Phạm Lê Đoan
(VNTB) – Công nhân giờ không còn là lực lượng để Đảng Cộng sản ve vuốt nữa…
“Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” – trích Điều 4.1, Hiến pháp 2013.
Nếu hiến định trên được tôn trọng thì có lẽ người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại phải chia sẻ với giai cấp công nhân đang ngày càng bị các chính sách pháp luật vắt cho kiệt sức.
Quyền được nghỉ hưu, nhận lương hưu đủ để có mức sống tối thiểu là một dẫn chứng.
Quan sát việc người lao động thất nghiệp phải khổ sở thức đêm hôm chầu chực trước cổng các trụ sở bảo hiểm xã hội quận, huyện trong chờ đợi đến lượt mình làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần, người ta sẽ nhận ra rất rõ rằng giờ đây Đảng đã đánh mất vai trò “Đội tiên phong của giai cấp công nhân” mất rồi.
Cụ thể hơn, Tổng bí thư Đảng cần thấu hiểu người lao động phải chọn rút một lần, đó là do họ không chờ đợi được đến tuổi nghỉ hưu. Để người lao động không rút một lần thì nên bỏ quy định tuổi nghỉ hưu trong chuyện hưởng bảo hiểm xã hội, thay vào đó là quy định số năm đóng bảo hiểm xã hội để được lãnh lương hưu.
Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng lâu, đóng ít hưởng ngắn. Người lao động tự quyết định. Đóng bao nhiêu %, bao nhiêu năm được lãnh lương hưu, lãnh bao nhiêu % trong bao nhiêu năm thì bảo hiểm xã hội nghiên cứu thiết kế trên cơ sở nghiên cứu – khảo sát khoa học độc lập.
“Cứ đóng đủ năm là hưởng hưu, không nên quy định 60 hay 62 tuổi. Một người 18 tuổi đi làm và bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội. Đến 53 tuổi đã đủ 35 năm đóng, và phải ngồi chờ 9 năm nữa mới được hưởng hưu (75%), thật sự không ai mong muốn điều này. Với người lao động ở khu công nghiệp thì tới tuổi đó có còn sống mà hưởng hưu?” – một nhà báo từng chuyên trách mảng công đoàn, hiện đã nghỉ hưu, đặt vấn đề.
Theo vị nhà báo này, với người lao động bình thường, 62 tuổi về hưu thì có thể làm đủ 35 năm, người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại 57 tuổi về hưu thì mấy ai đủ 35 năm công tác. Về hưu sớm do công việc và sức khỏe, thiếu năm công tác lại bị trừ 2%/năm nên lương hưu thấp.
Trong dự thảo sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội đang đưa ra lấy ý kiến, có một nội dung thiếu sòng phẳng: Phía soạn thảo đưa ra đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để có lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, và giải thích đó là tạo điều kiện cho người đóng bảo hiểm xã hội trễ, muộn có lương hưu…
Tuy nhiên phía soạn thảo không đặt luôn vấn đề là nếu đã như vậy thì với người đóng bảo hiểm xã hội sớm, đóng dư 35 năm sẽ được tạo điều kiện nghỉ sớm để lãnh lương hưu.
Đằng này, phía soạn thảo công bằng ở chỗ nào khi người đóng muộn thì được tạo điều kiện, còn người đóng sớm thì lại không được tạo điều kiện? Chưa kể trước đây phải đóng 20 năm mới được 45% lương hưu, giờ đóng 16 năm thì được 47% lương hưu.
Một thắc mắc khác là tại sao phía quản lý nhà nước đã kéo dài tuổi nghỉ hưu với nam lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi xong rồi lại khuyến khích người lao động nghỉ hưu sớm, nghỉ hưu trước tuổi sẽ được một số tiền… Với lao động trong cơ quan nhà nước, rõ ràng đã làm mất thêm một phần ngân sách cho sự khuyến khích nghỉ sớm này.
Một tin tức liên quan là với lý do nhằm hạn chế người lao động rút bảo hiểm một lần đang có xu hướng tăng, phía cơ quan quản lý chuyên trách là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có đề xuất người lao động được hưởng tối đa 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Cái đáng lo đầy “vĩ mô” của đề xuất rất thời sự của chuyện đối phó ấy, đó là cách nghĩ “nhiều phần hồn nhiên” từ các quan chức nhân danh quyền lực của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Gọi là “hồn nhiên” cho nhẹ nhàng, bởi phần lớn những trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần là do mất việc làm. Còn khi vẫn có công ăn, việc làm, không ai nhận bảo hiểm xã hội một lần. Do đó, giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần là phải có giải pháp duy trì việc làm bền vững. Chất lượng việc làm là quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người lao động lúc khó khăn… Còn kiểu mệnh lệnh hành chánh giảm 50%, cầm chắc khó ngăn được làn sóng người lao động rút bảo hiểm một lần; và người ta cũng sẽ củng cố thêm ngờ vực chuyện đóng bảo hiểm xã hội dường như là hình thức bóc lột kiểu nhà nước cộng sản.