VNTB – Quyết định chính trị tồi: dân phải trả giá

VNTB – Quyết định chính trị tồi: dân phải trả giá

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Đã đến lúc Chính phủ phải nghiêm túc nhìn nhận đâu là giới hạn của quyền lực Nhà nước trong chống dịch.

 

Không thể chống dịch bằng các mệnh lệnh hành chính đi ngược lại đạo đức, quy luật tự nhiên, quy luật kinh tế và quy luật xã hội!

Chống dịch không thể bằng các mệnh lệnh hành chính

Nếu đã luôn tự hào có nền “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, được ghi đầy trân trọng ở Điều 2 của Hiến pháp 2013: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, thì đã đến lúc Chính phủ phải nghiêm túc nhìn nhận đâu là giới hạn của quyền lực Nhà nước trong chống dịch. Không thể chống dịch bằng các mệnh lệnh hành chính đi ngược lại đạo đức, quy luật tự nhiên, quy luật kinh tế và quy luật xã hội!

Vì sao? Để tránh tuyệt đối sự phân rã, mỗi huyện là một lâu đài, mỗi tỉnh là một đô thành, gây đứt gãy sản xuất, chia cắt lưu thông, làm cạn kiệt sinh kế của người dân. Các con số văn bản được gọi vắn tắt là chỉ thị 15, 16, 19, và nhiều văn bản chống dịch khác cần được thống nhất vào một văn bản mang tính pháp quy của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tính đến hiện tại, tin tức báo chí cho biết Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có trong tay bản dự thảo “Thích ứng, an toàn với Covid” với yêu cầu sẽ giúp xác lập kịch bản và các khung khổ hành xử của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Về mặt kỳ vọng, thì đây là một công cụ quan trọng để cả các quan chức ‘bề trên Bộ Chính trị’, cho tới các ‘quan địa phương’ cấp phường, xã, thậm chí cả tổ dân phố, trưởng ấp có thể chủ động và kiên định “chung sống thích ứng và an toàn với dịch bệnh”, tránh lúc đóng, lúc mở; lúc siết, lúc buông; trên nói một đằng, dưới làm một nẻo; tỉnh A thông đường, tỉnh B rào chặn; quận huyện bảo doanh nghiệp được vận hành, xã phường bảo người lao động “ở đâu yên đó”; một ngõ có F0, cả vùng phong tỏa; “ngăn sông, cấm chợ” vô lối, làm khó doanh nghiệp, làm khổ nhân dân.

Có quy định pháp lý rồi, các địa phương không phải xin phép Trung ương, doanh nghiệp và người dân không phải chờ phê duyệt của chính quyền, doanh nghiệp có thể chủ động các phương án dự phòng để duy trì sản xuất, các chủ nhãn hàng quốc tế có thể yên tâm vào khả năng thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp Việt Nam.

Cách làm đó chí ít ở lúc này sẽ gửi thông điệp quan trọng tới người dân, doanh nghiệp và thế giới: “Chúng tôi mở cửa, phục hồi nền kinh tế, và không để virus Sars-CoV-2 cầm tù như báo chí phương Tây từng ví von về nhà tù lộ thiên Hà Nội”.

Đừng tự ái khi nhìn nhận về thất bại chính trị

Tại hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19” với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức ngày 16-4-2021, theo Bộ Y tế, thành công chiến thắng đợt dịch thứ 3, bài học lớn về chính trị là sự lãnh đạo của Đảng rất sát sao, mạnh mẽ, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, huy động các bộ, ban, ngành, người dân, triển khai phương châm bốn tại chỗ, chống dịch như chống giặc…

Như vậy theo tam đoạn luận, sự thất bại liền kề sau đó khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, thì bài học lớn về chính trị là cần phải dũng cảm thừa nhận, tại sao lại có quá nhiều sự chết chóc và đau khổ? Đó là vì các quyết định chính trị tồi!.

Thật ra thì ngay từ đợt 3, kết quả là thất bại chứ không hề “thành công chiến thắng” như Bộ Y tế đánh giá. Đơn giản thôi, với việc ‘bấm bụng’ bỏ ra số tiền lớn để nhập khẩu vắc xin phòng Covid của Trung Quốc và Cuba ở hiện tại của Việt Nam, đủ để hình dung về mức độ tồi đến đâu của những quyết định chính trị.

