VNTB – Sài gòn ngột ngạt

VNTB – Sài gòn ngột ngạt

Ngọc Diệp

 

(VNTB) – Muốn được dân lượng thứ? Hãy cứu đói và tiêm vắc xin miễn phí cho dân!

 

Người giàu thì sợ chết nên mua đủ thứ máy móc, bình ô xi dự trữ ở nhà. Người nghèo thì hết cả tiền để ăn mì gói, chỉ còn trông chờ vô các bữa ăn thiện nguyện để cầm hơi. Người ở tỉnh hết tiền kéo nhau lũ lượt bỏ phố về quê…

Những dòng người nối tiếp nhau trên những chiếc xe hai bánh trên con lộ mịt mù bụi đất đỏ trên đường về ĐakLak…Những đôi chân líu ríu bước nhanh bên vệ đường ngay cả trong lúc tối trời xếp thành hàng một trên đường lộ cho một chặng đường kéo dài hàng chục, hàng trăm có khi đến hàng ngàn cây số của những người dân từ miền ngoài vào Sài Gòn kiếm ăn. Những thanh niên nằm vật ra đường vì mệt…

Những dãy xe máy nối tiếp nhau hàng cây số, cự cãi với nhân viên công quyền trong cái nắng hè oi bức ở cửa ngõ miền Tây khi người từ Sài Gòn không được phép đi qua con đường độc đạo ở Long An để về quê tránh dịch. Những hình ảnh người dân đi bộ hàng ngàn cây số để về nhà tránh dịch chỉ tưởng chỉ có ở Ấn Độ trong năm 2020 thì giờ tái hiện mồn một ở Việt Nam.

Ở lại Sài Gòn thì làm sao sống nổi với bó rau muống 50-100 ngàn. Thu nhập không có, phòng trọ nóng bức, san sát nhau thì nguy cơ lây nhiễm càng cao. Chi bằng về quê, hít thở khí trời, có gì ăn nấy. Vậy mà đôi khi họ cũng không có được cái quyền đó. Quay đầu xe là không thể bởi nhà trọ đã trả, hay có người thậm chí bị đuổi đi vì không tiền trả tiền thuê nhà, thuê phòng.

Mỗi một lần xem những phim như vậy trên tiktok hay Facebook là lòng lại nhói lên với những cảnh đời cơ cực. 

Những em bé từ vài ngày tuổi, tới sản phụ mới sinh xong đã bị ép đi cách ly tập trung, những đứa bé chưa tự cầm muỗng xúc cơm được đã bị tách khỏi mẹ cha, người thân mang đi cách ly một nơi với toàn người lạ. Biết bao gia đình ly tán ở nhiều trại cách ly tập trung để rồi có người thân qua đời mà chỉ hay tin khi nhìn thấy hũ tro cốt.

80% người không triệu chứng bi thu gom lại để họ trở thành F0 bất đắc dĩ trong những điều kiện cách ly không đảm bảo, tâm lý bị ức chế để góp phần làm gia tăng ca F0 lên đến chóng mặt tại thành phố đông dân nhất Việt Nam. Để rồi giờ đây, người nhiễm COVID trở nặng lại không được xe cấp cứu tới rước, người bệnh nặng muốn được đi cấp cứu phải có giấy chứng nhận âm tính với COVID thì mới may mắn được bệnh viện nào đó đón nhận.

Ông Đoàn Ngọc Hải bức xúc viết trên Facebook về một trường hợp không gọi được xe cấp cứu và đã tử vong tại nhà. Ông cho biết “các cơ quan của phường, quận không một ai xuống xét nghiệm và đưa họ đi bệnh viện từ lúc sáng nay mặc dù họ đã kêu gào trong điện thoại trước mặt tôi”.

Báo Người Lao động cho biết người bệnh bị mệt từ sáng 27-7, gia đình đã gọi đến trung tâm cấp cứu, nhiều bệnh viện, y tế phường và quận nhưng nơi thì không bắt máy, có một số nơi hứa đến nhưng không đến. 

Đến trưa khi người nhà mới gọi nhờ ông Đoàn Ngọc Hải chở bệnh nhân cấp cứu thì do người bệnh không có xét nghiệm âm tính Covid-19 nên không đưa đi bệnh viện cấp cứu được.

