VNTB – Sài Gòn lúng túng chống dịch?

VNTB – Sài Gòn lúng túng chống dịch?

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Kể từ cuối tháng 4 cho đến nay, dường như việc phòng chống dịch Covid ở TP.HCM liên tiếp ở tình trạng ‘mất kiểm soát’

 

Nhân viên y tế đi lo cho 80% F0 không triệu chứng, để rồi hiện nay đang “bỏ rơi” các bệnh nhân khác như tim mạch, tiểu đường, hô hấp, tiêu hoá, suy thận mạn…. biết bao bệnh nhân sống dở chết dở, biến chứng tè le.

Hệ lụy rất có thể xảy ra, khi tỷ lệ nhẹ cao, tỷ lệ tử vong thấp, nhưng nếu số mắc nhiều trong một thời gian ngắn gây quá tải y tế, gây khủng hoảng khối điều trị, gây tử vong thêm những ca không đáng tử vong sẽ làm tỷ lệ tử vong tăng nhanh và cao.

Kể từ cuối tháng 4 cho đến nay, dường như việc phòng chống dịch Covid ở TP.HCM liên tiếp ở tình trạng ‘mất kiểm soát’. Các ca lây nhiễm cộng đồng tăng nhanh đến mức chóng mặt với hiện tại là mức ngoài 13.000 ca đang phải ‘điều trị tập trung’.

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC), trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 13.012 trường hợp nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Tính đến ngày 11-7, TP.HCM đang điều tra dịch tễ 479 trường hợp nhiễm bệnh chưa rõ nguồn lây.

Kể từ ngày 9-7, việc triển khai mô hình “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để lấy mẫu xét nghiệm ở TP.HCM được tiến hành. Theo đó, bắt đầu từ 8 giờ mỗi ngày, đội hình xét nghiệm lưu động với 3 xe chở gần 50 nhân viên y tế và tình nguyện viên đến các “điểm nóng” trong địa bàn để lấy mẫu. Người dân sẽ được lấy cùng lúc 2 mẫu xét nghiệm là lấy test nhanh kháng nguyên cá nhân tại chỗ và mẫu gộp PCR theo hộ gia đình.

Với các khu phong tỏa, ngành y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm lặp lại 2-3 ngày/ lần. Nơi nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm lặp lại 5-7 ngày/ lần.

Người lấy mẫu xong chỉ ở nhà, nếu phát hiện F0 thì đưa đi điều trị, còn F1 sẽ cách ly tại nhà; người trong nhà phải cách ly với nhau.

Với thay đổi như trên về chuyện F1 được cách ly tại nhà, thì vấn đề tiếp theo đây vẫn là sự lúng túng của cơ quan quản lý.

Bác sĩ Cao Văn Tuân kể, “Đợt dịch cúm Tàu này từ cuối tháng 5 đã có rất nhiều phòng khám tư nhân tự đóng cửa dù cơ quan quản lý không yêu cầu đóng cửa phòng khám như năm 2020, và mỗi ngày số phòng khám tự đóng cửa càng nhiều.

Lý do đóng cửa thứ nhất sợ bệnh, thứ hai sợ thành F1 rồi đi cách ly, thứ 3 sợ trách nhiệm khi nhận trúng bệnh F0 hoặc bỏ sót bệnh… Dù lý do nào cũng là thiếu trách nhiệm với xã hội khi mình là bác sĩ.

Khi người dân cần khám điều trị bệnh vì họ ngại lên bệnh viện giai đoạn này (điều này cần khuyến khích ) cần phải có bác sĩ ở y tế cơ sở khám phân loại và điều trị nếu bệnh thông thường; các bệnh cấp cứu , bệnh ngoại khoa cần tư vấn cho người bệnh điều cần thiết phải đến nhập viện điều trị để bệnh nhân đi điều trị không quá muộn. Trong thời điểm này riêng phòng khám của tôi đã phát hiện và chuyển đi kịp thời cả chục ca ruột thừa viêm mà bệnh nhân cứ lần lữa ở nhà ra tiệm mua thuốc uống vì sợ đi bệnh viện lây bệnh.

Các phòng khám tư nhân mở cửa trong giai đoạn này cũng chính vì trách nhiệm và sự tận tâm với người bệnh, chớ ngày nào mở cửa chúng tôi cũng âm nặng, thu không đủ chi. Mỗi ngày chỉ vài ba bệnh nhân thật sự cần thiết họ mới đến khám bệnh, còn phần lớn chúng tôi chỉ  tư vấn trực tuyến.

Nhân viên làm việc tại phòng khám, em nào sợ dịch bệnh nghỉ, tôi cho nghỉ không bắt buộc phải đi làm. Ngoài việc khám chữa bệnh khi người bệnh cần chúng tôi cũng phải có trách nhiệm với nhân viên của mình, nhất là nhân viên ở tỉnh có tiền lương , tiền ăn hàng ngày vì nếu đóng cửa nghỉ thì các em sẽ trở nên bấp bênh, khó khăn trong mùa dịch”.

Sự lúng túng ở đây là lẽ ra cần điều chỉnh chính sách thuế, bao hiểm xã hội phù hợp với tình cảnh, và điều đó còn nhằm để khuyến khích những phòng khám tư nhân mở cửa hoạt động sẽ san sẻ gánh nặng về y tế điều trị cho hệ thống y tế công lập.

Bởi, mục đích cuối cùng của ‘lockdown’ là bảo vệ mạng sống cho con người bằng cách giữ hệ thống y tế khỏi sụp đổ. Nếu số nhiễm giảm mà tử vong lại tăng do thiếu trang bị, nhân lực kiệt quệ thì ‘lockdown’ thành vô nghĩa.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)