VNTB – R.I.P. một ‘ông lớn’ trong làng báo chí Việt Nam

VNTB – R.I.P. một ‘ông lớn’ trong làng báo chí Việt Nam

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Chỉ mong các bạn tôi ở Thời báo Kinh tế Việt Nam được giải quyết chế độ chính sách một cách thỏa đáng và có hậu.

Có một thời gian ngắn tôi cộng tác trong vai trò là một phóng viên ảnh ở tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam, bộ phận tòa soạn tại Sài Gòn. Người phụ trách khi ấy là một anh bạn cùng học chung từ Đức về.

Tôi vẫn còn lưu giữ bài diễn văn của tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, tại hôm lễ mừng tuổi 20 của tờ báo. Tổng biên tập Đào Nguyên Cát, chia sẻ trong diễn văn, có đoạn như sau:

“Trong quá trình xây dựng và phát triển, được phép của Ban bí thư và Chính phủ, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã có 10 năm (1992-2001) hợp tác với công ty nước ngoài là Ringier AG (Thụy Sỹ) về in ấn và phát hành. Trong quá trình hợp tác ấy, Thời báo Kinh tế Việt Nam được đầu tư vốn ban đầu, có được những bài học và kinh nghiệm quý về tổ chức quản lý kinh doanh, về kỹ thuật làm báo trong điều kiện kinh tế thị trường. Sự hợp tác đã để lại những dấu ấn tích cực trong lịch sử phát triển của tờ báo”.

Thật ra đó là cách diễn giải của phát biểu mang tính lễ nghi trước cơ quan quản lý, chứ thật ra vai trò chủ yếu của Ringier AG là đúng nghĩa ‘làm báo’ dưới màu áo Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Tại Thụy Sỹ, Ringier là công ty truyền thông lớn nhất. Ringier có mặt ở Việt Nam từ những năm đầu của công cuộc đổi mới mà Đảng và nhà nước Việt Nam tiến hành. Ringier đã hợp tác với Thời báo kinh tế Việt Nam nghe đâu với số vốn đầu tư hơn 1,6 triệu USD vào sản xuất và xuất bản 4 ấn phẩm: Thời báo kinh tế Việt Nam, tạp chí Vietnam Economic Times, tờ phụ trương The Guide (bằng tiếng Anh, Nhật, Trung Quốc) và tạp chí Tư vấn tiêu dùng.

Tôi còn nhớ, ban đầu, tờ báo có tên là “Thông tin kinh tế”, được phép xuất bản mỗi tuần một kỳ, nhưng điều kiện kinh phí có hạn, năm đầu báo chỉ xuất bản mỗi tháng một kỳ.

Những số báo đầu tiên, tổng biên tập Đào Nguyên Cát trực tiếp đạp xe đi phát hành, tìm đến các cơ quan, bộ, ngành để giới thiệu rồi bán báo. Nhiều người thấy cảnh ấy bảo ông là người không bình thường, bạn bè có người chỉ lắc đầu cười nhạt. Khi ấy, ông Đào Nguyên Cát đã vào tuổi 65. Thế rồi mọi chuyện khác đi khi Ringier AG xuất hiện…

“Có được những thành tựu trên, trước hết là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ, của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, sự hợp tác giúp đỡ của Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí đồng nghiệp”.

Tổng biên tập Đào Nguyên Cát có đoạn diễn từ cảm tạ ‘các bề trên’ ở sinh nhật tuổi 20 vào tối ngày 10-4-2011, kèm theo còn có buổi hòa nhạc hoành tráng ở Nhà hát Lớn Hà Nội.

Mỉa mai thay, khi thực hiện cái gọi là “Quy hoạch báo chí” ở thời gian sau đó, thì nhóm các địa chỉ nơi cảm tạ trong diễn văn kể trên: “Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ, của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông”, đã ban hành quyết định ‘đóng cửa’ Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Hôm 15-7-2020, Thời báo Kinh Tế Việt Nam đã chính thức ‘dừng cuộc chơi’.

Hiện tại thì Ringier AG vẫn đầu tư ‘làm báo’ ở Việt Nam, với phiên bản quốc tế của tạp chí thời trang ELLE, hoạt động tại Việt Nam với tên gọi “Phái Đẹp – ELLE”. Trước đó, Ringier AG từng là nhà đầu tư tạp chí Thời Trang Trẻ.

Chỉ mong các bạn tôi ở Thời báo Kinh tế Việt Nam được giải quyết chế độ chính sách một cách thỏa đáng và có hậu. Chỉ e rằng yếu tố gia đình thống lĩnh sẽ gây khó cho nhiều thứ. Chúc các bạn đồng nghiệp của tôi sớm ổn định và có được một chặng đường mới gọi là hài lòng.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)