Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – “Phải tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội cùng vào cuộc quyết liệt để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài cho nhân dân”.
Đó là chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp ngày 11-6-2021, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 thời gian tới.
Theo tường thuật trên báo Nhân Dân, thì ngài Tổng bí thư kể công trạng như vầy:
“Đồng chí nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 đã chủ động chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh.
Từ khi dịch bùng phát đầu năm 2020 đến nay, Bộ Chính trị, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước có rất nhiều cuộc họp cho ý kiến về nhiệm vụ phòng, chống dịch; Tổng Bí thư ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, để chiến thắng đại dịch Covid-19; Thường trực Ban Bí thư có sáu công điện chỉ đạo,…
Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, các địa phương, đặc biệt là các lực lượng, các ngành y tế, quân đội, công an đã chủ động, nhạy bén, có nhiều biện pháp kịp thời, đồng bộ, nhiều việc làm sáng tạo, hiệu quả, kiềm chế sự bùng phát của dịch bệnh.
Qua đó, đã khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng chống dịch, đùm bọc lẫn nhau cùng chia sẻ khó khăn.
Vừa chống dịch, vừa duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội, duy trì tốt các hoạt động, quan hệ quốc tế; góp phần bảo đảm đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp,…” (dừng trích)
Trên thực tế thì ngay thời điểm ngày 11-6-2021, làn sóng bùng dịch lần thứ tư ở Việt Nam cho thấy có nguyên do đến từ ‘tụ tập đám đông’ của các sự kiện chính trị cũ thể là “đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”.
Ngay cả lời tự khen, “Vừa chống dịch, vừa duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy vẫn là cách nói của thói quen cổ đọng chính trị, vì trên thực tế gói tài chính gọi là hỗ trợ trị giá 62 ngàn tỷ đồng từ đợt bùng dịch lần thứ nhất vào tháng 3-2020 cho đến tận hôm nay, vẫn tình trạng ‘chưa giải ngân hết’ – tức nôm na ‘lên tivi mà nhận’ (!?).
Ngay cả số tiền để mua vắc xin, “lãnh đạo Đảng, Nhà nước” cũng đang phải loay hoay kêu gọi dân chúng quyên góp bằng buổi lễ ra mắt hôm tối 5-6 tại Hà Nội – điều này cho thấy ổn định cuộc sống lâu dài cho nhân dân mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra, là trò bỡn cợt chữ – nghĩa.
Tuy nhiên khi số ca lây nhiễm Covid đã vượt qua cột mốc 2.000 ca, thì chính quyền thành phố Hồ Chí Minh công khai việc không thể tiếp tục làm theo mệnh lệnh duy ý chí và đầy ảo tưởng ấy của mệnh đề vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài cho nhân dân được lặp đi – lặp lại như điệp khúc của bộ đôi Nguyễn Xuân Phúc – Nguyễn Phú Trọng.
PGS.TS kinh tế Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM), nhận định đợt dịch bùng phát lần thứ 4 diễn biến phức tạp và rất nhanh do chủng virus Delta của Ấn Độ lây qua đường không khí. Trong khi đó, TP.HCM vốn là một đô thị đặc biệt, mật độ dân cư đông với dân số hơn 10 triệu người. Trong đó, có khoảng 340.000 lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất nên tốc độ lây lan của dịch tại đây càng nhanh hơn.
“Phải chấp nhận suy giảm kinh tế, chấp nhận thiệt hại để lo kiểm soát dịch bệnh vì TP.HCM vốn là nơi đi, nơi đến của rất nhiều người đến làm việc, lao động, học tập, điều trị bệnh. Nếu không kiểm soát dịch ở TP.HCM sớm, nguy cơ lây lan đến các địa phương khác là rất cao”, ông Ngân nhấn mạnh.
Theo ông, hiện nay, TP.HCM đang triển khai quyết liệt các biện pháp để dập dịch sớm nhất. Sau hơn 20 ngày giãn cách xã hội, TP.HCM vẫn xác định đặt vấn đề kiểm soát dịch lên hàng đầu vì nó ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân, tác động đến kinh tế của TP.HCM nói riêng, vùng kinh tế phía Nam và cả nước nói chung.