Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sài Gòn bao dung: Có một Sài Gòn… im ắng

Dế cơm

 

(VNTB)  – Sài Gòn đang bước vào ngày thứ n của việc siết chặt chỉ thị 16 với nhiều dấu cộng, cộng sau đó…

 

Một Sài Gòn vốn dĩ đã im ắng sau chuỗi ngày liên tiếp của những chỉ thị như vòng kim cô được niệm chú từ trung ương đến chính quyền địa phương, thì giờ đây, cái im lặng lại kèm theo sự lo lắng, ngột ngạt của chuỗi ngày “ai ở đâu, ở yên đó”.

Không lo lắng sao được khi cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn tăng – và lại nghe đâu còn dự định ‘bắt’ F0 ‘không triệu chứng’ như mấy tháng trước đây vào các ‘trại cách ly’.

Liệu chăng, 15-9 có phải là ngày cuối cùng của những chuỗi ngày giãn cách? Người dân sẽ được ra đường để có thể tiếp tục công cuộc mưu sinh; các cơ sở sẽ được hoạt động trở lại, sau chuỗi ngày cố gắng “gồng gánh” cùng với chính quyền thành phố?

Không lo lắng sao được khi nghe theo tin tức, nghe theo tin nhắn từ điện thoại, an tâm, không thu gom hàng hóa trước giờ G, chuẩn bị siết chặt toàn thành phố; để rồi giờ đây, thực phẩm được sử dụng hằng ngày là cơm chan mì gói?

Không lo lắng sao được khi có những chốt cứng nhắc đến mức khó hiểu, đến cả những cán bộ y tế đi chích vaccine cho người dân, vẫn bị chặn lại quay đầu; thay gas cũng trở nên khó khăn hơn….

Không lo lắng sao được với quy định, nếu ai muốn đi cấp cứu, phải đi bằng xe taxi. Trong khi đó, đường sá đầy rẫy những chốt chặn, thời gian vàng luôn được chú trọng, thì xe gắn máy lại không được sử dụng.

Không lo lắng sao được khi ở nhà với thời gian quá dài, liệu chăng, ngày mở cửa lại, cuộc sống, công việc sẽ như thế nào? Rồi còn nhiều chi phí khác như điện, nước, học phí các cấp, học phí đại học…

Cái lo lắng đó, có lẽ, được nhân lên hơn nữa, với nhiều người mưu sinh độ nhật, với những người thất nghiệp do dịch Covid-19, với những đứa trẻ đường phố mưu sinh hằng đêm. Dường như, khó có ai có thể lường trước được kịch bản giãn cách lần này ở thành phố, kéo quá dài.

Và nếu như sau 6-9, tình hình vẫn không mấy khả quan, liệu khi đó, có ai thừa nhận rằng, những biện pháp siết chặt ấy chưa thật sự hiệu quả, không phải do lỗi của người dân?

Sài Gòn những ngày siết chặt hơn với “ai ở đâu, ở yên đó”, buồn đến chi lạ. Những cơn mưa với gió lớn rồi rả rích của tháng 7 Vu lan, tựa hồ như một thanh âm hòa vào cái không khí buồn, trầm lắng đó.

Mưa Sài Gòn đẹp biết bao nhiêu trong từng bản nhạc, giờ đây, cũng cơn mưa đó nhưng lại mang đến nhiều cung bậc của cảm xúc. “Đúng là với bà, buôn bán mà mưa là mệt. Không chỉ ướt át, lạnh, mà còn bị văng nước mỗi khi xe chạy ngang qua. Nhưng ít ra, cũng còn buôn bán được, bán áo mưa nilon chẳng hạn. Còn bây giờ thì khác, đúng là không còn run run dưới trời mưa nhưng lại không có đồng ra đồng vô” – một bà cụ hàng rong nhớ lại.

Thôi thì, cứ hy vọng, “sau cơn mưa trời lại sáng”…

Một người bạn nhìn khía cạnh tích cực đã nói với tôi rằng, Sài Gòn vốn dĩ là một thành phố không ngủ với guồng máy công việc chạy liên tục, gần như là quanh năm suốt tháng. Thì giờ đây, xem như là một giai đoạn để nghỉ ngơi, để trở lại rồi “lợi hại hơn xưa”.

Ừ thì có thể là vậy. Nhưng Sài Gòn ơi, hình như mình đã ngủ hơi bị lâu rồi đó nhen. Dẫu ra sao, như thế nào đi chăng nữa; dẫu không thể đạt được “zero covid”, nhưng mong lắm, cái ngày Sài Gòn dần dần trở lại.

Chợt nhớ lại một câu mà nhiều người hay nói: “đời không như là mơ”. Nếu giấc mơ “hình mẫu chống dịch” đã không thành, vậy thì có nên chăng, nhìn thẳng vào thực tế, và chọn cho mình một phương án tốt nhất không nhỉ?


Tin bài liên quan:

VNTB – 4,4% người lao động thất nghiệp có đủ tiền dành dụm cho ‘lockdown’ 6 tháng

Phan Thanh Hung

VNTB – 76 năm „Cách mạng Tháng 8“ đẻ ra nhóm cầm đầu hiện nay như thế! (*)

Phan Thanh Hung

VNTB – Tin nổi không: 18.981 người mất việc, 47 người được nhận trợ cấp thất nghiệp

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.