VNTB – Sân chơi EVFTA: cần tương thích pháp luật về kinh doanh

VNTB – Sân chơi EVFTA: cần tương thích pháp luật về kinh doanh

Nguyễn Nam

(VNTB) – Thầy giáo Ngô Huy Cương, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng Việt Nam rất cần xem lại nền tảng pháp lý, sao cho để phù hợp cả với ‘đại bàng’ lẫn ‘chim sẻ’ cùng chung sống tử tế khi ‘kiếm miếng ăn’.

Trước hết, theo diễn giải của thầy giáo Ngô Huy Cương, các đạo luật về phá sản của Việt Nam thường được xem là bị phá sản ngay trong quá trình soạn thảo, và thông qua.

Luật Phá sản năm 2014 để tòa án xen nhiều lợi ích cục bộ vào đó. Chẳng hạn đạo luật này giúp quy định vai trò của quản tài viên như một cánh tay nối dài của thẩm phán, không đúng với vai trò thật của chế định này. Từ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của quản tài viên, quản lý quản tài viên đều có vấn đề do lợi ích cục bộ. Cơ quan thi hành án được giao những quyền hạn do vị nể nên thiếu chính xác, can thiệp quá sâu vào quy trình phá sản…

Giải quyết tranh chấp ngoài tòa án được xem là rất phù hợp với tâm lý “vô phúc đáo tụng đình” của người Việt. Nhưng trên thực tế thì đó là câu chuyện ‘xưa rồi Diễm’. Ở Việt Nam hiện nay giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại ngoài tòa án không được ưa chuộng. Hiện tượng này xảy ra có mấy lý do sau đây:

Thứ nhất, vấn đề giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại ngoài tòa án thiếu nền tảng pháp lý nghiêm trọng. Ví dụ: Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định nào về hợp đồng điều đình, do đó nền tảng pháp lý quan trọng cho thương lượng thành và hòa giải thành bị thiếu. Các Bộ luật Dân sự nào của các nước, và dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa đều có quy định về hợp đồng điều đình, hay dàn xếp.

Thứ hai, các đạo luật như Luật Thương mại, Luật Đầu tư đều đi theo chiều hướng áp đặt các hình thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, không chú ý tới quyền tự do thỏa thuận, tự định đoạt của đương sự, trong khi lại quy định rất hạn hẹp về hình thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án.

Hiện nay các hình thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án chỉ có trọng tài thương mại, hòa giải, thương lượng. Các hình thức giải quyết tranh chấp khác ngoài tòa án như: thẩm phán tư, bồi thẩm đoàn giản lược… chưa được thừa nhận.

“Tóm lại, hầu hết các đạo luật trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại đều có vấn đề rất lớn, nhất là về kỹ thuật pháp lý và tính hệ thống. Do đó khó có thể có một môi trường pháp lý kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế tư nhân như một động lực của cả nền kinh tế” – thầy giáo Ngô Huy Cương, nhận xét.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)