Loan Thảo
(VNTB) – Tình hình này sẽ kéo dài đến cuối năm và có thể sang năm 2022
“Thế nhưng không phải tới 15-9 là không còn dịch nữa. Tình hình này sẽ kéo dài đến cuối năm và có thể sang năm 2022 như kinh nghiệm ở Mỹ, Châu Âu và các nước Châu Á ngay cả khi họ đã hành động sớm, có tỷ lệ tiêm vắc xin cao. Diễn biến chủng Delta khiến tình hình nhiều nước đang diễn biến phức tạp”.
Tân chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Văn Mãi đã có phát biểu như vậy với giới truyền thông ngay sau khi ông nhậm chức vụ mới vào trưa ngày 24-8-2021.
Phải mở cửa vì đó là sự sống còn của túi tiền ngân khố quốc gia
Nói về ưu tiên trong phòng chống dịch thời gian tới, ông Mãi cho biết sẽ huy động tất cả nguồn lực trong và ngoài nước để tập trung thực hiện các mục tiêu: Giảm tử vong, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị; chăm lo đời sống cho người dân bằng an sinh xã hội; thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch, cải thiện tình hình; đẩy nhanh tiêm vắc xin để tăng miễn dịch cộng đồng.
Đối với vấn đề mở cửa nền kinh tế, ông Phan Văn Mãi khẳng định đây là yêu cầu có thật và rất bức thiết. Tuy nhiên, để thực hiện, thành phố cần có kế hoạch cụ thể, lộ trình, và việc mở cửa phải từng bước, phù hợp.
Nói về định hướng mở cửa lại thành phố, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ sớm thành lập bộ phận xây dựng kế hoạch cụ thể để bổ sung các biện pháp từ nay đến 15-9 và sau 15-9, tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng, các chuyên gia trong và ngoài nước. Tùy theo tình hình dịch, thành phố sẽ mở cửa lại nền kinh tế, các hoạt động sản xuất, dịch vụ dựa trên nguyên tắc an toàn, không ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch.
Ông Phan Văn Mãi ủng hộ quan điểm rằng cứ thêm một người đã tiêm vắc xin, có thể được xem là thêm một cá nhân an toàn. Nếu cá nhân an toàn, hành trình an toàn, điểm đến an toàn thì sẽ tổ chức được các hoạt động an toàn. Ông Phan Văn Mãi và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đều cam kết sẽ nỗ lực thực hiện việc tiêm vaccine, dùng thuốc trị bệnh, can thiệp cấp cứu… để tính toán mở cửa dần dần.
Trong một diễn biến liên quan, tại họp báo cung cấp về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM chiều 24-8, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết khác với các chiến dịch trước, lần này, thành phố sẽ tập trung xét nghiệm vùng đỏ, cam trước. Dự kiến, thành phố xét nghiệm 2 triệu mẫu, chậm nhất phải xong trong ngày 25-8. Ông Hưng khẳng định đây là khối lượng công việc rất lớn.
Tuy nhiên, số liệu ngày xét nghiệm đầu tiên cho thấy chiến dịch chưa đáp ứng được tiến độ. Cụ thể, ngày đầu ngành y tế xét nghiệm được khoảng 170.000 mẫu (test nhanh, mẫu đơn), trong đó, phát hiện hơn 6.000 mẫu dương tính. “Đây là tỷ lệ chấp nhận được vì vẫn thấp hơn tỷ lệ 5% theo hướng dẫn của WHO (Tổ chức Y tế thế giới)”, ông Hưng nhận định.
Và con số hơn 6.000 mẫu ấy cho thấy điều gì?
Nói một cách nhẹ nhàng, Sài Gòn mới chạy ‘roda’ xét nghiệm ở vùng cam và vùng đỏ 170.000 dân đã có 6.000 ca dương tính. Vậy có thể nhẩm nhẩm được con số thật của F0 của thành phố trong thời điểm hiện tại. Suy ngược 4 – 6 tuần đã qua cũng nhẩm nhẩm được. Ý là hiện nay khuynh hướng dịch đã đi xuống. Thời điểm đầu tháng 8 mới thật sự là khủng khiếp.
Và giờ một khi nhiễm hết thì hết nhiễm, vậy thôi! Còn chuyện tách hết F0 ra được hay không, có chỗ chứa hay không lại là câu chuyện khác.
Phải nhìn nhận sai lầm để có thay đổi thích hợp
Thời gian qua, bất chấp các hô hào về cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chống dịch, cần phải nhìn nhận rằng trong hai tháng qua đời sống xã hội ở TP.HCM đã rơi vào tình trạng hỗn loạn chưa từng có kể từ tháng tư, 1975, ức chế xã hội cũng rất cao.
