Lynn Huỳnh (giới thiệu)
(VNTB) – Bộ tranh phong cảnh và ký họa sinh hoạt, tình cảm của người dân Sài Gòn trong những ngày giãn cách vì đại dịch đang được họa sĩ Lê Sa Long thực hiện như một cách tri ân thành phố của bao dung, của tình người hào hiệp.
Khoảng giữa tháng 5-2021, Lê Sa Long bắt đầu đi vẽ ký họa. Ông vẽ nhiều góc phố, những địa danh nổi tiếng là biểu tượng của Sài Gòn trong mùa giãn cách. Từ sau 15-6, tình hình dịch diễn biến phức tạp, ông không đi ra ngoài vẽ ký họa nữa mà vẽ tranh từ các bức ảnh của bạn bè, truyền thông, xoay quanh chủ đề người Sài Gòn, tình cảm người dân trước dịch bệnh.
Đơn cử như tác phẩm “Bé đi cách ly”, được Lê Sa Long vẽ từ video do một điều dưỡng quay lại về cô bé 5 tuổi ở Bình Chánh, trong trang phục bảo hộ bước lên xe cứu thương để được đưa đi điều trị do không may mắc Covid-19.
Họa sĩ Lê Sa Long sinh ra ở Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), lớn lên ở Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Ông học tập và lập nghiệp tại Sài Gòn, gắn bó với thành phố này được khoảng 30 năm.
Nói về cảm hứng của bức tranh “Đường Vũ Huy Tấn, khu Miếu Nổi, phường 6, Bình Thạnh về khuya”, chỉ có người bán bánh mì dạo Sài Gòn thơm bơ ‘hai ngàn một ổ’ lẻ loi, chất liệu Pastel + arcylic trên giấy Canson khổ 50x70cm, vẽ ngày 22-6-2021.
Lê Sa Long kể: “Hôm qua ảnh “lai trim” ảnh hát cầm đàn hát ca khúc Đêm nhớ về Sài Gòn – bài này khi anh em ngồi quán nhỏ khu Miếu Nổi ảnh hay hát. Giọng ảnh nghe vốn rất hay nay nghe sao tình cảm và da diết quá!
…Đêm nhớ về Sài Gòn
Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa
Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa
Ai sầu trong quán úa
Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song
Mắt người tình một trời mênh mông .
Gợi bao nhiêu cho cùng….
Kết cuộc gọi, ảnh còn dặn: “Long ơi! Sài Gòn phố” nhớ nghen…”.
Xin giới thiệu một số tranh với ‘lai lịch cảm hứng’ của họa sĩ Lê Sa Long:
“… Hồ con rùa – nơi gần 30 năm trước, khi từ tỉnh nhỏ vào Sài Gòn hoa lệ học – tôi được cô bạn xinh xinh rủ ra ngồi ăn bò bía, đó là lần đầu tiên tôi nếm món ngon học trò Sì Gòn. Giờ em đã đi rất xa; nhưng mỗi lần ngang qua, tôi vẫn tưởng như em còn ngồi đâu đó nghiêng nghiêng mái tóc dài. Sáng 20- 6, thấy khu vực bị giăng dây, cô quạnh, thật buồn! Tưởng chừng như trái tim mình cũng đang hắt hiu…” – họa sĩ Lê Sa Long, chia sẻ về cảm hứng sáng tác.
Họa sĩ Lê Sa Long nói về cảm hứng cho bức họa này: “Sau 18 năm nữa, bé gái lớn lên trở thành thiếu nữ, khi kể về trận đại dịch lịch sử đầu thiên niên kỷ này, hẳn cô sẽ không bao giờ quên được thời gian mình được nuôi dưỡng bẳng dòng sữa ngọt ngào của người mẹ – bác sĩ Thanh Thúy! Riêng tôi, khi vẽ mặt và chân tay của bé, thấy rõ là cô bé hiếu động, nhìn thấy cưng gì đâu!”
Nói về bức họa này, Lê Sa Long chia sẻ:
“Ngày của Cha qua đã lâu, nhưng mỗi khi nhớ đến hoàn cảnh của ông Trần Văn Hưng (58 tuổi) cùng cậu con trai Trần Hiệp Tài (34 tuổi, bại não bẩm sinh) vẫn thấy xúc động!
Bao lần ông tuyệt vọng khi nhìn đứa con khờ khạo vốn chỉ biết cười. Nay con đang khóc vì cơn sốt mà mình không một xu dính túi. Rồi họ đã dìu nhau bước qua sự cùng cực ấy, bằng tình thương của một người cha…
Vợ ông qua đời vì bệnh tiểu đường năm anh Tài 19 tuổi. Ông Hưng ngày ngày chạy xe ôm, chắt chiu từng đồng bạc lẻ để nuôi con. Bất kể trời mưa hay nắng, ông vẫn không quản ngại khó khăn, miệt mài chạy từng cuốc xe ôm với hy vọng kiếm đủ tiền lo cơm ngày 3 bữa cho đứa con trai bệnh tật. Nhưng rồi dịch Covid-19 bùng phát, bác xe ôm già thất nghiệp, bữa cơm chiều của 2 cha con cũng chẳng đủ no… May sao có nhiều người biết tin, mang đến cho nhu yếu phẩm và cho một chiếc xe máy để qua dịch ông làm kế sinh nhai. Ông tâm sự:
“Mấy hôm trước người ta tìm đến giúp đỡ cho chú, nhiều người tới tặng quà lắm. Giờ chú thấy đủ rồi, mọi người có lòng tốt chú biết ơn dữ lắm nhưng dành mấy phần quà đó cho các bà bán vé số, họ cũng khổ. Chú không muốn nhận thêm đồ ăn, đồ uống nữa đâu, chú khó khăn thiệt nhưng nhiều người cũng vậy, mình khổ hơn người ta là có đứa con tật nguyền, nhưng tạm thời chú cảm thấy đủ rồi”.
Tôi vẽ ông Hưng với hình anh đôi tay ôm hai vai Tài như muốn che chở con, còn Tài thì cười và chỉ vào ba như muốn nói: “Người cha vĩ đại của tui đó!”
“Mười một giờ trưa, bên ngã tư đèn xanh đèn đỏ, bà bán vé số người Quảng Ngãi đang quệt mồ hôi (hay đang quệt nước mắt) than: “Ế lắm chú ơi. Sáng giờ chỉ bán được có mấy tờ, chú ủng hộ giùm”.
Mua vội bà vài tờ, chỉ an ủi sơ rồi vội vã đi, như người có lỗi…
Trong bài hát Kỷ niệm, nhạc sĩ Phạm Duy có viết: “Tôi mơ thành triệu phú
cứu vớt gái bơ vơ”.
Tôi chỉ mơ mình là triệu phú để bớt đi những lời than thở (Hic)” – Lê Sa Long cảm thán.
“… Đầu tháng 6 gặp người phụ nữ lượm ve chai ngồi buồn, nói: “Quán xá không bán, làm gì có phế liệu hay đồ dư mà lượm chú ơi! Dịch giã như thế này thì lấy tiền đâu mà sống!”. Nghe mà nhói trong lòng. Chỉ có chú cún nhỏ mà bà nuôi được 5 tháng vẫn hồn nhiên quấn quýt bên bà…” – Lê Sa Long kể.