Triệu Tử Long
(VNTB) – Quyền lập hội là của Đảng, vì yếu tố chính trị của Đảng là yêu cầu xuyên suốt của Quy chế 118.
Cụ thể hóa quyền lập hội của công dân?
Quyết định số 118-QĐ/TW ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương (Quy chế) mà Thường trực Ban Bí thư – bà Trương Thị Mai vừa ký ban hành, đó là chuyện “quyền lập hội của Đảng”, vì yếu tố chính trị của Đảng là yêu cầu xuyên suốt của Quy chế.
Nếu là hội của dân, thì vấn đề chính sẽ là “ý chí – nguyện vọng” của người dân không chịu sự giới hạn nào về quyền chính trị, mà chỉ tuân thủ theo hành lang pháp luật hiện hành.
Để tránh bị quy chụp về điều luật hình sự số 117 hay 331, bài viết này xin nhấn rõ từ đầu là các viện dẫn thuần cách hiểu của giáo trình trường luật; và những góp ý đều trên tinh thần theo Hiến định tại điều 28.1 “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”.
Trước hết, khái niệm “hội” (association) được định nghĩa từ điển là sự liên kết nhiều người vì một lợi ích chung (union des personnes dans un interet commun); hay là một nhóm người công khai liên kết vì một mục đích đặc biệt (an official group of people who have joined together for a particular purpose).
Như vậy khái niệm “hội” cần được hiểu một cách đơn giản đó là sự liên kết một số người vì công việc hoặc mục đích, lợi ích chung nào đó. Tuy nhiên, pháp luật của hầu hết các nước đều không thừa nhận một tổ chức là hội nếu tổ chức đó được thành lập vì mục đích kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận.
Nếu các cá nhân liên kết với nhau vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận thì tạo ra tổ chức kinh tế là doanh nghiệp, công ty và hoạt động theo luật doanh nghiệp, luật thương mại. Hơn nữa, hội không những là tổ chức phi lợi nhuận mà còn là tổ chức phi nhà nước mang tính tự nguyện, tự quản và tự trang trải kinh phí hoạt động.
Quyền lập hội là quyền cơ bản của con người và công dân, quyền này còn được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ coi là một phần cơ bản của quyền tự do ngôn luận, vì trong nhiều trường hợp, người ta chỉ thực hiện quyền này có hiệu quả khi kết hợp với người khác.
Điều 18 Hiến pháp Italia năm 1947 quy định: “Công dân có quyền tự do lập hội không cần sự cấp phép nào miễn là mục đích thành lập hội không bị cấm trong pháp luật hình sự”. Luật về Hội của Ba Lan năm 1989 quy định: “Hội là sự liên kết tự nguyện, tự quản, bền vững và không vì mục đích lợi nhuận”.
Các nội dung trên đều chung quan điểm rằng quyền tự do lập hội (Freedom of Association) là quyền cơ bản của con người chứ không phải riêng của công dân.
Điều 20 Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền năm 1948 đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình”. Điều 22 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 cũng quy định: “Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”.
Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1982, vì vậy cần phải nội luật hóa quy định này chẳng hạn như trong dự án luật về hội bằng cách quy định rõ: “Mọi người đều có quyền lập hội, trừ những người bị mất năng lực hành vi pháp luật do bị bệnh tâm thần hoặc do phạm tội hình sự”.
Để có thể “nội luật hóa”, cần tu chỉnh điều 25 của Hiến pháp năm 2013, vì điều luật Hiến pháp này hiện chỉ quy định “công dân” chứ không phải “mọi người” có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình – Bởi pháp luật tồn tại vì con người chứ không phải con người tồn tại vì pháp luật, nên khi đời sống và nhận thức của con người đổi mới thì pháp luật cũng cần phải đổi mới để không bị lạc hậu.
_____________
Tham khảo:
– Dictionnaire encyclopédique de la langue française, édition ALPHA, 2004, p. 83.
– Oxford advanced learner’s Dictionary, Oxford University Press, 2000, p. 62.