Nguyễn Trần
(VNTB) – Quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội được bảo đảm bởi nghĩa vụ của cơ quan, người tiến hành tố tụng.
Chính vì vậy, bảo đảm xét xử bởi tòa án độc lập, khách quan và được thành lập theo luật chính là bảo đảm cho người bị buộc tội được xét xử công bằng.
Nguyên tắc chung là để có thể xét xử độc lập, khách quan thì đòi hỏi hoạt động xét xử của tòa án không bị phụ thuộc, không bị tác động bởi bất cứ chủ thể nào; thông qua phiên tòa, tòa án kiểm tra, đánh giá chứng cứ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa…. và đưa ra bản án, quyết định đúng pháp luật.
Thẩm phán và hội thẩm khi xét xử người bị buộc tội không chịu sự chỉ đạo của lãnh đạo tòa án hay tòa án cấp trên; không bị phụ thuộc vào kết luận điều tra và cáo trạng (có quyền có quan điểm và kết luận khác với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát); các thành viên trong Hội đồng xét xử cũng độc lập với nhau, ý kiến biểu quyết của hội thẩm có giá trị như của thẩm phán.
Ở Việt Nam thì quyền được xét xử công bằng chưa được đảm bảo bởi ít nhất là các lý do như sau:
Thứ nhất, quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội không được bảo đảm, khi quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về Tòa án.
Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, trách nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”.
Điều 34 Bộ luật Tố tụng hình sự xác định, cơ quan tiến hành tố tụng gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Quy định này không phù hợp với chức năng xét xử của tòa án được Hiến pháp quy định.
Khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.
Là cơ quan thực hiện chức năng xét xử, Tòa án không có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Tòa án chỉ có nghĩa vụ chứng minh cho quyết định của mình: chấp nhận lời buộc tội (nếu phán quyết của tòa án là có tội) hoặc bác bỏ lời buộc tội (trong trường hợp tòa án tuyên vô tội).
Quy định trên của Bộ luật Tố tụng hình sự gây ảnh hưởng đến hoạt động xét xử độc lập, khách quan của tòa án. Ngoài ra, xét ở góc độ thực tiễn, trong phiên tòa xét xử, thông thường thẩm phán đặt câu hỏi theo hướng chứng minh lỗi của bị cáo hoặc ngược lại.
Việc quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc trách nhiệm của Tòa án đã làm cho hoạt động xét xử của Tòa án không còn mang tính khách quan, ảnh hưởng đến quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội.
Thứ hai, nhiệm kỳ của Thẩm phán.
Hiện nay, theo quy định của Điều 74 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.
Việc giới hạn nhiệm kỳ dẫn đến tâm lý của thẩm phán không yên tâm khi làm việc. Đặc biệt là khoảng thời gian gần bổ nhiệm lại, thẩm phán dễ bị sự tác động từ các yếu tố bên ngoài. Đây là một trong những nguyên nhân làm nguyên tắc tòa án xét xử độc lập, khách quan bị ảnh hưởng.
Thứ ba, quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội không được bảo đảm, khi giữa thẩm phán và hội thẩm nhân dân chưa độc lập trong hoạt động xét xử. Xin được nêu một vài trường hợp:
Một. Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án hình sự thường thụ động, nhường quyền chủ động cho các thẩm phán. Điều này làm mất tính “ngang bằng” và “độc lập” của hội thẩm nhân dân theo luật định.
Hai. Hội thẩm nhân dân không bị ràng buộc về tổ chức, tái bổ nhiệm, thi đua khen thưởng và các lợi ích khác như các thẩm phán, thêm vào đó là chế độ thù lao thấp nên khó khuyến khích Hội thẩm nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động xét xử.