Sau khi biến thể Delta bắt đầu hoành hành và nhà nước ban hành các biện pháp phong tỏa với các mức độ siết chặt liên tục, người lao động mất việc làm còn trụ được một thời gian, nhưng những lao động nhập cư từ các thành phố khác bắt đầu đối diện với thử thách sinh tồn: thu nhập không đủ để trang trải tiền nhà và nhu cầu sinh sống tối thiểu hàng ngày.
Báo chí hàng ngày thuộc nhà nước cũng như các tài khoản facebook cá nhân đều có những ghi nhận liên quan về an sinh xã hội. Sau một thời gian không còn chịu đựng được nữa, nhóm lao động nhập cư từ các thành phố khác phải tìm đường tháo chạy, tạo nên những cảnh tượng vô cùng thương tâm trên các tuyến đường về quê…
Nhiều ý kiến phản biện rằng, những chuyện đau lòng đó đúng ra có thể tránh được từ đầu, nếu chính sách chống dịch được thiết kế cẩn thận hơn, nhìn trước hậu quả nào sẽ giáng lên đầu người lao động, nhất là lao động nhập cư để từ đó dự kiến những gói hỗ trợ cần thiết và nhanh chóng triển khai.
Một số biện pháp như giãn cách xã hội, cách ly những bộ phận cần cách ly, phong tỏa những nơi cần phong tỏa, tất nhiên là cần thiết nhưng tiến hành với mức độ nào thì cần cân nhắc.
Có nên ‘hốt’ hết F0 vào bệnh viện hay không, khi 80% ca nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ? Có nên cách ly tất cả F1 trong lúc đời sống nhiều người trong đó phụ thuộc vào thu nhập hàng ngày? Có nên phong tỏa cả phường chỉ vì vài ca F0?
Ở đây không tranh luận đúng sai, nhưng điều có thể thấy trước là, các biện pháp đó tất yếu sẽ có tác động rất mạnh lên đời sống của lao động có thu nhập thấp và giới lao động phi chính thức. Về lý và tình, khi nhà nước đưa ra một chính sách thì đồng thời phải chịu trách nhiệm về những hệ lụy xảy ra cho người dân.
Tin rằng với lý lịch học vấn là cử nhân Anh văn, cử nhân kinh tế, thạc sĩ quản lý kinh tế, thì tân chủ tịch Phan Văn Mãi không ngại chuyện học hỏi. Bởi trước một đại dịch phức tạp như Covid-19, khó có một chính sách nào là hoàn hảo từ đầu, mà phải thường xuyên điều chỉnh để phù hợp với tình hình. Vả lại, tham khảo cách làm của các nước khác để rút ra điều hay là chuyện nên làm.
Đơn cử về con số 170.000 mẫu (test nhanh, mẫu đơn), phát hiện hơn 6.000 mẫu dương tính mà ông phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nêu ra ở họp báo chiều 24-8, cho thấy có thể số đã nhiễm và đã tiêm ngừa chiếm đa số trong cộng đồng rồi. Và có lẽ thành phố này đang hoặc đã đi qua đỉnh dịch. Giờ chăm sóc các ca bệnh nặng và chích ngừa cho đủ thôi.
***
Bác sĩ Mỹ Hương, bạn của người viết, kể:
“Hôm nay, khoa thận nhân tạo cấp cứu một bệnh nhân nặng. Tôi nghĩ, nếu không có dịch covid này, có thể bệnh nhân đến bệnh viện sớm hơn.
Bệnh nhân nam, 60 tuổi, sống một mình. Ông bị tiểu đường, suy thận mạn giai đoạn cuối, tăng kali máu, xuất huyết tiêu hóa, suy kiệt da bọc xương, mê sảng. Vậy mà khi người nhà liên hệ với tôi để xin vào khám, họ nói bệnh nhẹ hều à, mới giai đoạn 3, còn tỉnh táo.
Khi chuyển đến, tôi mới tá hỏa tam tinh, cho chạy thận cấp cứu ngay lập tức. Tội nghiệp, có lẽ người nhà sợ tôi từ chối nên buộc lòng phải nói cho nhẹ đi.
Trong dịch này, mọi nguồn nhân lực tập trung vào cuộc chiến chống covid, tự nhiên những bệnh nhân không covid bị lùi lại tuyến sau, không quan trọng. Suốt 3 tháng trời phong tỏa, bệnh nhân vừa đi lại khó khăn, vừa không có tiền, vừa ngại vô bệnh viện sợ lây nhiễm.
Cho nên trong đợt dịch này, nhiều bệnh nhân không covid 19, mà có bệnh nền thường trở nặng và mất ở nhà, đặc biệt là bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, đi đến đâu cũng không có máy chạy thận…”.