VNTB – Quyền tự do dân chủ của công dân: góp ý thẳng thừng dễ đối mặt tù tội?

VNTB – Quyền tự do dân chủ của công dân: góp ý thẳng thừng dễ đối mặt tù tội?

Hiền Lương

(VNTB) – Quyền tự do dân chủ của công dân ở Việt Nam là phải theo khuôn khổ định hướng chính trị do đảng cầm quyền đặt để?

Bàn luận về quyền tự do dân chủ ở Việt Nam, cho đến nay vẫn là nhạy cảm, dễ bị chụp chiếc mũ hình sự hóa. Với sự dè dặt đó, người viết xin được ghi nhận ý kiến từ một số trí thức đảng viên về vấn đề dân chủ.

Trước hết, đó là những hạn chế cơ bản về bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân ở Việt Nam, như: Các quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân được Hiến pháp ghi nhận, song vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ để đảm bảo thực hiện trên thực tế;

Pháp luật về chế độ bảo hộ của Nhà nước đối với các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nói chung, nhất là bảo hộ các quyền của công dân trước các cơ quan tư pháp nói riêng, vẫn chưa được bảo đảm; Pháp luật về thủ tục thực hiện các quyền công dân còn nặng quản lý của Nhà nước, tạo khó khăn cho công dân thực hiện quyền nhất là thực hiện các quyền trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, dân sự;…

Một trong những biện pháp cụ thể được nhấn mạnh là cần đổi mới tư duy về dân chủ. Không thể đổi mới thực sự, và thực hiện một cách thực chất tư duy pháp lý mới về nhân quyền, nếu không đổi mới tư duy về dân chủ.

Một trong những yêu cầu đổi mới tư duy về dân chủ là tạo ra các diễn đàn cho người dân và cán bộ bày tỏ quan điểm, cùng đóng góp ý kiến giải quyết các vấn đề đặt ra của đất nước, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền.

Đơn cử, việc thành lập nhóm xã hội dân sự có tên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, sở dĩ không thể tuân thủ pháp luật về thủ tục hành chính, vì bộ thủ tục này giới hạn về quyền thành lập hội được quy định tại Điều 25, Hiến pháp 2013.

Trên thực tế, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là một tập họp những công dân cùng chung về lựa chọn thể loại báo chí để làm kênh phản biện – đối thoại với các nhà hoạch định chính sách. Đây cũng là câu chuyện về quyền giám sát của cơ quan dân cử, của công dân được biểu hiện dưới hình thức nhóm xã hội dân sự thành lập công khai, tên tuổi cụ thể và các ý kiến bày tỏ bằng quyến Hiến định về quyền tự do biểu đạt của công dân.

Trong lãnh vực chính trị, có thể nhận thấy quyền bình đẳng trước pháp luật vẫn còn là vấn đề tiếp tục bàn luận về yếu tố “tự do – dân chủ”.

Đơn cử, Bộ luật Tố tụng dân sự chưa có tiêu chí cụ thể, dẫn đến sự tùy tiện của Tòa án trong việc cho phép hoặc không cho phép tham gia đại diện hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Còn với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, nhìn chung lại chưa thể hiện được các lĩnh vực mà người dân được bình đẳng trước pháp luật quy định trong Hiến pháp năm 2013. Đối với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, rõ ràng là chưa thể hiện được tinh thần của Hiến pháp 2013 về việc không phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đáng chú ý là cho đến nay Việt Nam tiếp tục chần chừ ban hành Luật Biểu tình, quy định về quyền biểu tình. Do vậy, trên thực tế việc xử lý hành chính hoặc truy tố hình sự những hành vi này được vận dụng quy định về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Những dẫn chứng cho nhận xét trên, đó là từ các phiên tòa hình sự xét xử liên quan đến nhóm tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ…”.

Như vậy, từ một số ghi nhận ở trên, cho thấy rất cần đến việc bảo đảm sự tương thích giữa các quy định của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, thể hiện sự tôn trọng cam kết quốc tế của Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai việc thực hiện các điều ước quốc tế trong thực tiễn.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)