VNTB – Quyền cơ bản công dân đã Hiến định thì không thể hạn chế?

VNTB – Quyền cơ bản công dân đã Hiến định thì không thể hạn chế?

Song Minh

 

(VNTB) – Điều 25, Hiến pháp 2013 quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

 

Hiến định trên có nghĩa là người dân có quyền lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Nhưng đến nay, vẫn chưa có Luật về Hội và Luật Biểu tình.

Như vậy các văn bản dưới luật không được quy định về nghĩa vụ hoặc quy định hạn chế quyền của người dân. Theo cách hiểu đó thì khi chưa có Luật về Hội, Luật Biểu tình, thì đó là lỗi của Quốc hội, và không vì đó mà hạn chế các quyền Hiến định của người dân.

Đơn cử, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam được thành lập trên nguyên tắc của quyền công dân Hiến định ở Điều 25, tuy nhiên trình tự thành lập của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, lại chưa tuân thủ bộ thủ tục hành chính do cơ quan công quyền ban hành. Nếu quy kết lỗi ở đây, thì có thể xử phạt hành chính với yêu cầu tiến hành theo đúng trình tự thủ tục hành chính quy định về thành lập hội.

Tuy nhiên, trong bộ thủ tục hành chính ấy không được hạn chế quyền tự do lập hội của người dân, nếu không thì đó có thể là vi Hiến. Ví dụ như cơ quan nhà nước không được can thiệp ngay vào việc xem xét mục tiêu, lĩnh vực hoạt động, phê duyệt nhân sự và điều lệ hội, hạn chế nguồn tài trợ; hay thậm chí là đặt các hội không qua thủ tục cấp phép và đăng ký ra khỏi phạm vi điều chỉnh của pháp luật… Câu hỏi là căn nguyên của xu hướng hạn chế hay kiểm soát chặt chẽ đó liệu có chính đáng và hợp lý hay không?

Qua quan sát những nội dung về tiêu chí, điều lệ của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, được đăng tải công khai trên trang web Việt Nam Thời Báo, cho thấy hội nghề nghiệp này về bản chất là sự liên kết giữa của một cá nhân với người khác, để cùng nhau, hay phối hợp thực hiện các quyền dân sự của mình đã được pháp luật thừa nhận, với mục tiêu căn bản là hỗ trợ lẫn nhau hoặc hỗ trợ người khác, đặc biệt là các nhóm yếu thế, trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày mà không cần đến sự bao cấp hay can thiệp của Nhà nước.

Ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, là câu chuyện của nhóm những người hoạt động truyền thông như linh mục Lê Ngọc Thanh của kênh truyền thông thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, là của các nhà báo tự do từng làm việc ở các tòa soạn báo chí Nhà nước như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Đình Trọng, Huỳnh Ngọc Chênh, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Quốc Thái…

Nói một cách khác, về cơ bản, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam chia sẻ trách nhiệm của chính Nhà nước trong nghĩa vụ bảo đảm quyền tự do báo chí cho người dân.

Không chỉ vậy. Ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam còn cho thấy cả việc tương thân, tương ái san sẻ nhau trong đời sống kinh tế, đặc biệt là với những trường hợp đang lâm cảnh khốn khó khi người thân vướng vòng lao lý, hoặc có các vướng mắc về luật pháp. Khái niệm hội theo nghĩa rộng, bao hàm cả hội có mục đích kinh tế – ví dụ các hội doanh nghiệp, và các hội phi kinh tế và tổ chức phi lợi nhuận – ví dụ quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ, bởi đơn giản hai phạm trù này luôn luôn là các mảng khác nhau của đời sống xã hội.

Vậy, nếu không ủng hộ việc lập hội, phải chăng Đảng và Nhà nước không thừa nhận sự tồn tại của đời sống tự nhiên và bình thường? Vấn đề này còn có thể được coi là… vi Hiến.

Trong hoạt động hành pháp, không tuân thủ Hiến pháp được biểu hiện dưới hai hình thức chủ yếu: ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật có nội dung trái với Hiến pháp về các quyền cơ bản của người dân; và việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ không đúng nguyên tắc Hiến pháp, không đúng chức năng, thẩm quyền đã được Hiến pháp quy định.

Điều đó có nghĩa là khi chưa có Luật về Hội, Luật Biểu tình, thì đó là lỗi của Quốc hội, và không vì thế mà hạn chế các quyền Hiến định của người dân.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)