Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quyết sách nào của Tổng Bí Thư cho ‘hạn mặn miền Tây’?

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Trong suốt thời gian ngồi ghế Tổng bí thư từ ngày 19-1-2011 tới nay, tức đã 9 năm 43 ngày (tính đến ngày 2-3-2020), ông Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa đưa ra được một quyết sách nào cho căn cơ giải quyết vấn nạn hạn mặn ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)?

Theo Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 2-1-2020, thì tổng bí thư là người “Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng” (1).

Với quy định này do chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, cho thấy về lý thuyết, mẫu hình được coi là mẫu mực cả về đạo đức lẫn trí tuệ trong Đảng, không ai khác ngoài ông Nguyễn Phú Trọng. Vậy thì nên hiểu thế nào khi trong suốt thời gian ngồi ghế Tổng bí thư từ ngày 19-1-2011 tới nay, tức đã 9 năm 43 ngày (tính đến ngày 2-3-2020), ông Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa đưa ra được một quyết sách nào cho căn cơ giải quyết vấn nạn hạn mặn ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)?

Gọi là giải pháp căn cơ vì ai cũng rõ nguyên do chính đưa đến thực trạng nước lũ của sông Mekong ngày càng hiếm hoi dần khi xuôi về miền Tây Nam bộ để ra biển Đông, là do Trung Quốc đã chặn dòng từ thượng nguồn để làm các đập thủy điện.

Hai đảng cộng sản Việt – Trung, theo quan sát trên báo Nhân Dân, người ta có thể đếm được có bao nhiêu lần người đứng đầu hai đảng cộng sản Trung – Việt đã ký kết với nhau các hiệp định từ vấn đề chính trị, kinh tế đến văn hóa – xã hội. Thế nhưng vì sao không có sự lên tiếng quyết liệt từ người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam khi phía ‘đảng anh em’ luôn ỷ thế ‘thượng phong’ về địa lý của dòng Mekong để chèn ép quốc gia cuối nguồn là Việt Nam?

Hôm 20-2-2020, tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) lần thứ năm ở Lào, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc hứa ‘tăng thêm nước’ xuống hạ nguồn chống hạn.

Theo tường thuật của báo chí, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng cả khu vực hạ nguồn Mekong bị ảnh hưởng của hạn hán nặng là do mưa ít chứ không phải Trung Quốc tích nước ở các đập thủy điện trên Lan Thương (cách Trung Quốc gọi tên dòng Mekong chảy trên lãnh thổ của mình), và Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng từ tình trạng mưa ít. Nhưng ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc “đã vượt qua khó khăn” nên sẽ tăng dòng chảy của sông Lan Thương để giúp các nước thuộc lưu vực sông Mekong đối phó với khô hạn.

Liên quan thông tin Trung Quốc tuyên bố tăng thêm nguồn nước cho sông Mekong, ông Lê Anh Tuấn – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ) – cho rằng nước xả từ đập này sẽ không tới được ĐBSCL. Theo ông Tuấn, hồi năm 2016, Trung Quốc từng xả đập với lưu lượng 2.100m3/giây mà nước còn không tới được ĐBSCL của Việt Nam, trong khi lần này năm 2020 mới ở mức 850m3/giây thì sẽ không tới được, chưa nói tới việc các nước thượng nguồn khác như Thái Lan, Lào… cũng lấy nước. “Vấn đề là mùa khô đã đi gần hết mùa. Xả đầu mùa thì khác. Đó là chưa nói tới bây giờ Trung Quốc xả đập, nếu nước tới được ĐBSCL cũng phải mất 3 tuần sau, lúc đó thì lúa đang thiếu nước ở đây cũng chết hết rồi” – ông Tuấn nhận định.

Ông Kỷ Quang Vinh (nguyên cán bộ Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ) nói rằng trước đây có thời điểm mặn xâm nhập sâu vài chục cây số ở ĐBSCL thì dòng chảy đo được ở trạm Châu Đốc và Tân Châu còn hơn 1.200m3/giây, trong khi Trung Quốc xả với lưu lượng 850m3/giây mà cách hàng ngàn cây số mới tới ĐBSCL, việc có nước ở ĐBSCL từ việc xả này là không thể. Ông Vinh cũng cho biết qua nhiều năm theo dõi có ghi nhận hiện tượng Trung Quốc xả đập thủy điện (có năm nhiều, có năm ít) sau Tết Nguyên đán hằng năm (khoảng tháng 2 dương lịch). Nhưng ông vẫn chưa rõ lý do xả nước này từ nước láng giềng.

Liệu người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam có được các thư ký của ông thuật lại những diễn biến tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) lần thứ năm ở Lào hôm 20-2 vừa qua? (2)

+ Chú thích:

(1) http://ubkttw.vn/documents/20182/96615/Quy+dinh+so+214.pdf/bdca7c9e-b45b-4f21-a280-58695d354d5f

(2) Xem thêm https://vietnamthoibao.org/vntb-nuoc-ngot-man-nhu-nuoc-mat/

Tin bài liên quan:

VNTB – Chơi khăm chữ nghĩa

Phan Thanh Hung

VNTB – Tổng Bí Thư! Chọn nước cờ nào?

Do Van Tien

VNTB – GDP 7% và vận nước đang lên?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo