Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sách giáo khoa tăng giá gấp 4 lần, chiết khấu 35% cho các công ty

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Năm học 2022-2023, chiết khấu đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.

 

Trong khi giá sách giáo tăng gấp 4 lần thì bộ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lại rầm rộ tổ chức họp mặt trực tuyến hơn 1 triệu giáo viên. Và báo chí chỉ tập trung vào cuộc gặp online thay vì câu chuyện sách tăng giá, liệu đây có phải là chiêu lái dư luận của bộ GD&ĐT?

Ngày 14-8, Ban Giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa có có báo cáo giám sát về vấn đề sách giáo khoa mới. Theo đó, giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao, và tăng gấp 2-4 lần so với giá sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006.

Ví dụ, bộ sách giáo khoa lớp 1 mới của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, có giá 179.000-194.000 đồng/bộ. Trong khi đó, bộ sách giáo khoa lớp 1 cũ có giá 54.000 đồng. Hiện nay mua một bộ sách giáo khoa phải kèm thêm cả sách bài tập, tài liệu tham khảo. Chưa kể mức giá này chưa bao gồm sách tiếng Anh. Sách tiếng Anh thì cao hơn nhiều so với các môn còn lại.

Song song với việc tăng giá sách là mức chiết khấu (phí phát hành) cho các đơn vị đầu mối phát hành sách cũng tăng lên 35% giá bìa. Theo đó, mức chiết khấu đối với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%. Năm học 2022-2023, đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.

Chị D.P, một phụ huynh nêu quan điểm với phóng viên Việt Nam Thời Báo: “Sách giáo khoa nằm trong danh sách mặt hàng thiết yếu, cho nên  chi phí phát hành và chiết khấu hiện nay là quá cao. Cần làm rõ xem liệu có sự thông đồng, tiếp tay của các thế lực ngầm nhầm tăng giá sách, tăng chiết khấu, biến học sinh thành miếng mồi béo bở cho các quan chức nhà nước hay không”.

“Giá sách giáo khoa cao cũng cắn răng mua cho con, nhưng một bộ sách phải mua kèm cả sách bài tập, tài liệu tham khảo. Chẳng cách nào muốn mua một hộp trà thì buộc phải mua kèm thêm bộ ấm chén, bàn ghế uống trà. Hơn nữa đa số các loại sách này chỉ dùng được một lần, vô cùng lãng phí”. Chị D.P. nói tiếp.

Một số người đặt câu hỏi: giá sách tăng, chiết khấu cho các công ty phát hành sách tăng, học phí tăng, nhưng lương giáo viên không tăng; vậy số tiền tăng lên kia đã đi vào túi ai?

Với cách làm hiện nay, bộ GD&ĐT đang coi học sinh là một mỏ vàng, mỏ khoáng sản để khai thác tận lực. Còn giáo viên thì càng ngày càng trở thành tay sai của đảng; vừa là công cụ khai thác khoáng sản đó; vừa là công cụ tuyên truyền, tẩy não học sinh với mức lương rẻ mạt.

Nếu so sánh mức thu nhập của giáo viên với những nữ tiếp viên hàng không bán dâm vừa bị phát hiện gần đây, thì giáo viên phải làm cật lực hơn một năm mới bằng các cô gái kia làm một đêm. Một so sánh có thể làm cay mắt nhiều người, nhưng thực tế là vậy, vô cùng đau đớn.

Người chịu trách nhiệm về những vấn đề giáo dục này dĩ nhiên là bộ trưởng bộ GD&ĐT. Ông Nguyễn Kim Sơn phải công bố chiến lược cụ thể, rõ ràng, chứ không phải nói vòng vo, lái dư luận như hiện nay. Bộ Giáo Dục và Đào Tạo phải nhìn thẳng vào thực trạng nhức nhối, ảnh hưởng tới hàng chục triệu học sinh, giáo viên này, để tìm ra giải pháp nhanh và hiệu quả nhất. Với hàng triệu bộ não đang làm việc trong ngành thì không thể không có nhân tài để xử lý câu chuyện học phí, giá sách và lương giáo viên. Nếu không sử dụng được nhân tài thì phải đổi mới cơ chế.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Lãng quên cuộc chiến chống Trung cộng 1979: Đừng trách người trẻ!

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Giáo dục bất lực: nhà trường thành chiến trường

Do Van Tien

VNTB – Đảng tặng không gạo cho Cuba khi dân đang cần cứu trợ

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo