[tds_note]
Sài Gòn bao dung
Chủ đề về Sài Gòn là nguồn cảm hứng bất tận của tất cả những ai đã từng đến, ở hoặc chỉ ngang qua đây như một sự tình cờ.
Sài Gòn không còn tên trong các thứ giấy tờ hành chánh của nhà nước hôm nay, nhưng còn ký ức. Không chỉ là ký ức của những người sanh ra, lớn lên ở Sài Gòn, mà còn của những ai một thời ở Sài Gòn, đang ở Sài Gòn, thậm chí chỉ một lần ghé chơi Sài Gòn mà có chút gì xao động…
Sài Gòn đâu của riêng ai, phải thế không?
Trang Việt Nam Thời Báo xin được mở chuyên mục “Sài Gòn bao dung” như trang nhật ký của những chuyến tàu về lại miền quá khứ và cả hôm nay của Sài Gòn nghĩa tình.
Kính mời sự cộng tác của quý độc giả trang Việt Nam Thời Báo viết về Sài Gòn ngày tháng cũ, và cả ở hiện tại…Bài viết xin gửi về địa chỉ: banbientap@ijavn.org
[/tds_note]
Thu Trân
(VNTB) – “Qua” mai một nhiều rồi, chỉ còn một số rất ít người dùng “qua”. Còn “cưng” thì người miền Nam, người Sài Gòn vẫn còn dùng đầy ra đó.
Người Sài Gòn nói riêng, người miền Nam nói chung hay dùng từ “qua” chỉ ngôi thứ nhất để tự xưng và từ “cưng” chỉ ngôi thứ hai để nói chuyện với người trực tiếp. Đó là chuyện hồi đó. Chứ bây giờ, “qua” mai một nhiều rồi, chỉ còn một số rất ít người dùng “qua”. Còn “cưng” thì người miền Nam, người Sài Gòn vẫn còn dùng đầy ra đó.
Số tự xưng “qua” thường là người già thích hoài niệm, hoặc những người “là lạ” thích phiêu bồng cõi trên như ông chủ cà phê Trung Nguyên ra toà ly hôn toàn xưng “qua”. Phải công nhận là “qua” thiệt đã và thiệt ấn tượng khi người ta nhớ đến ông trong phiên toà này ngoài chuyện phân chia khối tài sản kếch xù với vợ, là chuyện ông xưng “qua” và câu nói bất hủ “Tiền nhiều để làm gì”.
Hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng qua
Hôm nay qua nói qua hổng qua mà qua qua
Ai đó yêu cách nói của người miền Nam, của người Sài Gòn xưa hẳn không thể không biết đến cặp câu “quá dữ” này. Nó là câu trách cứ của hai người yêu nhau hẹn hò trật vuột. Chỉ hai câu ngắn mà một từ “qua” làm đến ba chức năng ngữ pháp. Vụ này thì mấy ông Tây học tiếng Việt có nước khóc tiếng Tàu mới hiểu nổi và nhớ nổi.
Thứ nhất, “qua” đi với “hôm” làm thành cặp từ “hôm qua” có chức năng như một danh từ chỉ thời gian: hôm qua, ngày hôm qua (yesterday).
Thứ hai, “qua” đi một mình là đại từ, là cách tự xưng ngôi thứ nhất (I).
Thứ ba, “qua qua” có nghĩa là “tôi đến” (I come), từ “qua” thứ hai trong cặp “qua qua” có nghĩa là “đến” (come), vai trò như một động từ. “Khủng bố” vậy mới là tiếng Việt. Và tôi luôn tự hào mình là người Việt vì biết nói và viết tiếng Việt, một thứ ngôn ngữ khó thuộc hàng “khủng” trên thế giới.
Tiếng Việt, sau chuyện “dấu má” là nghĩa ẩn, là một từ mà quá chừng nghĩa… đã khiến nhiều người nước ngoài phải chào thua khi hăm hở học tiếng Việt.
Không hiểu sao, cứ nói đến cái vụ “qua” là tôi hình dung ra người tự xưng “qua” ấy phải mặc áo dài thụng hay áo bà ba và mang guốc vông. Vậy mới thấy cái hồn của từ “qua” nó xưa đến mức nào.
Xưa cứ là xưa như là xưa ấy
Cha mẹ qua cầu cởi áo mê nhau
“Qua” thiệt là dễ xưng, nam nữ giàu nghèo già trẻ bé lớn gì xưng “qua” với nhau cũng được, không lo bị bắt bẻ hàm hồ hay thiếu lễ độ. Chửi lộn xưng “qua” cũng bình thường. Đặc biệt trong tình yêu, khi chàng trai mê cô gái, khi bắt đầu ấp a ấp úng thổ lộ tâm tình thì xưng “qua” cực đắt.
Không tin, bạn vào google gõ “bánh bông lan lệ thuỷ” để nghe hai nghệ sĩ cải lương gạo cội Lệ Thuỷ – Minh Vương hát bài Bánh bông lan. Khi bị cô nàng bán bánh bông lan đáo để “dồn ép vào chân tường” để cái anh chàng đang tán tỉnh mình nói ra sự thiệt, thì chàng ta mới ấp a ấp úng mà rằng: “Là qua thương… qua thương cô nàng bán bánh bông lan”.
Có thể nói, “qua” là một cách tự xưng rất độc đáo của dân Sài Gòn, dân miền Nam. Nó là “hàng hiếm” trong gia tài ngôn ngữ vùng miền không lẫn vào đâu được.
Sau này, sau những cuộc di dân khổng lồ từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam, nhiều người Bắc người Trung cũng xưng “qua”, nhưng thiệt tình nghe nó… lãng xẹt. Từ “qua” chỉ thiệt sự có duyên khi được phát ra bằng cái âm thanh đùng đục cà trớt của người Nam bộ thời khẩn hoang thôi!
Bây giờ nói đến “cưng”.
“Cưng” là đại từ danh xưng chỉ ngôi thứ hai.
“Cưng” đồng nghĩa với em, cháu, con. Đi chợ mua hàng, cô chủ hàng bảo: “Cái này mắc lắm nhen cưng, triệu hai, cưng có đồng ý mua thì chị xổ hàng”.
Người mẹ la thằng nhóc loanh quanh kiếm cớ thức khuya: “Tại sao mẹ nói mà cưng không nghe, cưng muốn ăn đòn hông?”.
Người yêu nói với người yêu: “Ừ, cưng ráng chuẩn bị sớm, sáng mai anh đến đón cưng đúng giờ nhen!”.
Như vậy, “cưng” thì thật ra cũng chẳng phải “cưng” gì lắm, chỉ là một cách nói thân mật thôi. “Cưng” ở đây làm chức năng đại từ ngôi thứ hai, chữ viết y chang từ “cưng” tính từ có nghĩa là “thương”, “dễ thương”. “Trời, con mèo nhìn cưng quá ha” – có nghĩa con mèo nhìn dễ thương quá ha. Và dĩ nhiên, “cưng” làm người nói trở nên dễ thương ngọt ngào hơn, “cưng” làm cho tình huống câu chuyện trở nên mại mềm uyển chuyển hơn.
Nhiều khi mới gặp nhau lần đầu lạ hoắc cũng “cưng” luôn.
“Cưng ơi, đậu xích xích chiếc xe vô, lấy đường cho mọi người lên xuống dễ dàng chút coi!” – trong một lần qua phà đi cù lao Rùa ở Bình Dương, tôi nghe ông chủ phà nói vậy.
Nói chung là “cưng” vô bờ bến, “cưng” là khẩu ngữ phản ánh chất hiền hoà thân thiện, dễ gần, dễ làm quen thời những người con miền Nam đi mở đất. Rất xa rồi nhưng hương đồng gió nội vẫn loanh quanh; rất xa rồi nhưng cái gì tốt, cái gì dễ thương vẫn cứ còn hoài và người miền Nam vẫn cứ chấp nhận “cưng” như một điều rất hiển nhiên vậy!
Từ “cưng” cũng dễ cho người nói người nghe hình dung ra gương mặt mộc người phụ nữ miền Nam đội nón lá, mặc áo bà ba, chèo thuyền lướt đi nhè nhẹ trên con kênh đầy những rặng bần, ô rô, cóc kèn. Và hò nữa.
Cây bần ve con bướm đậu sáng ngời
Lỡ duyên tại bậu trách trời sao đang…
Ừ, người yêu xưa còn được gọi là “bậu” nữa. Gẫm ra thì “bậu” với “cưng” có bà con cô bác gì không? Không, “bậu” thì hờn hờn xa ngái. Còn “cưng” thì vẫn mãi là cưng cưng thôi.
Nhắc đến từ “bậu” mới nhớ đến chuyện vợ chồng miền Nam.
Vợ chồng thương nhau tha thiết vẫn gọi nhau là “cưng”. “Cưng ơi, anh đi công tác mai dìa”. “Ừ, công tác tư tác đàng hoàng, chớ mà léng phéng, em biết được thì đến cái quần cưng cũng không còn với em nha cưng!”.
Chửi nhau mà vẫn gọi “cưng” là chính trong trường hợp này vậy! Vợ chồng làm chuyện vợ chồng cũng kêu là “cưng”. Trường hợp này thì “cưng” không còn là đại từ, tính từ nữa, mà là động từ.
Hai ông bạn già gặp nhau trong quán cà phê. Một ông hỏi: “Tối qua làm gì mà sáng nay nhìn ông cái đầu xù xụ con mắt chỏm lơ vậy?”. Ông kia trả lời như khổ sở lắm nhưng thiệt ra là vờ che giấu cái kiểu đầy tự hào, mãn nhãn: “Nó hồi xuân, kiếm chiện quài tao chịu hông nổi mày ơi, già hết xí quách mà tối nào cũng đòi cưng thì già nào chịu đời cho thấu!”. Tôi cũng ngồi cà phê với bạn gần đó, phải nghĩ đến năm phút mới hiểu “nó” là bà vợ và “cưng” là cái vụ kia, hè hè…