VNTB – “Quyền về lập hội” không nên tiếp tục là một “quyền treo”

VNTB – “Quyền về lập hội” không nên tiếp tục là một “quyền treo”

Hà Nguyên

(VNTB) – Kiến nghị, đề xuất Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật về hội theo ý kiến của Bộ Chính Trị và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2021.

Dự thảo Đề án đánh giá về tổ chức và hoạt động của hội, các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của các hội sau cấp phép do Bộ Nội vụ xây dựng hồi đầu năm nay đang được các nhà khoa học trong các hội ngành toàn quốc quan tâm, và kiến nghị cần giải quyết căn cơ qua việc dứt khoát hoàn thiện Dự thảo Luật về quyền lập hội.

Ông Đặng Đình Luyến – cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa 13, có ý kiến cụ thể như sau (trích lược):

Một số nghị quyết, văn kiện của Đảng có liên quan đến tổ chức, hoạt động của các hội được ban hành từ lâu, nhưng chưa được các cơ quan chức năng của Nhà nước thể chế hóa kịp thời, đầy đủ thành văn bản pháp luật để thực hiện, như Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính Trị về hội quần chúng; Nghị quyết số 39 – NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính Trị về tinh giản biên chế… Nghị quyết số 18 – NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, v v…

Đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm thể chế hóa, ban hành văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho các hội kiện toàn tổ chức, bộ máy và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Việc xây dựng, ban hành Luật về hội quá chậm, từ những năm 2004, 2005 Chính phủ đã tổ chức soạn thảo và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, do còn một số vấn đề ý kiến còn khác nhau nên Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội và đến năm 2016 Chính phủ đã trình lại Quốc hội cho ý kiến một lần nữa, nhưng có một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau nên Quốc hội đã giao lại cho Chính phủ tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa trình lại Quốc hội.

Đề nghị Bộ Nội vụ và các bộ ngành có liên qua khẩn trương nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo Luật về hội để sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua để làm cơ sở pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của các hội.

Trong nhóm giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của các hội, đề nghị cần phân công, phân cấp cụ thể cho các bộ ngành, các cấp chính quyền quản lý nhà nước đối với hoạt động của các hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ ngành và phạm vi lãnh thổ quản lý của chính quyền địa phương.

Theo đó hoạt động của các hội liên quan đến lĩnh vực quản lý của bộ ngành nào thì giao cho bộ ngành đó chủ trì quản lý hoạt động của các hội đó; còn ở địa phương thì các hội hoạt động ở phạm vi địa phương nào thì Ủy ban nhân dân của địa phương đó thực hiện quản lý nhà nước và các sở, phòng, ban trực tiếp giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước đối với hoạt động của các hội thuộc lĩnh vực mình phụ trách; định kỳ hằng năm báo cáo với cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp về tình hình hoạt động của các hội.

Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hội trong phạm vi cả nước, giúp Chính phủ chủ trì quản lý nhà nước về tổ chức, thành lập các hội; phối hợp với các bộ ngành quản lý nhà nước về hoạt động của các hội và làm báo cáo tổng hợp về công tác quản lý nhà nước đối với hội để báo cáo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác.

Kiến nghị, đề xuất Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật về hội theo ý kiến của Bộ Chính Trị và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2021.

Không nên sửa đổi Nghị định 45/2010/NĐ-CP nữa vì không phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền lập hội của công dân phải được thể hiện trong Luật, thì mới phù hợp với khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp 2013.

Trích Hiến pháp 2013

Chương II. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Điều 14.

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)