VNTB – “Quyền” của người bệnh ở Việt Nam!?

VNTB – “Quyền” của người bệnh ở Việt Nam!?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Một vị bác sĩ ngoại thần kinh của bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn tâm sự với bè bạn trong dịp ông tu nghiệp ở nước ngoài rằng, “Việt Nam mở cửa. Chúng tôi ra nước ngoài học tập. Chỉ khi đó tôi mới được lĩnh hội khái niệm ‘quyền của người bệnh’. Thì ra, mạng sống và sức khỏe con người quan trọng hơn mọi thứ tiền bạc”.

Ông bác sĩ đó tên Võ Xuân Sơn.

Chuyện bên xứ người

Ông bác sĩ này kể rằng trong chuyến thăm Đại học Michigan, Mỹ, ông đã được giáo sư La Marca đưa đến thăm một bệnh viện. Khi đó, ông gặp một ca mổ não có biến chứng, chi phí khoảng một triệu Mỹ kim. Đó là bệnh nhân vô gia cư, chính phủ Hoa Kỳ trả chi phí cho bệnh viện.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn hỏi giáo sư La Marca về những thủ tục mà các bác sĩ chỗ ông phải làm cho ca bệnh này, thì nhận được câu trả lời: “Các bác sĩ không phải làm gì cả. Bộ phận thư ký sẽ lo việc đấy”. Và vị giáo sư của Đại học Michigan đã ngạc nhiên khi một bác sĩ ở Việt Nam lại thắc mắc điều quá đỗi bình thường đó.

Theo vị giáo sư Mỹ, một bác sĩ với lương vài trăm USD một giờ không nên làm ba cái việc giấy tờ. Và ngay cả cô thư ký với mức lương 20 USD mỗi giờ thì cũng cần phải giản tiện bớt thủ tục, để bệnh viện không phải tốn quá nhiều tiền trả lương.

Và tôi cũng đã tìm được câu trả lời cho băn khoăn thứ hai. Ở bất kỳ đất nước nào, nhất là các nước đi trước Việt Nam, nhà nước luôn phải tìm cách bảo đảm cho người nghèo được khám chữa bệnh. Tỷ lệ ngân sách chi cho sức khỏe rất lớn, GDP của họ cũng lớn hơn Việt Nam nhiều, nên ngân sách chi cho y tế lớn hơn rất nhiều. Họ vẫn luôn tìm cách để gia tăng phần ngân sách cho người nghèo”, Bác sĩ Võ Xuân Sơn chia sẻ.

Nguồn cơn của chia sẻ đầy tâm trạng như trên là chuyện một số bệnh viện tại thành phố nơi bác sĩ Võ Xuân Sơn làm việc, hiện đã xài hết dự toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nên họ đang hoạt động cầm chừng chờ… hết năm 2019, dẫn đến việc, người bệnh bị chuyển “lòng vòng” hoặc được “khất”… đến năm sau. Những năm trước đó cũng tình trạng như vậy.

Chuyện cứ như đùa ở thành phố Hồ Chí Minh

Gọi là thành phố Hồ Chí Minh vì ở Sài Gòn hồi trước, người nghèo được chữa bệnh hoàn toàn miễn phí.

Một đồng nghiệp của ông Võ Xuân Sơn, đang làm việc tại Viện Tim phân trần là bệnh nhân đông và nặng, nên bệnh viện đã xài hết quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bệnh nhân có thể trì hoãn được thì trì hoãn, còn những bệnh nặng cần giải quyết thì vẫn phải mổ, sau đó sẽ xin bổ sung tiền sau”, ông bác sĩ này nói.

Cũng vì lý do cạn quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nên hiện nay đáng lo là bệnh nhân vào viện thì các bệnh viện phải chuyển viện. Hồi tháng 11/2019, xảy ra một bệnh nhân bị trọng thương cánh tay phải chuyển lòng vòng qua 2 bệnh viện, cuối cùng đến bệnh viện Nhân dân 115 mới được phẫu thuật, mặc dù các bệnh viện trước đều thực hiện được kỹ thuật này.

Ở Việt Nam, có quy định gọi là ‘giao dự toán để chi cho hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế’. Bệnh viện nào vì chữa trị giỏi nên thu hút bệnh nhân tìm đến, dẫn tới xài thâm vào dự toán được giao này, thì phải tự bỏ tiền túi của bệnh viện đó ra bù đắp vào.

Nói có sách, mách có chứng. Năm 2019, thành phố Hồ Chí Minh được Chính phủ giao dự toán 18.190 tỉ đồng để chi cho hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Các bệnh viện được giao dự toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế dựa trên chi phí năm 2018 và một số yếu tố khác. Tuy nhiên theo ghi nhận từ báo chí, thì mới 6 tháng đầu năm 2019, nhiều bệnh viện đã chi quá 50% dự toán của cả năm; và đến tháng 9,10 thì nhiều bệnh viện đã “cạn” số tiền được giao.

