Yến Phương
(VNTB) – Coi như cả tuần lễ nay và ít nhất cũng nửa tháng tới đây người Sài Gòn bị ‘tù treo’, khi họ chỉ được phép quanh quẩn trong nơi mình đang trọ, nơi nhà đang ở, thậm chí là ‘ăn ngủ’ tại nơi làm việc.
Vậy là đã ngót nghét hơn 1 tuần cả thành phố sống và làm việc dưới chỉ thị 16. Một thời gian, hoàn toàn không ngắn tí nào.
Tôi nhớ, trước khi thành phố bước vào thời gian của chỉ thị 16, một số ý kiến cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên Sài Gòn chịu ảnh hưởng bởi chỉ thị 16 vốn được ban hành từ thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Như lần trước, vẫn bình thường, vẫn đi lại được, vẫn mua sắm hàng ăn…. Vậy có chi mà lo sợ ở lần này?
Ừ thì trên lý thuyết, đúng là như vậy. Thế nhưng, lần chỉ thị 16 trước, Sài Gòn không xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng đến hàng chục ngàn, càng không có ca nhiễm Covid-19 tử vong.
Ở những lần xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng trước, bước chân vào bệnh viện hay phòng khám chữa bệnh, chỉ phải đo nhiệt độ, khai báo y tế là có thể đi vào, không lo lắng.
Ở lần trước, không nhiều bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung như bây giờ.
Ở lần trước, không xuất hiện “giấy thông hành” xét nghiệm âm tính.
Ở lần trước, cánh tài xế vận chuyển hàng hóa không gặp khó khăn như bây giờ… biết bao nhiêu cái khác biệt của lần trước so với bây giờ.
Làm sao người dân có thể không hoang mang?
Và rồi, cái thực tế của hơn một tuần lễ đã trôi qua như thế nào? Những hàng quán ‘bán mang về’ bị buộc phải tạm dừng. Những người buôn gánh bán bưng ở các ngả đường, ở các chợ tự phát cũng buộc phải tạm dừng.
Chợ truyền thống thì nơi bán, nơi không; những chợ có bán thì giới hạn, giăng dây, dựng barie đầy đe dọa với cả sắc phục quân đội đứng chực chờ, rồi hàng hóa thì… xếp hàng mới mua được với giá đắt đỏ và không nhiều lựa chọn.
Nhiều ngả đường tràn ngập những chốt chặn gọi là thực hiện chỉ thị 16 của chính phủ.
Với người lao động thì thế nào? Khó khăn lại chồng chất những khó khăn. Tôi nhớ, khi Sài Gòn bước vào những ngày với hàng loạt những chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, vô tình xem một video clip trên Internet, một cô bán hàng rong chia sẻ rằng, dĩ nhiên, nếu có thì tốt nhưng mong thì không mong, họ chỉ mong sao, chính quyền đừng cấm họ bán, là đủ rồi.
Dẫu biết rằng, vì cái chung của cộng đồng, vì phòng dịch, có thể quy định của thành phố là đúng phần nào. Với những quy định cấm đó, có thể nói, đã góp phần gia tăng thêm cái gánh nặng cho người nghèo. Đưa ra quy định phòng dịch, thực thi thì nhanh và quyết đoán song lại không đưa hướng ra cho những người nghèo, nhất là khi khoản tiền hỗ trợ, người có kẻ không.
Đó là câu chuyện của nhiều người bị cấm buôn, cấm bán tạm thời. Còn với những con người, đi làm hay đi công việc thì sao? Một cảm giác lo lắng khi đi ngoài đường, dù hoàn toàn có lý do chính đáng.
Không lo sao được khi đi rút tiền hay nhà thiếu tiền đi lấy, cũng phạt. Không lo sao được khi cộng đồng mạng rồi báo chí râm ran câu chuyện về ông chủ tịch ủy ban phường 6 quận Gò Vấp? Lo dịch, lo đói, lo nghèo và giờ còn lo cả… phạt tùy hứng.
Sài Gòn phóng khoáng, bao dung.
Dù có nhìn và cho rằng Sài Gòn xấu xí cỡ nào đi chăng nữa, giận chút rồi cũng thôi, không để bụng, tính toán nhỏ mọn. Người Sài Gòn sẵn sàng chấp nhận “cái khó khăn, bất tiện mà người khác mang đến”. Nhiều người buôn bán ở vỉa hè chia sẻ trước giờ thành phố chuẩn bị bước vào giai đoạn phong thành, họ luôn luôn sẵn sàng tuân thủ những quy định của chính phủ đưa ra.
Dù sao đi chăng nữa, thì việc đó cũng là vì cái cộng đồng, chung tay phòng chống dịch Covid-19, họ sẵn sàng lấy tiền tích cóp bao lâu nay ra, sử dụng để vượt qua cái khó khăn này.
Chấp nhận hy sinh cái cá nhân để vì cái lợi ích chung, mặc dầu biết rõ, đó thật sự là những khó khăn.
Thế nhưng nếu một khi đã quyết định còn tiếp tục phong thành theo chỉ thị 16 nữa thì sẽ có rất nhiều người rơi vào cảnh cùng cực, không biết vịn vào đâu vì tiền tiết kiệm cũng có giới hạn mà khoản hỗ trợ lại không biết kêu với ai.