VNTB – Sài Gòn thơm thảo

Trúc Mai – Nguyên Bình (VNTB) Sài Gòn, bề nổi là một thành phố lộng lẫy, sực mùi dầu thơm và nhà hàng tiệm ăn sang trọng. Nhưng vẫn còn đó một Sài Gòn của những người lao động mà bữa cơm chiều chỉ là chén cơm không, mua ở khu cống Bà Xếp lừng lẫy một thời khu nhà ga xe lửa Hòa Hưng.

Hơn 40 năm đi qua, khu vực quanh ga Hòa Hưng vẫn nhiều nhà trọ lụp xụp. Những người từ xa xuống sân ga thường mướn trọ để bán báo, đánh giày, bán vé số, làm công nhân. Họ còn bỡ ngỡ, chưa dám đi đâu xa, vả lại cuộc sống quanh nhà ga cũng không đắt đỏ như trong khu trung tâm.
Những ngóc ngách chật chội và có phần hôi hám, nhà cửa cáu bẩn, những chung cư cũ kỹ phơi đầy quần áo cũ, lúc nào cũng nườm nượp người lao động lấm lem. Giữa hàng ngàn con người xa xứ mưu sinh ấy, đã ra đời phố bán “cơm không”, mà người Sài Gòn gọi là phố cơm trắng, quanh nhà ga xe lửa Hòa Hưng.
Cơm trắng Sài Gòn. Anh: N.Thịnh
Khách đến phố cơm trắng đủ mọi thành phần, người vô gia cư, người lao động nghèo, sinh viên, thậm chí cả những người giàu sang, công nhân viên chức thi thoảng cũng tới mua cơm vì không có thời gian để nấu.
Với người nghèo thì thời nào cũng vậy, nhu cầu ăn uống chủ yếu cho no cái bụng, đủ sức làm việc mà không cần màu mè thức ăn, gia vị. Đôi khi chỉ chén cơm trắng, dưa, cà muối cũng qua một ngày. Giá của bữa ăn đạm bạc như vậy gói gọn trong 5 ngàn đồng, gồm mua hai ngàn đồng tiền cơm cộng thêm ba ngàn dưa mắm, hay miếng đậu hủ chấm nước tương. Mức giá này bằng tiền mua một ly nước mía.
5 ngàn đồng vẫn là số tiền lớn lắm nếu như chịu khó đến đây và lặng nhìn cái cách thằng bé bán báo lôi ra từng tờ bạc lẻ, nhăn nhúm, rồi nó kéo cho thẳng thớm đưa cho chị bán cơm trắng, một sự trân trọng có xen chút tiếc rẻ, sẽ nhận ra mấy ai có thể chê bai chén cơm trắng nóng hổi thơm lừng?. Mặc dù, không có sự màu mè của thức ăn, không cay ngọt của gia vị, nhưng cơm trắng có cái tình ấm áp dành cho phận người nghèo khó.
Tồn tại song hành trong không gian Sài Gòn, có những con người gặp nhau không kịp chào, sáng sớm cà phê, trưa nắng gắt lao vào nhà hàng máy lạnh, chiều tối, ngồi gác chân theo điệu nhạc du dương…, thì lại có những con người vất vả mưu sinh để chỉ mong có được cái vị ngọt thanh tao của hạt cơm trắng nơi xóm nghèo ga xe lửa Hòa Hưng.
Ai đó đã chia sẻ rằng trong những hạt gạo trắng tinh khôi, xen lẫn tình người thật gần gũi và cảm động. Người bán, bán tình là chủ yếu. Người mua, mua cái nóng ấm của hạt gạo chan chứa tình người.
Xin lần nào đó thử đến đây, ngồi giữa trưa nắng Sài Gòn ngắm những con người dung dị ấy đang ăn trưa, một bữa trưa giá 5.000 đồng, sẽ thảng thốt nhận ra Sài Gòn vẫn muôn đời thơm thảo…

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)