VNTB – Quyền tự do công đoàn tách biệt với quyền chính trị?

VNTB – Quyền tự do công đoàn tách biệt với quyền chính trị?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Trang Việt Nam Thời Báo có đặt vấn đề “Luật công đoàn ở Việt Nam dự tính sửa đổi ra sao?”, theo đó, dường như có sự tách biệt về quyền tự do công đoàn với quyền công dân về chính trị?

 

Bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn số 12/2012/QH13, thấy ghi nội dung có nguyên văn thế này:

“Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

“Điều 1. Công đoàn

Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Phần chữ in nghiêng trong nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 1 là được phía soạn thảo dự luật phân biệt như một giới hạn về quyền của tổ chức công đoàn. Điều này cho thấy phù hợp với địa vị pháp lý tương lai khi dự luật sửa đổi này được Quốc hội phê chuẩn.

Điều 1, Luật Công đoàn hiện hành:

“Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

So sánh những dòng in nghiêng của nhóm soạn thảo dự luật, và những dòng in đậm mà người viết muốn lưu ý, cho thấy có giới hạn về quyền công đoàn với quyền công dân về chính trị.

Thứ nhất, tổ chức công đoàn sắp tới đây sẽ không còn là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, do vậy sẽ không còn phải chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Quy định này được nhìn nhận là phù hợp tại Điều 10, Hiến pháp 2013:

“Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tuy nhiên điều luật dự thảo và cả điều thứ 10 của Hiến pháp, lại mâu thuẫn với Điều 4.1, Hiến pháp, khi điều 4.1 nói rằng giai cấp công nhân phải tuân thủ nền tảng ý thức hệ của Đảng Cộng sản:

“Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Thứ hai, tổ chức công đoàn sắp tới đây sẽ chịu giới hạn về quyền chính trị, khi chỉ được phép “tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động”.

Thế nhưng nếu căn cứ vào Hiến định tại Điều 28.1 “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”, cho thấy cùng với Hiến định ở Điều 25 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”, thì giới hạn ở đây là khi công dân nhân danh một tổ chức công đoàn nào đó để “tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”, thì lại là điều không được phép.

Nôm na, thời gian sắp tới, không có một tổ chức công đoàn nào được quyền lên tiếng yêu cầu Đảng và Nhà nước phải tự tin để thực hiện việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Tổ chức công đoàn cũng không được quyền yêu cầu việc phải thực hiện việc phổ thông đầu phiếu khi bầu cử cho nhân sự ở nhiệm kỳ mới của Đảng và Quốc hội…

Ở đây có một khó hiểu khi nhóm soạn thảo tiếp tục khẳng định vị thế, “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện”. Vậy thì phải chăng một khi công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội, nhưng lại không là thành viên của hệ thống chính trị ở Việt Nam, thì phải chăng đó sẽ là một đảng chính trị khác dành riêng cho người lao động?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)