Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sản phẩm thủy sản chế biến từ động vật: kiểm tra bằng luật gì?

Võ Hàn Lam

 

(VNTB) – Hiện tại thì nhiều sản phẩm chế biến từ động vật/ sản phẩm động vật, hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” như: hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh… thuộc danh mục phải kiểm dịch theo Luật Thú y.

 

Đại diện tổ chức Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng sẽ hợp lý hơn khi nhóm sản phẩm kể trên được điều chỉnh bởi Luật An toàn thực phẩm.

Bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP phân tích như sau:

Theo quy định tại Luật Thú y, thì các loại sản phẩm hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục phải kiểm dịch động vật chỉ bao gồm động vật, sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản có trong danh mục.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thú y, thì “sản phẩm động vật” chỉ bao gồm các bộ phận, các phần của cơ thể động vật, thủy sản . Luật Thú y không quy định sản phẩm chế biến từ “sản phẩm động vật” hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuộc diện phải kiểm dịch động vật.

Tại chương 3 của Luật An toàn Thực phẩm về “Điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm” cũng chỉ quy định thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật mới phải có chứng nhận vệ sinh thú y của cơ quan thú y (Điều 11).

Đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn chỉ phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường (Điều 12).

Tuy nhiên, các văn bản dưới luật (Thông tư 26/2016/TT-BNN và Thông tư 36/2018/TT-BNN đối với thuỷ sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quy định về kiểm dịch đối với “sản phẩm động vật” đang được giải thích và áp dụng theo hướng sản phẩm chế biến từ “sản phẩm động vật”, hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (kể cả loại bao gói sẵn) đều thuộc diện phải kiểm dịch động vật.

Hay nói cách khác, khái niệm “sản phẩm động vật” đã được mở rộng quá mức quy định tại Luật Thú y. Chính vì thế, phía VASEP thấy các “tiêu chí” và danh mục bao trùm rộng như này cũng đã được đưa vào cột chỉ định “kiểm dịch” trong Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT.

“Sơ chế” khác “chế biến”

Khoản 3 Điều 3 Luật Thú y đưa “sơ chế” và “chế biến” vào chung một khái niệm. Trong khi, đây vốn là hai khái niệm với các nội hàm rất khác nhau.

Theo Điều 2 của Luật An toàn thực phẩm thì khái niệm “chế biến” được quy định tại khoản 4 khác hoàn toàn với khái niệm “sơ chế” được quy định tại khoản 16 . Việc mở rộng khái niệm “sản phẩm động vật” của các văn bản dưới Luật kể trên và không có sự phân biệt rõ với khái niệm “sơ chế, chế biến” như đã nêu là nguyên nhân quan trọng làm tăng diện hàng hóa phải kiểm dịch động vật, cản trở nỗ lực cắt giảm danh mục hàng hóa, tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Trong 10 năm qua (2010 – 2020), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 4 thông tư hướng dẫn, quy định về kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản gồm: Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT ngày 2/2/2010, sau đó được thay thế bởi Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016;  Thông tư 26/2016 được sửa đổi, bổ sung một phần bởi Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 và Thông tư 11/2019/TT-BNNPTNT ngày 22/10/2019.

Thế nhưng càng về sau “danh mục hàng thuỷ sản” nhập khẩu phải kiểm dịch càng mở rộng hơn: Từ 2010 – 2020, cùng với việc thay thế, sửa đổi bổ sung các thông tư, thì càng về sau “danh mục hàng thuỷ sản” nhập khẩu phải kiểm dịch càng mở rộng hơn mà không có bất cứ sự thay đổi nào về cơ sở pháp lý, hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh.

Cải cách và cắt giảm theo Nghị quyết?

Kết quả “cải cách và cắt giảm” theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như thế nào?

Giai đoạn 2015 – 2020, năm nào Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, đa phần có quyết nghị phân công Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “cải cách, cắt giảm kiểm dịch thuỷ sản đông lạnh”.

Nhưng chính giai đoạn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại liên tiếp sửa đổi, bổ sung nội dung các thông tư: Thông tư 26/2016 thay thế  bằng Thông tư 06/2010; Thông tư 36/2018 thay thế Thông tư 26/2016. Theo đó, hàng hoá thủy sản nhập khẩu – đặc biệt là hàng thủy sản chế biến như đông lạnh, khô, đồ hộp…, và/ hoặc được “liệt kê” là có nguy cơ cao phải kiểm dịch tăng lên.

