VNTB – Quyền cư trú chính trị

VNTB – Quyền cư trú chính trị

Thới Bình

(VNTB) – Chọn quyền cư trú chính trị ở một quốc gia ngoài Việt Nam thì đó cũng là điều bình thường

 

“Trước sự ngược đãi, mọi người đều có quyền tỵ nạn và tìm sự dung thân ở các quốc gia khác…”.

“Mọi người đều có quyền rời khỏi lãnh thổ nước nào, kể cả nước mình và quyền trở về xứ sở” – Điều 13 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948.

“Trước sự ngược đãi, mọi người đều có quyền tỵ nạn và tìm sự dung thân ở các quốc gia khác. Quyền này không được kể đến trong trường hợp bị truy nã thật sự vì các tội phạm không có tính chính trị, hay do những hành vi trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên hợp quốc” – Điều 14 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948.

Như vậy với những người tù đang thụ lý với các mức án tuyên như theo điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Bộ luật hình sự, về nguyên tắc họ đều có thể chọn quyền tỵ nạn đến một quốc gia khác từ căn cứ pháp lý của Luật đặc xá.

Theo luật này, tại điều 4.3 thì nguyên tắc đặc xá là, “Bảo đảm yêu cầu về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.

“Điều 5. Thời điểm đặc xá

1. Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.

2. Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 Điều này”.

Theo định nghĩa của Luật đặc xá, thì “Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt”.

Như vậy, với những người tù đang thụ án vì lý do bất đồng chính trị qua cáo buộc từ điều luật hình sự 117 như các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn; hay vụ án của Hội Anh em dân chủ, theo điều luật hình sự 79 (Bộ luật hình sự 1999) về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, về nguyên tắc nếu những người tù này đồng ý chọn “quyền cư trú chính trị” thì rất có thể họ sẽ được nhà chức trách Việt Nam đáp ứng khi có quốc gia đồng ý đón nhận.

Trên truyền thông, báo chí nhà nước luôn một mực rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định quyền con người là giá trị chung của nhân loại: “Quyền con người là thành quả cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên, qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại” (tham khảo Chỉ thị 12 – CT/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng ngày 12-7-1992).

Báo chí nhà nước cũng đưa ra lập luận rằng nội hàm quyền con người luôn được phát triển và bổ sung bằng những giá trị mới theo tiến trình phát triển của lịch sử loài người.

Theo đó, trong điều kiện hiện nay, quyền bao gồm cả quyền phát triển của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, quyền được sống trong môi trường lành mạnh, được sống trong hòa bình, an ninh. Đảng không tách rời việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam bằng Nhà nước và hệ thống pháp luật với việc đảm bảo những giá trị về quyền con người đã được pháp luật quốc tế quy định: “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người; tôn trọng và lợi ích hợp pháp của mọi người; tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”

(Tham khảo, Đảng Cộng sản Việt Nam, 2001, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 134).

Như vậy có thể nhìn nhận rằng giả dụ như mai này lại có nhiều tù nhân đang thụ án theo cáo buộc ở điều luật hình sự 117, 109 (tức điều luật 79, Bộ luật hình sự 1999) chọn quyền cư trú chính trị ở một quốc gia ngoài Việt Nam thì đó cũng là điều bình thường, bởi dẫu sao ngay cả lãnh tụ của Đảng cũng từng than vãn trong thi phẩm “Cảnh binh đảm trư đồng hành”, rằng: “Thế thượng thiên tân hoà vạn khổ,/ Mạc như thất khước tự do quyền” – tạm dịch: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng,/ Không gì cay đắng bằng mất quyền tự do” (Trích tập thơ Ngục trung Nhật ký, Hồ Chí Minh).


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)