Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quyền tự ứng cử theo Hiến định và quyền ‘tranh cử’ trên thực tế

Hiền Lương

(VNTB) – Tổng thống Hoa Kỳ J. Jefferson từng nói: “Nếu cho tôi chọn giữa Nhà nước thiếu báo chí và báo chí thiếu Nhà nước, tôi sẽ nghiêng về vế thứ hai”.

 

Đối diện những quy chụp chính trị

Trong loạt bài chủ đề “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”: Cảnh giác với những chiêu trò phá hoại bầu cử” của báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, từng đưa ra lập luận như sau (trích):

Trên nhiều trang mạng xã hội, hiện có không ít người tự ứng cử đã tung lên các bài viết dưới danh nghĩa “tự vận động ứng cử qua mạng”, “cương lĩnh tranh cử” để tuyên truyền nội dung trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Chẳng hạn trường hợp một trí thức đã có nhiều hoạt động phối hợp với các tổ chức nước ngoài chống Đảng, Nhà nước không giấu giếm trong bài viết của mình về tự ứng cử rằng: “Đây là một trò chơi hoàn toàn hợp pháp… Họ càng tìm cách cản trở, quấy nhiễu hay bắt bớ chúng ta thì càng chứng minh không dân chủ và họ càng thua đậm”.

Một blogger từng tham gia phiên điều trần tại Mỹ xuyên tạc tình hình Việt Nam thì kích động: “Có những cơ hội có thể có ích, còn việc dập tắt những tiếng nói khác sẽ gây hại nhiều hơn”.

Như vậy, mục đích chính của họ là xuyên tạc chế độ dân chủ trong bầu cử để kêu gọi sự hậu thuẫn từ bên ngoài. Một luật sư trẻ khác thì nhiều lần đăng đàn trả lời một trang mạng xã hội về việc tự ứng cử nhưng đều lắt léo đề cập vấn đề xóa bỏ điều 4 của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng bằng cách nếu trúng cử sẽ đệ trình một bản Hiến pháp mới gắn với một thể chế mới.

Một người khác là nhà văn ứng cử với tuyên bố: “Vào Quốc hội để vận động xóa bỏ cái đuôi XHCN”.

Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, kết luận: “Họ quên mất rằng, mỗi quốc gia có một thể chế chính trị khác nhau và ở Việt Nam, việc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước và xã hội không làm người dân bị tước đoạt các quyền chính trị, trong đó có quyền bầu cử, ứng cử tự do. Ngược lại, sự lãnh đạo ấy càng làm cho quá trình bầu cử nói riêng được tập trung, dân chủ hơn, đạt chất lượng tốt hơn”.

Ý kiến của người trong cuộc

Tránh bị quy chụp chính trị về nội dung bài viết có ý chống phá Đảng, ghi nhận ở đây là tiếng nói của người trong cuộc.

Với kinh nghiệm ba khoá liên tục là đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ những trải nghiệm và suy nghĩ của mình về vấn đề vận động bầu cử và chương trình hành động của các ứng cử viên trên “đường đua” vào Quốc hội.

Ông Dương Trung Quốc khéo léo nhìn nhận thực tế đây đó vẫn còn tiếng nói phân biệt người tự ứng cử và người được giới thiệu. “Đó là điều khó tránh, vì “quan điểm chính thống” là một thực tế trong đời sống xã hội hiện nay. Ví dụ như tôi là ứng cử viên được giới thiệu đại diện cho một tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Nhiều ứng cử viên khác cũng là đại diện cho một tổ chức nào đó.

Còn đối với những người tự ứng cử thì họ dựa vào đâu? Rõ ràng đó là khó khăn của họ và gần như họ phải tự mình xoay xở. Vấn đề này phải có quá trình, và trong quá trình hiện nay tôi nghĩ rằng những người tự ứng cử phải đặt mình vào hoàn cảnh chung. Lúc này so sánh bầu cử của ta với các nước thì hơi khó, vì chúng ta có đặc thù thể chế chính trị một Đảng lãnh đạo”.

– Đồng ý là có những đặc thù, nhưng cũng có những giá trị chung mà ta có thể nghiên cứu. Ví dụ như trong tranh cử thì nhiều nước tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các ứng cử viên, qua đó cử tri trực tiếp quan sát để làm cơ sở cho lá phiếu của mình, thưa ông?

Câu chuyện ta đang bàn là văn hoá chính trị. Có những vấn đề phải từng bước theo tập quán xã hội, nhận thức xã hội. Chắc chắn là cùng với quá trình đẩy mạnh hội nhập thì chúng ta sẽ xem xét những giá trị chung, nhưng phải gắn với hoàn cảnh Việt Nam” – ông Dương Trung Quốc dè dặt nói.

Vẫn theo ý kiến của ông Dương Trung Quốc, mạng xã hội trong vấn đề bầu cử là vấn đề thời đại. “Dù sao, theo tôi phải coi đây là một hiện thực đang diễn ra và phải quan tâm đến nó. Chính ở đây thể hiện bản lĩnh người làm chính trị. Ai đó có thể sử dụng mạng xã hội, còn hiệu ứng như thế nào là vấn đề khác.

Vấn đề quan trọng là ý thức của cử tri. Cử tri có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, nhưng quyết định cuối cùng là ở trách nhiệm và ý thức của cử tri” – ông Dương Trung Quốc đưa ra nhận định ‘nước đôi’, và chính việc tạo một hành lang an toàn tránh bị quy chụp chính trị, đã cho thấy đúng là mọi tranh luận cần lưu ý một điều: chúng ta có đặc thù thể chế chính trị một Đảng lãnh đạo!

_________________

Ghi chú: https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/bai-2-dieu-gi-phia-sau-trao-luu-o-at-tu-ung-cu-468654

Tin bài liên quan:

VNTB – Tự ứng cử vào Quốc Hội: hành động của những con người can đảm

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn chịu chơi

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiếu nhân sự giỏi việc hay tại tướng bất tài?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.