Thiên Điểu
(VNTB) – Tại sao bản tuyên bố này lại bị rút lại chỉ sau khi công bố vài giờ đồng hồ và có liên quan gì các tiếp xúc bí mật giữa đoàn Trung Quốc với các nước tham gia ngay sau khi bản tuyên bố vừa phát đi?

Cuộc chiến pháp lý giữa Philippin và Trung Quốc tại Tòa án quốc tế đang đi vào những thời khắc quyết định cuối cùng. Sự ủng hộ mạnh mẽ trên dư luận quốc tế dành cho Philippin và các phân tích thuyết phục của nhiều thành phần đã nhen nhóm cho Việt Nam chút lửa niềm tin khi rục rịch đưa ra các thông điệp về khả năng sẽ học theo để kiện Trung Quốc về các tranh chấp trên Biển Đông. Thế nhưng, động thái bất ngờ rút bản tuyên bố chung mới đây của ASEAN lại cho thấy một ảnh hưởng xấu cho Việt Nam. Kể cả khi Philippin thắng kiện thì Việt Nam cũng khó bề đưa ra quyết định phương án giải quyết, mặc dù Việt Nam là nước bị Trung Quốc xâm chiếm, thiệt hại nhiều nhất trên Biển Đông.
Những lá bài đen và sức ép phá vỡ quan hệ ASEAN ở Biển Đông.?
Chỉ sau vài giờ ra Tuyên bố chung về Biển Đông của ASEAN – Tổ chức hợp tác kinh tế các nước Đông Nam Á, ngày 14/06 vừa qua Ban Thư ký ASEAN đã ra thông báo rút lại bản Tuyên bố chung với những nội dung được cho là mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của ASEAN đối với tình hình tranh chấp Biển Đông. Lý do rút bản Tuyên bố được đưa ra là vì “cần phải có các sửa đổi khẩn cấp”. Tuy nhiên, một bản tuyên bố chung được đưa ra từ một tổ chức quốc tế bao gồm các nước đều có quyền lợi trực tiếp phải bảo vệ trong tình hình Trung Quốc ngày càng hung hăng lấn tới cho thấy một dấu hiệu bất thường chưa từng có.
Nếu chú ý tới các diễn biến liên quan trong thời gian gần đây, người ta hoàn toàn có thể tin rằng bản Tuyên bố sửa đổi chắc chắn có chiều hướng “giảm nhiệt” đối với Trung Quốc và không loại trừ có thể gây hại cho một vài nước nào đó trong ASEAN đang tranh chấp với Trung Quốc.
Mặc dù không thể phủ nhận cuộc tranh chấp Biển Đông ngày càng vượt ra ngoài khả năng của các nước bị Trung Quốc tranh chấp trực tiếp về biển đảo trong bản đồ hình lưỡi bò, mức độ căng thẳng ngày càng cho thấy cục diện Biển Đông là cuộc chơi giữa Mỹ-Trung chứ không phải là của các nước có tranh chấp trong khu vực. Đó là lý do khiến Trung Quốc liên tục tìm cách đàm phán song phương thay vì đa phương để tránh rơi vào thất bại khi các đàm phán đa phương sẽ tạo cơ sở cho phép Mỹ can thiệp, hậu thuẫn mạnh mẽ hơn.
Nhìn lại quan hệ cấp khu vực thì vai trò các nước có tranh chấp chủ quyền trực tiếp như Việt Nam, Philippin, Đài Loan, Malaysia.. vẫn có những giá trị nhất định. Vai trò và vị trí các nước này đến đâu lại gắn liền một phần với ASEAN nếu không nói ASEAN là tổ chức quốc tế có tiếng nói quan trọng trong vấn đề Biển Đông. Sẽ không khó hiểu khi Trung Quốc cố gắng tìm cách phân hóa, chặn các tác động của ASEAN lên vấn đề Biển Đông.
Nếu chú ý kỹ hơn từ động thái của Mỹ, các phát ngôn của Mỹ về Biển Đông qua các sự kiện liên quan ASEAN trong vài ba năm gần đây đều có nội dung gần giống nhau và không thay đổi mức độ thể hiện. Nhưng chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Mỹ Obama ngay trước thềm Hội nghị G7 với thông điệp rất rõ ràng: Dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, dọn đường cho vũ khí Mỹ góp mặt vào cuộc đối đầu quân sự khi cần. Trong đó tuyên bố viện trợ hơn hai chục máy bay tiêm kích F16 cho Việt Nam là hành động mà ngay cả các nước có Hiệp ước an ninh toàn diện với Mỹ từ trước tới nay không có được là thông điệp cho thấy Mỹ sẽ không khoan nhượng và không thỏa hiệp với Trung Quốc. Tuyên bố chung của G7 tại Tokyo tháng 5 vừa qua cũng truyền tải nội dung cứng rắn nhất có thể nhằm vào Trung Quốc.
Với thông điệp như Bản tuyên bố chung đã đưa ra của ASEAN, có thể nói Trung Quốc hoàn toàn thất bại trên mặt trận pháp lý lẫn truyền thông quốc tế. Vấn đề là: Tại sao bản tuyên bố này lại bị rút lại chỉ sau khi công bố vài giờ đồng hồ và có liên quan gì các tiếp xúc bí mật giữa đoàn Trung Quốc với các nước tham gia ngay sau khi bản tuyên bố vừa phát đi?
Hiện ngoài việc gia tăng sức mạnh quân sự trên Biển Đông, các đảo ngầm được Trung Quốc bồi đắp và biến thành các căn cứ quân sự, thì Trung Quốc đang nắm khá nhiều lá bài tẩy trong tay để tác động riêng rẽ với các nước trong ASEAN. Cùng với quan hệ thương mại, nợ nần do đầu tư, vay mượn.. “Quả bom nước” thủy điện Tam Hiệp của Trung Quốc trên sông Mê-Kông là một trong những lá bài không nhẹ ký khi có thể thọc thẳng vào bao tử gần trăm triệu dân Việt Nam; Campuchia, Lào, Thái Lan bằng hạn hán hay ngập lụt tàn phá. Thâm hụt thương mại và các khoản nợ của Trung Quốc với nhiều nước trong ASEAN – nhiều nhất là Việt Nam – đủ sức để Trung Quốc gây sức ép khi đi cùng với nó là hàng trăm các ràng buộc ma quái như hối lộ, thỏa thuận ngầm, bẫy mềm … mà các quan chức chóp bu có liên quan khó bề đối phó nếu bị đưa ra làm điều kiện mặc cả.
Rất khó để tìm ra cơ sở chứng mính chính xác lý do rút bản tuyên bố chung của ASEAN liên quan Trung Quốc ra sao, nhưng chắc chắn một điều các sửa đổi sau đó sẽ thể hiện ai, bên nào chịu ảnh hưởng dẫn đến vết nứt nguy hiểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Chỉ dấu một mối nguy tan vỡ của ASEAN sẽ bắt đầu từ đây và nó hoàn toàn phụ thuộc vào cách úng xử của ASEAN trước Trung Quốc.
Tình thế của Việt Nam sau sự kiện này rơi vào khó khăn tế nhị hơn khi nó giáng thẳng vào chủ trương lâu nay của chính quyền Hà Nội là dựa vào tác động bên ngoài nhưng lại không muốn dựa hẳn vào một phía để tránh một đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Rạn nứt ASEAN sẽ đẩy Việt Nam vào thế phải lựa chọn dứt khoát sớm hơn khi các điều kiện mong muốn vẫn chưa có trong tay.