Điều này đặt ra một câu hỏi về kết quả “cải cách và cắt giảm” theo như tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như thế nào?

Ngoài ra ở đây là vấn đề của chuyện chưa phân biệt được các chỉ tiêu về “dịch bệnh” và “an toàn thực phẩm”.

Trong 10 năm qua, ngoài việc gia tăng danh mục hàng thuỷ sản chế biến phải kiểm dịch (bệnh), thì còn có bất cập lớn nữa là chưa phân biệt được các chỉ tiêu về “dịch bệnh” và “an toàn thực phẩm”, khi mà sản phẩm là thực phẩm dùng cho người.

Hầu hết các chỉ tiêu vi sinh đang quy định tại Thông tư 26/2016 và Thông tư 36/2018 đều là các chỉ tiêu an toàn thực phẩm là tác nhân gây bệnh cho người khi ăn phải, chứ không phải là các chỉ tiêu dịch bệnh – tác nhân làm lây lan dịch bệnh cho đối tượng thuỷ sản/động vật nuôi. Nói cách khác, là có sự đánh tráo khái niệm, trùng lắp nội dung và khiến quy mô hàng hoá và đối tượng chịu điều chỉnh là quá mức cần thiết.

Thông lệ quốc tế ra sao?

Thực tế hiện nay, nhiều nước không yêu cầu kiểm dịch (bệnh) đối với hàng thủy sản đông lạnh hoặc chế biến chín, đóng bao bì kín.

Các nước như Mỹ, EU, Nhật, Canada… đến các nước trong khu vực, hầu hết chỉ kiểm tra theo quy định/ chỉ tiêu của an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thuỷ sản chế biến như đông lạnh, đồ hộp, hàng khô, ướp muối.

Nhiều quốc gia yêu cầu nước xuất khẩu kiểm tra và cấp chứng thư sức khoẻ (Health Certificate) cho các lô hàng thuỷ sản chế biến xuất khẩu sang họ, cũng chỉ áp dụng các quy định và chỉ tiêu an toàn thực phẩm dùng cho người.

Hiện nay Australia và Trung Quốc cũng có yêu cầu kiểm một số chỉ tiêu dịch bệnh trên tôm đối với tôm đông lạnh nhập khẩu, áp dụng với một số dạng sản phẩm tôm “raw” đông lạnh (chưa hấp chín, hoặc chưa ướp tỏi) cho các chỉ tiêu dịch bệnh có thể lây lan trong môi trường nuôi của Australia (người dân có thói quen dùng tôm làm mồi câu). Các chỉ tiêu này gồm các virus gây bệnh trên tôm như virus gây hội chứng Taura, đầu vàng, đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cũng không kiểm tra các chỉ tiêu bệnh dịch hay vệ sinh thú y đối với hàng thuỷ sản xuất khẩu đi các thị trường (trừ một số chỉ tiêu virus gây bệnh trên tôm xuất khẩu sang Australia và Hàn Quốc); chỉ kiểm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm như vvi sinh, cảm quan/ ngoại quan theo Quyết định 2864/QĐ-BNN-QLCL ngày 14/11/2011, và các chỉ tiêu hóa học theo Quyết định 1471/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/6/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

“VASEP hoàn toàn nhất trí về sự cần thiết phải kiểm dịch chặt chẽ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp đá, nhưng về mặt khoa học và quản lý, không áp dụng tương tự cho các sản phẩm thực phẩm dùng cho người ở dạng chế biến đông lạnh, chín, đóng bao bì kín…., vì về nguyên tắc, các mặt hàng thủy sản đông lạnh và sản phẩm chế biến chín, đóng bao bì kín như đồ hộp, hàng khô tẩm gia vị ăn liền,… không thể mang và không có nguy cơ mang theo mầm bệnh và không thể gây ra lây lan dịch bệnh cho thủy sản trong môi trường xung quanh.

Với sản phẩm thuỷ sản chế biến như nói trên, áp dụng các quy định quản lý theo Luật An toàn thực phẩm là phù hợp cả về khoa học, pháp lý và thực tiễn thông lệ quốc tế” – bà Tạ Hà nhận định.


Tin bài liên quan:

VNTB – Bảy yêu cầu cho toa thuốc kinh tế ngắn hạn thời dịch Covid-19

Phan Thanh Hung

VNTB – 45 năm nữa, Việt Nam sẽ là nước phát triển?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao chi phí logistics ở Việt Nam vẫn cao?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.