VNTB – Ranh giới mong manh của phản biện

VNTB – Ranh giới mong manh của phản biện

Vân Khanh

 

(VNTB) – Phản biện xã hội được xem là kênh thông tin quan trọng để các cấp lãnh đạo tiếp tục hoàn thiện đường lối, chính sách, đưa chủ trương sát thực với cuộc sống.

 

Tuy nhiên, trong nhiều thời điểm khác nhau, việc phản biện này có thể được ghi nhận rất cầu thị, song lại lắm lúc thì nhà chức trách cho rằng đây là việc lợi dụng phản biện để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, làm phức tạp tình hình, thậm chí đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc của một số đối tượng xấu cần phải… nghiêm trị.

Bài viết này tôi muốn nói đến công dân Lê Hữu Minh Tuấn, người bị cáo buộc về các bài viết đã vi phạm pháp luật hình sự theo Điều 117, “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Lý lịch về Tuấn thì trong cáo trạng vụ án có ghi rồi. Vài fanpages được cho là liên quan đến lực lượng ‘công an mạng’, cũng thay luôn thẩm phán phiên phúc thẩm để ‘tuyên’ án cho công dân Lê Hữu Minh Tuấn rồi. Bài viết này không kích động, chỉ muốn đề cập đến câu chuyện về xây dựng Đảng qua lăng kính của lằn ranh mong manh giữa phản biện và ‘chụp mũ phản động’.

“Muốn phê phán, phản bác đúng các loại quan điểm sai, trái thù địch thì trước hết phải nhận diện cho đúng các loại quan điểm ấy, đồng thời, người làm báo phải có dũng khí, bản lĩnh để nhận diện và đấu tranh thể hiện qua từng trang viết…” – đó là ý kiến nhận được nhiều tán đồng tại cuộc tọa đàm “Nâng cao chất lượng bài viết phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên tạp chí Tuyên giáo”, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào tháng 12-2019.

Nhà báo Hà Đăng – người từng trải qua các chức danh như Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Trợ lý Tổng Bí thư, đã cho rằng, muốn phê phán, phản bác đúng các loại quan điểm sai trái thù địch thì trước hết phải nhận diện cho đúng các loại quan điểm ấy.

“Vậy thế nào là sai trái, thế nào là thù địch? Giữa sai trái và thù địch, liệu có lằn ranh nào ngăn cách? Có thể có những quan điểm sai trái, nhưng không hẳn là thù địch. Nhưng đã là quan điểm thù địch thì đương nhiên không thể không sai trái. Ở đây ta không xếp vào loại quan điểm sai trái, thù địch việc phê bình, chỉ trích, thậm chí phê phán gay gắt các sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước nhưng trong tinh thần xây dựng chứ không phải chống đối, phá phách, cơ hội chủ nghĩa…” – nhà báo Hà Đăng nói.

Trở lại với công dân Lê Hữu Minh Tuấn. Khi viết bài gửi cộng tác trên trang Việt Nam Thời Báo, Tuấn sử dụng bút danh, và ‘giọng’ văn của Tuấn dễ nhận ra: không cực đoan, lập luận biện chứng và luôn hướng đến việc tạo ra không khí cởi mở trong các góp ý về chính sách của Nhà nước.

Tuấn kềm giữ cảm xúc khá tốt trong sử dụng ngôn từ khi thể hiện trên bài báo của mình. Trách nhiệm một công dân, đặc biệt là người được đào tạo bài bản trong môi trường sư phạm về môn lịch sử, đã giúp Tuấn có được sự thăng bằng ở hầu hết sự kiện chính trị nước nhà.

Tuấn lựa chọn thể nghị luận báo chí cho cả khi bàn luận chính trị cho đến xã hội, và quan điểm của Tuấn khi chọn thể loại dễ cho là ‘bút chiến’ ấy, đó là “Tranh luận không nhằm mục tiêu chiến thắng, tranh luận là để tìm ra bản chất vấn đề”.

Có thể nhận ra điều đó khi hầu hết các bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo được nhà báo Phạm Chí Dũng biên tập và chọn đăng từ tác giả Lê Hữu Minh Tuấn, là “quy trình mà tác giả bài báo đưa ra một quan điểm như sau: Dữ kiện + Góc nhìn + Logic + Cảm nhận = Luận điểm”.

Công thức này cũng là cách mà chính nhà báo Phạm Chí Dũng chọn sử dụng trong các bài viết của ông. Rất có thể cả nhà báo Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn cùng phải đối mặt các vấn đề của tố tụng hình sự trong chuyện ‘phản biện ôn hòa’, đó là “Góc nhìn”.

Góc nhìn chính là hệ quy chiếu. Góc nhìn là cách người viết đặt một vấn đề vào một ngữ cảnh cụ thể. Cùng một vấn đề, nhưng góc nhìn khác nhau sẽ dẫn đến đánh giá khác nhau. Cùng là một con số, nhìn từ phía trên thì là 9, nhìn từ phía dưới sẽ là 6.

Và trong vài thời điểm được cho là nhạy cảm chính trị, phía nhà chức trách đã có hệ quy chiếu khác biệt đi… Vậy là những người viết phản biện đúng theo trong “tinh thần xây dựng chứ không phải chống đối, phá phách, cơ hội chủ nghĩa” như Lê Hữu Minh Tuấn, lại lâm cảnh ‘đáo tụng đình’.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)