Quyền của người bệnh tại Việt Nam?

Xin ghi ra đây những ta thán của người dân đang khỏe mạnh, về thời sự người bệnh bị chuyển lòng vòng hoặc được khất… đến năm sau vì cạn quỹ khám bệnh bảo hiểm y tế.

Người dân đóng bảo hiểm y tế các ngài thu không thiếu 1 đồng, đến khi dân đi khám các ngài lại trì hoãn, bệnh mà các ngài xem như sửa máy móc…”.

Trường học thiếu, hạ tầng giao thông kém, bệnh viện cứu người thì không có tiền.. Vậy mà lãnh đạo thành phố lại đòi xây nhà hát giao hưởng, quảng trường…cả ngàn tỉ… Thiệt không hiểu nổi”.

Mấy ông mấy bà nói đúng tuyến vượt tuyến hả, mấy ông mấy bà khi có bệnh thì thử nằm ở bệnh viện đa khoa của tỉnh coi, tôi nói của tỉnh đó, chớ chưa nói ở huyện đâu, nằm ở đó mà chờ chết hả?”

Bệnh trị không được mà không cho chuyển lên trên là sao? Thí dụ như ở Đồng Tháp đi, bệnh nặng, bác sĩ không dám mổ, mà tư vấn nên lên thành phố mổ, nhưng không cho chuyển viện theo chế độ bảo hiểm y tế, bắt dân è cổ ra chịu.”

Mấy ông mấy bà thử nghĩ lên Sài Gòn thì tiền là tiền, trong khi đó dân bỏ tiền ra mua bảo hiểm y tế, vận động khuyến khích dân mua bảo hiểm y tế, mà vậy hả??? Đề nghị đảng – nhà nước bỏ qui định đúng tuyến, trật tuyến, sai tuyến gì gì đi, người nào có bảo hiểm y tế thì người ta có quyền chọn cơ sở y tế để khám chữa bệnh bất cứ nơi nào trên đất nước này, kể cả cơ sở của tư nhân, nếu có phép hoạt động.”

Còn bác sĩ nào, cơ sở nào làm bậy, đục khoét, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế thì bỏ tù, bồi thường thẳng tay. Vậy thôi, đừng có đùa giỡn với sức khỏe tính mạng của con người mấy ông bà ơi!”

Tiền và sức khỏe

Trở lại với ông bác sĩ Võ Xuân Sơn cùng biện giải của ông về câu chuyện tiền và sức khỏe ở Việt Nam.

Người ta định ra một tỷ lệ phần trăm lương của người lao động, và quyết định thu bảo hiểm y tế theo tỉ lệ đó. Không ai có thể trả lời chính xác cơ sở khoa học cho việc chi 4,5% hoặc 2% lương cho bảo hiểm y tế. Tỉ lệ đó được xây dựng hoàn toàn cảm tính.

Tôi biết sẽ có người phản biện, rằng con số 4,5% hay 2% kia không phải cảm tính, vì lương là bây nhiêu, các nhu cầu khác là bây nhiêu, nên chỉ còn lại bây nhiêu cho y tế. Thế thì còn tệ hơn, sức khỏe đã bị xếp xuống dưới. Thì ra, có nhiều thứ khác được ưu tiên hơn so với sức khỏe.

Nếu nói sức khỏe là thứ quí giá nhất, thì chi phí cho sức khỏe phải là lớn nhất, phải được quan tâm hàng đầu. Và như vậy, tỉ trọng chi dành cho sức khỏe phải là đầu tiên, còn lại bao nhiêu mới chia cho các nhu cầu khác. Ở các nước tiên tiến, tỉ lệ thu nhập dành cho sức khỏe nhiều hơn cái 4,5% kia khá nhiều. Ở Việt Nam, mức thu nhập thấp hơn, lẽ ra, tỉ lệ thu nhập dành cho y tế phải lớn hơn mới là hợp lý.

Do sức khỏe không được coi là quí giá như người ta vẫn thường nói, nên mới có chuyện bảo hiểm y tế quyết định cả việc bác sĩ phải khám bệnh ra sao, chỉ được làm cái gì, phải cho thuốc như thế nào, và quyết định luôn thuốc gì được xài, thuốc gì không. Vì chỉ có bấy nhiêu tiền mà thôi”.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn cũng nhấn rõ: “Và tôi muốn nhắc lại rằng, nhân viên y tế học làm nghề để kiếm sống. Họ không học nghề để làm từ thiện. Trách nhiệm của nhà nước là phải làm sao cho nhân viên y tế được chăm lo tốt về đời sống, và có một môi trường làm việc đủ để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ”.

Xem ra gút mắc lớn nhất của toàn bộ câu chuyện kể trên, là khả năng quản trị quốc gia của cụm từ quen thuộc “mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)