp về quyền biểu tình thông qua các quy định về tự do ngôn luận, hay tự do hội họp.
Luật pháp Canada đã ghi nhận quyền này tại Điểm c Điều 2, Hiến chương về nhân quyền Canada. [www.laws.justice.ge.ca/en/charter/]
Điều 1 Tu chính thứ nhất (First Amendment) của Quốc hội Hoa Kỳ cũng công nhận những quyền này.
“Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo, hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và yêu cầu chính phủ sửa chữa những điều gây tranh chấp” [www.ala.org/alaorg/oif/first.cfm]
Luật pháp của Anh có những quy định cụ thể về biểu tình tại hai đạo luật, đó là Công đạo luật 1986 – Public Oder Act (POA 1986) [www.opsi.gov.uk/RevisedStatutes/Acts/ukpga/1986/cukpga_19860064_en_1], và Đạo luật các tội phạm nghiêm trọng có tổ chức và cảnh sát 2005 – Serious Organised Crime and Police Act 2005 (SOCPA 2005) [www.opsi.gov.uk/acts2005/ukpga_20050015_en_1]
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia theo hệ thống Luật dân sự (Civil Law) cũng ghi nhận quyền biểu tình trong các văn bản pháp luật của mình, đặc biệt là trong Hiến pháp.
Tại Điều 57, Hiến pháp của Ba Lan có đề cập tới quyền tự do hội họp của công dân [www.sejm.gov.pl/prawo/konst/angielski/konl.htm]
Điều 27, Hiến pháp của Cộng hòa Hồi giáo Iran: “Cuộc tụ họp công cộng và cuộc tuần hành có thể được tự do tổ chức, không được cung cấp vũ khí tiến hành, và rằng họ không gây phương hại đến các nguyên tắc cơ bản của đạo Hồi” [www.servat.unibe.ch/icl/ir00000_.html]
Điều 21, Hiến pháp của Nhật Bản, thì tự do hội họp, lập hội, ngôn luận, báo chí với tất cả các hình thức biểu hiện được đảm bảo.
Điều 14, Hiến pháp của Singapore cũng quy định về vấn đề này.
Cộng đồng Châu Âu còn ghi nhận quyền này trong công ước riêng của mình trong khuôn khổ các nước thành viên, như một lời cam kết về việc thực thi việc bảo vệ quyền cơ bản của công dân tại Điều 11, Công ước nhân quyền Châu Âu. [www.hri.org/docs/ECHR50.html]
Có thể nói, dù hình thức thể hiện có khác nhau, nhưng quyền biểu tình đều được các quốc gia trên thế giới ghi nhận là một trong các quyền cơ bản của công dân. Nhận thức sâu sắc điều đó và thấy được sự cần thiết phải hợp tác quốc tế, các quốc gia đã cùng ngồi lại với nhau, cùng đưa ra tuyên bố chung cam kết đảm bảo thực hiện các quyền này bằng bản Tuyên ngôn nhân quyền thế giới, và sau đó là Công ước về các quyền dân sự và chính trị (1966), cũng như các văn bản pháp luật quốc tế khác.
Việt Nam?
Hiện nay, tại Việt Nam quyền biểu tình vẫn chỉ mới được ghi nhận trong các văn bản Hiến pháp, chưa có một văn bản chính thức ghi nhận về vấn đề này.
Liên quan đến tụ tập đông người, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2005/NĐ-CP, trong đó có quy định “Việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với ủy ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó, và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký”. Đây chỉ là văn bản điều chỉnh việc tụ họp của công dân, một phần của hoạt động biểu tình, chứ không phải điều chỉnh toàn bộ hoạt động biểu tình.
Tham khảo luật pháp Việt Nam trước đây thì ở miền Bắc đã từng có luật liên quan đến biểu tình, đó là Luật số 101/SL-L-003, ngày 20-5-1957 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, quy định về quyền tự do hội họp của công dân, một trong những nội dung của quyền biểu tình. Như vậy, chúng ta đã từng có luật “tiếp cận khá gần” với quyền biểu tình.

Có thể thấy, nhà làm luật Việt Nam vẫn đang hết sức “thận trọng” trong vấn đề này. Tuy nhiên sự cẩn trọng đó không có nghĩa là quên đi quyền lợi mà người dân phải được hưởng.
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)