Nhận xét trên có thể nặng nề, nhưng không hề ‘phản động’ của các cáo buộc về Điều 117, Bộ Luật hình sự hiện hành. Bởi chắc ai cũng thấy rằng những hồi chuông cảnh báo đầu tiên về một đại dịch tiềm ẩn mới đã bắt đầu vang lên từ cuối tháng 12-2019. Đến ngày 10-1-2020, các nhà khoa học không chỉ phân lập được loại virus gây bệnh, mà còn giải trình tự bộ gen và công bố thông tin trên mạng. Chỉ vài tháng sau đó, thế giới đã sáng tỏ việc những biện pháp nào có thể làm chậm lại và ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm.

Trong không đầy một năm, một số loại vắc xin có hiệu quả đã được đưa vào sản xuất đại trà. Thế nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không hề có quyết định nào về đặt mua vắc xin về chích cho dân chúng.

Gần hai năm trời dịch giã đã làm bộc lộ một hạn chế thậm chí còn quan trọng hơn về năng lực khoa học và công nghệ của Việt Nam. Khoa học không thể thay thế chính trị. Khi chúng ta đi đến quyết định về chính sách, chúng ta phải tính đến nhiều lợi ích và giá trị. Và vì không có phương thức khoa học nào để xác định những lợi ích và giá trị nào quan trọng hơn nên không có phương thức khoa học nào để quyết định những gì chúng ta nên làm.

Ví dụ, khi ngài Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhân danh quyền lực chính trị để đưa ra quyết định áp phong toả, dường như ông đã không tự thắc mắc là liệu “Có bao nhiêu người sẽ ngã bệnh vì Covid-19 nếu chúng ta không triển khai phong toả?” Lẽ ra ngài Phó Thủ tướng cũng nên đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu người sẽ trải qua trầm cảm nếu chúng ta áp phong toả? Bao nhiêu người sẽ chịu đựng tình trạng dinh dưỡng tồi tệ? Bao nhiêu người sẽ thất học hoặc mất việc làm? Bao nhiêu người sẽ bị bạn đời của họ đánh đập hoặc sát hại?”.

Ngay cả khi tất cả dữ liệu là chính xác và đáng tin cậy, không chỉ ngài Phó Thủ tướng, mà cả ‘bề trên’ Bộ Chính trị cũng luôn nên hỏi: “Chúng ta coi trọng điều gì? Ai quyết định việc này? Làm thế nào để chúng ta đánh giá những con số đối chọi nhau?”.

Rõ ràng đây là một nhiệm vụ chính trị hơn là khoa học. Chính các chính trị gia phải cân bằng giữa các suy tính về y tế, kinh tế và xã hội với việc đưa ra một chính sách toàn diện.

Như vậy, không quá lời một chút nào khi kết luận rằng mấy chục ngàn nhân mạng chỉ trong đợt dịch lần thứ tư, với chủ yếu là ‘người sống ở Sài Gòn’, là cái giá quá đắt phải trả cho các quyết định chính trị tồi, mà người cần phải được truy cứu trách nhiệm là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Phải chăng vẫn còn đeo đuổi zero Covid?

Trong một diễn biến khác, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) vừa có kiến nghị gửi lên lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về các vướng mắc cần tháo gỡ để nhanh chóng có thể từng bước mở cửa nền kinh tế.

Theo đại diện Eurocham, kiến nghị được đưa ra sau khi hiệp hội này nhận thấy các thách thức và rào cản đối với cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa tháo gỡ sau văn bản hướng dẫn của địa phương ban hành ngày 30-9.

Eurocham đề nghị tỉnh Đồng Nai cần sớm ban hành kế hoạch mở cửa rõ ràng hơn đối với các doanh nghiệp tại tỉnh này trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu nhiều tổn thất tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhiều đơn hàng và hợp đồng bị huỷ do giãn cách kéo dài. “Các chính sách cần được thực hiện nhất quán để hỗ trợ quá trình hồi phục sản xuất cho doanh nghiệp”, đại diện Eurocham nhấn mạnh.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)