Đây là người thân của ông kiến trúc sư nổi tiếng, ở ngay trung tâm quận 3, có ông Hải can thiệp mà còn phải chịu cảnh như vây. Vậy thì còn những người ở trong những con hẻm nhiều xuyệt, xóm lao động nghèo, ở khu dich bệnh đang hoành hành thì không biết sẽ còn phải khó khăn tới mức nào.

Một cô gái trẻ trung, đầy năng lượng lăn xả đi làm thiện nguyện, nấu ăn cho người nghèo, người trong khu bị phong toả cũng đã mắc COVID. Cô qua đời chỉ vài ngày sau khi nhiễm bệnh khi mà không ai gọi được xe cấp cứu đến nơi để đưa cô đi bệnh viện.

Những lời nhắn cuối cùng của cô lại làm cho người đọc phải hoảng sợ thật sự và đau xót đến tột cùng. Không phải vì hoảng sợ dịch bệnh mà hoảng sợ vì niềm tin đối với hệ thống y tế, và niếm tin đối với việc thiện nguyện của một người luôn vì người khác đã bị giết chết trong giờ phút lâm chung. Hãy thử tưởng tượng những người làm thiện nguyện đều buông tay thì người nghèo sẽ về đâu?

 

 

Hình ảnh những người bệnh COVID phải la liệt nằm đất, không có oxy để thở ở Peru từ năm ngoái cho đến năm nay, hay gần hơn là ở Thái Lan, Indonesia giờ lại được thấy ở Việt Nam. Những cảnh báo từ các quốc gia khác đã hiện rõ mồn một từ ngày này qua ngày khác nhưng chính phủ Việt Nam vẫn bình chân như vại trong hơn một năm qua. Đảng dồn lực để tổ chức đại hội các cấp, đấu đá nhau để giành ghế, trấn áp bất đồng chính kiến để ổn định chính trị.

Coi nhẹ nguy cơ dịch bệnh khi cho dân tụ tập đông người trong dịp 30/4 và 1/5, cố gắng thúc ép dân đổi chứng mình nhân dân có gắn mạch điện tử cho kịp với kế hoạch “phấn đấu hoàn thành vào tháng 7”, rồi lại bầu cử toàn dân, lại họp quốc hội để cho những người đã tuyên thệ hồi tháng 4 lại tuyên thệ tiếp lần nữa. Tất cả những việc này là những tấm gương xấu và vô cùng tệ hại cho việc tập trung đông người bất chấp dịch bệnh.

Chiến lược mục tiêu kép để buộc doanh nghiệp muốn hoạt động phải thực hiện 3 tại chỗ, xét nghiệm COVID liên tục. “3 tại chỗ” đã có kết quả đáng lo ở một nhà máy tai Bình Dương: 248 người trong số 300 công nhân dương tính với COVID. Xu hướng này sẽ không dừng ở đây.

Ông nghệ sĩ Saxophone biểu diễn ở một bệnh viện dã chiến  được ca ngợi rần rần. Một hành động được xem là động viên người bị bệnh và có hiệu ứng tốt. Nhưng nói thật, người nghèo cơ nhỡ, người trong khu phong toả họ cần có miếng ăn hơn; người bệnh nặng ở nhà cần xe cứu thương hơn và người không triệu chứng trong khu cách ly cần về nhà hơn. Làm được những điều này, tự khắc năng lượng tích cực trong cộng đồng được cộng hưởng, những lời cảm ơn và sự cảm kích của người dân sẽ có hiệu ứng tốt gấp trăm lần.

Ông Nên và chính quyền Sài Gòn phải làm khác đi để yên dân và để lấy lại niềm tin của người dân trong lúc này. Hãy làm theo lời chuyên gia y tế, bác sỹ, chuyên viên dịch tễ, chuyên gia kinh tế.

Muốn được dân lượng thứ? Hãy cứu đói và tiêm vắc xin miễn phí cho dân!

__________

Tham khảo

https://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-quan-3-phan-bac-thong-tin-ong-doan-ngoc-hai-phan-anh-tren-facebook-20210727210425079.htm

https://thanhnien.vn/van-hoa/nghe-si-tran-manh-tuan-phuong-thanh-bieu-dien-tai-benh-vien-da-chien-gay-xuc-dong-1420707.html 


 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)