Cát Tường
(VNTB) – Việt Nam không có tù chính trị chỉ có người đi tỵ nạn chính trị
Hà Nội luôn nói rằng ở Việt Nam không có tù chính trị. Vậy thì nên hiểu ra sao về những trường hợp như Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Bắc Truyển,…?
Gần đây, các luật sư đã rời Việt Nam như các ông Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân, hay Võ An Đôn, liệu họ định cư ở xứ người theo căn cứ pháp lý ra sao?
Thực tế thì ngoài luật sư Võ An Đôn, với ba luật sư Đặng Đình Mạnh – Nguyễn Văn Miếng – Đào Kim Lân gần như đều tránh nhắc đến chuyện pháp lý nào đã bảo hộ cho các ông khi định cư tại Mỹ.
Người ta gọi đó là “tỵ nạn chính trị”.
Từ sau cách mạng tư sản Pháp, cư trú chính trị đã trở thành một chế định pháp lý được ghi nhận trong Điều 20 Hiến pháp của Pháp năm 1973: “Những người nước ngoài bị truy nã vì đấu tranh cho tự do, được quyền cư trú chính trị”, và đến nay đã được thừa nhận rộng rãi trong quan hệ quốc tế.
Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 đã nêu rõ: “Mỗi người đều có quyền tìm kiếm và được hưởng quy chế tị nạn tại nước khác, thoát khỏi sự săn đuổi”. Hay như trong Tuyên bố về quyền cư trú chính trị năm 1967: “Quyền cư trú chính trị cần được trao cho những người đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Các nước cần phải giúp đỡ những người này để họ có thể nhập cảnh, không trục xuất họ hoặc cưỡng bức họ trở về nước mà họ đang bị truy nã…”.
Bên cạnh đó, người nước ngoài đang cư trú chính trị được quốc gia sở tại bảo đảm về an ninh, cũng như cam kết không bị dẫn độ hoặc trục xuất về nước mà họ là công dân, hoặc nước mà họ đã cư trú trước khi được cư trú chính trị theo yêu cầu của các quốc gia này.
Ở Mỹ và các nước châu Âu, người tỵ nạn phải gửi gói tài liệu bao gồm bằng chứng về việc ở nước mình người tỵ nạn đã bị đàn áp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cụ thể, Luật Di trú Hoa Kỳ cho phép một số thành phần được đến Mỹ định cư theo diện tỵ nạn, nếu họ có những chứng cứ về việc sẽ bị bắt ở tù, hay lo sợ về việc sẽ bị bắt ở tù ở quốc gia nơi học là công dân, bao gồm những những lý do phổ biến sau đây: Sự phân biệt chủng tộc; Tự do tôn giáo; Dân tộc; Thành viên của các tổ chức xã hội, dân chủ; Bày tỏ quản điểm chính trị.
Thủ tục nộp đơn xin tỵ nạn có thể tóm tắt như sau về các trường hợp:
1 – Đối với những người đang Mỹ:
Những người đang ở Mỹ theo bất cứ diện visa nào, hợp pháp hay bất hợp pháp, nếu có những lý do chính đáng nên trên, thì có thể được nộp đơn xin tỵ nạn, và được cấp thẻ xanh để định cư tại Mỹ.
Lưu ý, để có thể được Sở Di trú chấp nhận cho tỵ nạn tại Mỹ, người xin tỵ nạn phải nộp hồ sơ (miễn phí) xin tỵ nạn trong vòng 01 năm kể từ ngày đặt chân đến Mỹ. Vợ/chồng, con độc thân dưới 21 tuổi của người xin tỵ nạn, nếu đang ở Mỹ, thì cũng được đứng chung đơn xin tỵ nạn, và có thể được cấp quy chế tỵ nạn để định cư tại Mỹ.
Người xin tỵ nạn khi đang ở Mỹ không được nộp đơn xin giấy phép làm việc cùng lúc với đơn xin tỵ nạn. Người xin tỵ nạn chỉ có thể nộp đơn xin giấy phép làm việc sau 150 ngày kể từ ngày nộp đơn xin tỵ nạn, và Sở Di trú vẫn chưa có trả lời nào về đơn xin tỵ nạn. Nếu đơn xin tỵ nạn được Sở Di trú chấp nhận, người xin tỵ nạn được quyền làm việc ngay sau đó như đối với người có giấy phép lao động.
Người xin tỵ nạn có thể được nộp đơn xin thẻ xanh sau thời gian 01 năm kể từ ngày đơn xin tỵ nạn được chấp nhận.
2 – Đối với những người hiện đang ở Việt Nam hoặc một quốc gia thứ ba khác (Thái Lan, …), thì ngoài những lý do trên, người xin tỵ nạn cần phải đáp ứng thêm các điều kiện sau đây: Thuộc các trường hợp vì lý do nhân đạo đặc biệt mà chính phủ Mỹ đang quan tâm; Không thuộc các trường hợp bị cấm nhập cảnh vào Mỹ; Trước đó không thuộc các thành phần đã hỗ trợ, tiến hành, giúp sức trong việc truy tố, xét xử, thì hành án phạt tù đối với những người xin tỵ nạn vì các lý do nên trên. Phải được đăng ký theo Chương trình Tỵ nạn của chính phủ Mỹ (USRAP) trước khi được nộp đơn xin tỵ nạn.
Vợ/ chồng, con độc thân dưới 21 tuổi, của người xin tỵ nạn cũng có thể được xem xét, giải quyết cho tái định cư tại Mỹ.
Lưu ý, theo quy định mới, người phối ngẫu đồng giới thông qua kết hôn (hôn nhân đồng tính) cũng được xem xét, giải quyết cho tái định cư tại Mỹ cùng với người xin tỵ nạn. Một số trường hợp người phối ngẫu đồng giới nhưng chưa kết hôn, vẫn được xem xét giải quyết cho tái định cư tại Mỹ. Việc nộp đơn xin tỵ nạn là miễn phí.
Người xin tỵ nạn trong trường hợp này được làm việc ngay sau khi đến Mỹ mà không cần phải xin giấy phép lao động. Người xin tỵ nạn trong trường hợp này có thể được nộp đơn xin thẻ xanh sau thời gian 01 năm kể từ ngày đến Mỹ.
Người xin tỵ nạn trong trường hợp này nếu muốn đi ra khỏi nước Mỹ, thì phải xin giấy phép du lịch dành cho người tỵ nạn trước chuyến đi để được phép nhập cảnh trở lại Mỹ. Nếu người tỵ nạn đi du lịch về Việt Nam, người tỵ nạn phải cung cấp lý do và giải thích làm cách nào mà có thể quay về Mỹ an toàn để được nhập cảnh trở lại Mỹ.